Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 6.573
Nghệ thuật Bài Chòi
Lượt đọc: 12717Thời gian: 09:59 - 06/08/2021
Hội Bài Chòi - Tranh dân gian làng Sình

VHH - Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là cơ hội vô cùng quan trọng để các địa phương miền Trung, đặc biệt là Cố đô Huế, đẩy mạnh việc bảo vệ và phát huy các giá trị nghệ thuật Bài Chòi trong quá trình phát triển du lịch địa phương.

Từ rất lâu, cũng như các địa phương ở miền Trung, người dân xứ Huế đã tiếp cận qua truyền miệng, qua sinh hoạt cộng đồng nghệ thuật Bài Chòi và trò chơi dân gian Bài Chòi, một loại trò chơi tao nhã vào mỗi dịp lễ Tết, khi mỗi độ xuân về. Vì là một trò diễn, một sinh hoạt cộng đồng sống động nằm trong lễ Tết nên Bài Chòi qua những biểu hiện của mình từ thời điểm, cách dựng chòi, thể thức chơi, cách hô... mang tính biểu tượng văn hóa sâu sắc.

Bài Chòi là một trò chơi dân gian thể hiện sự sáng tạo, thích nghi và trở thành một trong những loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian mang đậm chất sân khấu nhỏ, đầy tính ngẫu hứng, được nhiều người dân nông thôn vùng Huế tham gia hưởng ứng. Cách thức và không gian trình diễn nghệ thuật Bài Chòi mỗi nơi có một lối chơi riêng, mang truyền thống của từng vùng đất nhưng tựu chung vẫn thể hiện đầy đủ các yếu tố giải trí, cầu may và sự cố kết cộng đồng trong cuộc vui vào mỗi khi dịp lễ, Tết hoặc có lễ hội lớn được tổ chức hàng năm. Từ xưa, người Huế chủ yếu chơi Bài Tới nhưng “để trò chơi từ bộ Bài Tới vượt ra khỏi phạm vi gia đình đến với cộng đồng, được nhiều người tham gia, phát triển thành sinh hoạt dân gian trong làng xã, bài Tới đã chuyển thành Bài Chòi và Bài Thai”. Bài Chòi là một thú chơi tiêu khiển, một hình thức vui chơi nhẹ nhàng, không nặng về ăn thua giữa các người chơi nên dễ thâm nhập sâu vào đời sống văn hóa cư dân làng xã xứ Huế. Chơi Bài Chòi đã trở thành một tập tục vào dịp đầu xuân, mang tính chất khuyến khích sáng tác và duy trì trình diễn thi ca bình dân. Người ta đến với Bài Chòi trong dịp năm mới không phải vì mục đích ăn thua, đỏ đen mà bởi tính chất giao lưu giải trí, muốn hòa mình vào không khí hoạt động vui vẻ của lễ hội. Tất cả mọi đối tượng đều có thể tham gia chơi Bài Chòi dân gian, từ các cụ già đến lớp thanh niên cùng những em nhỏ trong làng hoặc du khách thập phương.

Vào mỗi dịp Tết đến hoặc các kỳ lễ hội, khoảng sân rộng trước sân đình, sân chùa, sân chợ có khoảng không gian rộng, bằng phẳng, người tổ chức hội Bài Chòi dựng lên 11 cái chòi được làm từ tranh và tre. Trên mỗi chòi đều có các dụng cụ bổ trợ như thanh la, mõ, trống... Chòi này cách chòi kia khoảng 2 - 5m; chiều cao từ mặt đất lên sàn 1,2m và từ sàn ngồi lên mái lợp 1,3m. Diện tích mỗi chòi gần 2m2, gồm có 10 chòi được đặt ở song song hai bên và một chòi trung tâm. Người chơi Bài Chòi được bố trí ngồi trong các chòi đã được dựng sẵn từ trước, người chơi có thể mời gọi người thân hoặc bạn ngồi chung chòi của mình để cổ vũ động viên. Một người trong ban tổ chức đảm nhận vai người hô với chức năng quản trò, được gọi là “hiệu”. Tùy theo tuổi tác và giới tính mà người ta gọi là “anh hiệu”, “chú hiệu” hay “cô hiệu”. Người này phải rành các điệu hò vè và nhất là thuộc rất nhiều thơ, ca dao, biết pha trò đồng thời cũng ứng đối phải nhanh nhẹn mới điều khiển hội Bài Chòi. Khi tiếng trống chầu một hồi ba tiếng kêu lên thì cuộc chơi bắt đầu. Các con bài làm bằng tre, đầu trên bè ra khoảng 3cm như hình nang quạt để dán lá bài lấy trong bộ Bài Tới. Đầu dưới là chân thẻ nhỏ, chuốt tròn như một chiếc đũa đường kính 1cm. Các chân bài nhuộm nửa xanh nửa đỏ, giống hệt nhau để không phân biệt được. Mỗi người chơi (chòi con) được phát 5 quân bài, riêng chòi trung tâm được phát 6 quân bài (trong đó có một thẻ dùng cho anh hiệu đi chợ - mở đầu cuộc chơi). Nét độc đáo của Bài Chòi dân gian chính là những câu vè, điệu hò gần gũi được rút ra từ những câu ca dao, tục ngữ xưa để lại hoặc do anh hiệu tự phóng tác, sáng tác. Những câu hò vè mang nội dung ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước... từ đó, giúp cho chúng ta hiểu được tính cách của người dân xứ Huế nơi đây mang vẻ đẹp giản dị, ngay thẳng và nhân ái. Tiếp tục hội chơi Bài Chòi, người nào có quân bài trùng với quân bài vừa đi chợ lập tức hô đáp lại và rút kèm một con bài khác đưa cho anh chạy cờ. Cứ như thế cho đến khi có người gõ lên cái mõ tre treo bên cạnh chòi mình, miệng hô lớn: “Tới rồi! Tới rồi!”, để thông báo con bài mà anh hiệu vừa hò trùng với con bài cuối cùng trên tay mình. Cuộc chơi kết thúc.

Hội Bài Chòi là thú chơi tao nhã nhưng cũng cầu kỳ, tốn nhiều công sức. Vì vậy để đơn giản và tiện lợi cho người chơi, người dân ở một số nơi đã phá lệ cất chòi tạo ra sự biến thể của nghệ thuật Bài Chòi dân gian là Bài Thai, Bài Ghế, Bài Nọc, Bài Đôi, Bài Phu,... hiện rất phổ biến trong các hội xuân ở thành phố Huế và những làng quê phụ cận Huế. Tất cả các loại hình biến thể trên đều lấy bộ Bài Tới để chơi. Bài Chòi Huế có những nét khác biệt so với lối chơi Bài Chòi ở các tỉnh miền Trung khác như: Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định. Sự khác biệt ấy thể hiện ở nội dung câu hò, điệu hò, ở số người tham dự và số lần chơi trong một hội Bài Chòi. Anh hiệu sáng tác ra những câu hò có nội dung gợi nghĩ đến những lá bài trong bộ Bài tới mang những hình vẽ dân gian đặc sắc. Hò Bài Chòi góp phần tăng thêm sự hào hứng cho cuộc chơi, giúp người chơi vừa được thưởng thức điệu hò, vừa rèn sắc trí tuệ, trở thành một trò chơi văn chương thú vị. Hò Bài Chòi là một loại hình văn nghệ không chuyên nên không có ông bầu hay đạo diễn mà diễn viên là những nông phu, nông phụ, trai gái trong làng tự nguyện làm thành viên. Đó là những người có năng khiếu văn nghệ, có giọng hò, câu hát, có tài ứng đối khá nhuyễn mà trong mỗi làng, mỗi làng xã chỉ có chừng năm, bảy người. Khán thính giả là những người cùng lao động, những người trong xóm, trong làng hoặc những du khách tham quan về dự hội. Tổ chức chơi Bài Chòi vừa có tính chất sôi nổi, hào hứng của làn điệu hò mái nhì, mái đẩy vừa khoan thai, trầm lắng như tâm hồn người xứ Huế. Thông qua nội dung của những câu hò, có thể tìm thấy trong đó sự ca ngợi tình thương yêu cha mẹ, tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa vợ chồng... Không chỉ mang đậm tính nhân văn, mà nội dung các câu hát trong nghệ thuật Bài Chòi dân gian còn mang đậm tính giáo dục về đạo đức, về nhân cách, lối sống cao đẹp, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn.

Trần Văn Dũng (Phòng DSVH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL