Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 1.044
Những tín hiệu tích cực từ mô hình đưa di sản nghệ thuật ca Huế vào trường học
Lượt đọc: 8440Thời gian: 09:13 - 12/03/2021

VHH - Ca Huế là một bộ phận quan trọng trong tổng thể di sản văn hóa phi vật thể và giá trị nghệ thuật diễn xướng của Thừa Thiên Huế. Nó được hình thành vào thế kỷ XVII và tồn tại đến ngày nay dưới nhiều hệ bài bản có nguồn gốc cung đình bác học và dân gian. Đặc biệt, trong quá trình tồn tại ấy nhiều loại hình diễn xướng cùng tồn tại song hành và đan xen như lý Huế, hò Huế, kịch Huế, dân ca... tạo nên sức sống mới trong dòng nghệ thuật diễn xướng ở Huế. Tư sau khi được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 8 tháng 6 năm 2015), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế với nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó chương trình đưa Ca Huế vào trường học mang lại những tín hiệu tích cực.

Giá trị độc đáo của di sản nghệ thuật Ca Huế

Ca Huế là một loại nhạc thính phòng vừa được phổ biến trong dân dã, vừa biểu diễn trong chốn cung đình. Đặc biệt các vua Thành Thái và Khải Định rất thích nghe Ca Huế. Cho đến nay truyền thống ca Huế vẫn được giữ như ngày xưa, cách biểu diễn luôn trang nghiêm và mẫu mực.” Hoặc như nhận xét của PGS Thuỵ Loan “ Nguồn gốc cung đình và tính bác học của nó được bộc lộ rõ ở hệ bài bản, hệ nhạc khí đệm, ở sự phát triển của phần khí nhạc cũng như dấu vết âm luật năm Hồng Đức của dòng cung đình thời Lê. Sang nửa sau của thế kỷ XIX. Ca nhạc Huế được truyền bá rộng ra ngoài nhân dân. Chính vì vậy hệ bài bản trong hệ bài bản của ca nhạc Huế có sự đan xen giữa 2 nguồn cung đình bác học và dân gian”. Đồng thời ca nhạc Huế khi truyền vào phía Nam, đã tạo nên một dòng ca nhạc mới của những vùng đất Nam Bộ đó là ca nhạc tài tử ( đờn ca tài tử ) như nhận xét của PGS Thuỵ Loan “có thể xem ca nhạc tài tử là  sự kế thừa và Nam Bộ hoá của ca nhạc Huế. Mặt khác ca nhạc tài tử cũng là bước phát triển mới của dòng nhạc bác học cung đình từ Bắc truyền vào. Ở đó có sự tích tụ của cả dòng nhạc cung đình bác học do ca nhạc Huế truyền vào cũng như những tinh hoa của dòng nhạc dân gian Việt ở Nam Bộ”

Ca Huế là một minh chứng cho sức sáng tạo của nhân dân Đại Việt trong quá trình mở cõi về phương Nam, Ca Huế đã tạo ra một dòng nhạc thính phòng đặc sắc vừa kế thừa những tinh hoa của dòng âm nhạc Đại Việt vừa có sự sáng tạo mới để phù hợp với Địa - Văn hoá của vùng đất Thừa Thiên Huế vừa có sự  giao thoa với âm nhạc Champa tạo ra sự thống nhất trong đa dạng của âm nhạc Việt Nam. Ca Huế đã hoàn chỉnh một hệ thống bài bản khá phong phú, đa dạng và đặc sắc cho vùng văn hoá Huế góp phần làm giàu thêm cho nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Mặc dù chế độ Phong kiến đã qua đi nhưng những giá trị về âm nhạc của Ca Huế được lưu giữ trong cộng đồng và được nhân dân Thừa Thiên Huế kế tục qua nhiều thế  hệ.

Trong quá trình tồn tại và phát triển của Ca Huế  từ những bài bản được rút ra từ lễ nhạc cung đình như “Long ngâm “ hoặc “ 10 bản liên hoàn ”còn được gọi là “ 10 bản tàu “ “ 10 bản ngự “, Ca Huế ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh tạo thành một hệ thống bài bản phong phú, đặc sắc mang được tâm hồn và tính cách của con người xứ Huế thông qua giai điệu lời ca, cách phát âm, nhã chữ, luyến láy đặc trưng của âm Huế. Ca Huế được hồi sinh cùng với nhiều giá trị nghệ thuật truyền thống của Thừa Thiên Huế như Nhã nhạc cung đình, Tuồng cung đình, Ca Kịch Huế... Đặc biệt là khi Huế trở thành một trung tâm du lịch của cả nước, hình thức Ca Huế (kết hợp với lý Huế, hò Huế, kịch Huế, dân ca) trên Sông Hương trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Ca Huế ngày càng khẳng định những giá trị nghệ thuật truyền thống tiếp nối với đời sống đương đại, là sản phẩm tinh thần của đông đảo nhân dân, đem lại cho du khách những giá trị văn hoá phi vật thể hết sức độc đáo của vùng văn hoá xứ Huế.

Những tín hiệu tích cực từ chương trình đưa Ca Huế vào trường học

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh tỉnh Thừa Thiên Huế được Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân quan tâm, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xác định di sản văn hóa là tài sản vô giá, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, là phương tiện để quảng bá về hình ảnh địa phương thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Qua số liệu kiểm kê năm 2020, Thừa Thiên Huế hiện có 11 tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động biểu diễn Ca Huế, với khoảng 500 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, nhạc công (gọi là nghệ nhân) tham gia biểu diễn. Đội ngũ nghệ nhân nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với số lượng đông, gồm 04 Nghệ sĩ nhân dân, 04 Nghệ nhân nhân dân, 35 Nghệ sĩ ưu tú, 15 Nghệ nhân ưu tú đang sinh hoạt chủ yếu tại các Câu lạc bộ Ca Huế: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thành phố Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Trong đó, độ tuổi các nghệ nhân: dưới 20 tuổi chiếm 5,4%; từ 20-45 tuổi chiểm 77,6%; từ trên 45 tuổi chiếm 17%.

Từ thực tế cho thấy, lực lượng nghệ nhân đang trong độ tuổi lao động chiếm số lượng lớn, là lực lượng phục vụ dịch vụ Ca Huế trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan là các thế hệ kế cận, lực lượng tiếp nối cho công tác bảo tồn di sản Ca Huế khá khiêm tốn. Vì vậy, chương trình đưa Ca Huế vào trường học hướng đến các lực lượng học sinh tại các trường trung học sơ sở trên địa bàn tỉnh.

Chương trình đưa Ca Huế vào trường học tập trung một số nhiệm vụ sau:  Xây dựng kế hoạch và nội dung chương trình tập huấn hát Ca Huế cho lực lượng giáo viên dạy nhạc trường THCS trên địa bàn tỉnh; phát triển các Câu lạc bộ Ca Huế tại các Trường THCS trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản Ca Huế di sản văn hóa Huế; xây dựng chương trình dạy Ca Huế...

Qua hai năm 2019-2020, từ Chương trình đưa Ca Huế vào trường học, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tập huấn cho gần 70 giáo viên âm nhạc tại địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền, huyện Phong Điền và hỗ trợ thí điểm 3 câu lạc bộ Em yêu Ca Huế tại các trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương, Thống Nhất và Trần Cao Vân với hơn 150 học sinh đã tạo niềm hứng khởi, tình yêu Ca Huế.

Từ các lớp tập huấn Ca Huế cho lực lượng giáo viên âm nhạc các trường trên địa bàn tỉnh, hy vọng rằng trong thời gian không xa, các câu lạc bộ Em yêu Ca Huế sẽ được nhân rộng, hình thành từ 100-130 câu lạc bộ Ca Huế trong các trường THCS, trường Tiểu học và dạy hát Ca Huế cho 1.000 - 1.500 học sinh các trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là lực lượng kế tục sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Ca Huế xứng đáng để UNESSCO ghi danh trong thời gian tới.

Trần Tuấn Anh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL