Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 11.089
Dương Nỗ, nơi ghi dấu chân Người
Lượt đọc: 7419Thời gian: 14:47 - 14/07/2021
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Dương Nỗ

VHH - Nằm cách thành phố Huế gần 7km về phía Đông, làng Dương Nỗ thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang (nay thuộc thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế là ngôi làng có bề dày truyền thống văn hóa và cách mạng; càng vinh dự và tự hào hơn khi đang lưu giữ cụm di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong phú về loại hình kiến trúc và giá trị lịch sử.

Làng Dương Nỗ là nơi Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) sinh sống và học tập trong 2 năm từ 1898 - 1900. Năm 1898, sau khi tham gia khoa thi Hội năm Mậu Tuất không đỗ, cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) được mời về làng Dương Nỗ dạy học trong nhà ông Nguyễn Sĩ Độ. Cụ mang theo hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung để trực tiếp dạy dỗ, đồng thời chuẩn bị cho kỳ thi Hội tiếp theo.

Trong thời gian sống ở đây, Nguyễn Sinh Cung đã được cha cho theo học chữ Hán, được khai tâm bằng hai chữ “Nhân” và “Nghĩa”. Làng Dương Nỗ đã ghi lại những kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên của Nguyễn Sinh Cung lúc học tập, vui chơi, xem hội với bạn bè. Người được hòa mình trong đời sống của một làng quê hiền hòa, giàu bản sắc văn hóa, chứng kiến tinh thần lao động cần cù, tình làng nghĩa xóm của những người dân quê mộc mạc, những nhân tố đã góp phần nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước trong trái tim Người.

Cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ có 04 di tích, trong đó Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1990; Đình làng Dương Nỗ xếp hạng di tích lịch sử, nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1995. Năm 2020, hai di tích này được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Đồng thời, tại làng Dương Nỗ còn có 02 di tích cấp tỉnh là di tích Am Bà được xếp hạng năm 2007 và di tích Bến Đá được xếp hạng năm 2008. Đây là 4 di tích tiêu biểu, gắn bó mật thiết với giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình sinh sống và học tập tại làng Dương Nỗ từ năm 1898 đến năm 1900.

- Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ

Ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống từ năm 1898 đến 1900, khi Người cùng anh theo cha về đây dạy học. Năm 1898, ông Nguyễn Sinh Sắc đã được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học tại làng Dương Nỗ. Tại lớp học chữ Hán của cha trong ngôi nhà này, Nguyễn Sinh Cung đã được học những chữ Hán đầu tiên, đặt nền móng cho nền học vấn Hán học của Người. Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ là một ngôi nhà tranh ba gian hai chái, vách ghép ván. Đồ đạc trong nhà đơn sơ giản dị, ở giữa kê bộ phản gỗ gõ để ông Sắc ngồi dạy học, hai bộ phản khác kê hai bên để cho học trò trong làng cùng ngồi học, ở góc trong, gian bên trái có kê giường gỗ, dát tre, là nơi Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung thường nằm; góc trong gian bên phải kê một chiếc rương để đựng đồ đạc. Hai chái hai đầu là nơi sinh hoạt và cất trữ thực phẩm của ba cha con. Nối với nhà chính là ngôi nhà ngang ba gian, mái lợp tranh, vách trát đất được sử dụng làm bếp sinh hoạt của gia đình.

- Đình làng Dương Nỗ

Là nơi Nguyễn Sinh Cung thường ra vui chơi, quan sát và tìm hiểu về lịch sử ngôi đình cũng như đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong làng vào thời gian Người sống và học tập ở đây (1898 - 1900). Đình làng Dương Nỗ được xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông (1471) để thờ các vị tiền nhân, lúc đầu đình mới chỉ được làm bằng tranh, tre, nứa, lá; Đến năm 1808 dưới thời vua Gia Long được sự giúp đỡ của Khoái Châu quận công Nguyễn Đức Xuyên (sau này ông là Thượng thư Bộ Công), đình được cải tạo có kiến trúc như ngày nay. Đình làng Dương Nỗ được xây theo kiến trúc truyền thống 5 gian, 2 chái, mái lợp ngói âm dương, toàn bộ ngôi đình được bố trí bao gồm: Toà đại đình, sân đình, cổng đình, hàng trụ biểu và bến đình được liên kết với nhau theo một trục dọc hướng Bắc Nam. Đường nét hoa văn khắc chạm trang trí trong đình mang giá trị nghệ thuật cao.

- Am Bà

Là miếu thờ Thiên-Y-A-Na, một trong những tín ngưỡng thờ “mẫu” của người Việt mang màu sắc văn hóa Champa. Am Bà ra đời vào khoảng thế kỷ XV, khi tổ tiên của làng Phò Lỗ, Phò An khai phá đất đai lập làng và lập miếu thờ vị thần bảo trợ cho mình. Trong thời gian Nguyễn Sinh Cung theo cha và anh về sống tại làng Dương Nỗ, Người thường xuống đây chơi và học bài.

- Bến Đá

Là một bến nước nhỏ nằm bên dòng sông Phổ Lợi, cách Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Dương Nỗ 10m. Bến Đá nằm vào phần đất nhà thân sinh của ông Nguyễn Sĩ Độ, ông đã cho người đóng cọc tre kê đá làm thành một bến nước gia đình. Năm 1898, khi Nguyễn Sinh Cung theo cha về sống ở đây, Người thường ra Bến Đá tắm giặt và ngồi hóng mát. Bến đá đơn sơ này đã gắn liền với tuổi thơ của Nguyễn Sinh Cung trong hai năm sống ở làng Dương Nỗ.

Cùng với việc giữ gìn, tu bổ, tôn tạo cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ; năm 2005, Nhà trưng bày bổ sung di tích được xây dựng và tổ chức trưng bày về lịch sử làng Dương Nỗ, về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống, học tập ở làng Dương Nỗ và quá trình bảo tồn, phát huy giá trị các di tích tại đây. Qua 16 năm trưng bày, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã chỉnh lý nội dung, thay đổi chất ảnh, đai trưng bày đã hư hỏng qua thời gian sử dụng vào năm 2012. Năm 2021, nhằm tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng đối với các tầng lớp nhân dân thông qua cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ, gắn bó với những giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh và giữ gìn di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trên đất Thừa Thiên Huế, đồng thời nâng chất lượng điểm đến tham quan di tích, cung cấp những thông tin, tư liệu quan trọng về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình sinh sống, lao động và học tập tại làng Dương Nỗ, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiếp tục chỉnh lý trưng bày Nhà trưng bày bổ sung di tích Dương Nỗ.

Có thể khẳng định rằng, các di tích về Người ở làng Dương Nỗ đến nay đã được bảo tồn tương đối nguyên vẹn từ kiến trúc đến cảnh quan. Được sự quan tâm của các Ban, ngành trong tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế nỗ lực trùng tu, tôn tạo để các di tích ngày càng hoàn chỉnh, lưu giữ được phần hồn, không gian văn hóa như thời kỳ Người về sinh sống và học tập nơi đây.

Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương nỗ ngày nay trở thành địa chỉ đỏ, địa điểm về nguồn, giáo dục truyền thống của cán bộ, chiến sỹ, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trên toàn tỉnh. Những giá trị vật chất và tinh thần mà di tích chứa đựng là tri thức quý giá góp phần vào công tác tuyên truyền và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại địa phương trong giai đoạn hiện nay.

Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ còn là địa chỉ du lịch có giá trị lịch sử, hàng năm đón tiếp hàng trăm ngàn lượt khách tham quan trong và ngoài nước, vừa góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung, tôn vinh Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh nói riêng, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nguyễn Thị Lợi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL