Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, mấy chục năm qua, thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ do Đảng Cộng sản Việt Nam đề xuất, kiến tạo và định hướng chỉ đạo, văn hóa, văn nghệ Việt Nam luôn gắn bó với các chặng đường của lịch sử dân tộc, đề cao sứ mệnh của văn nghệ sĩ một lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phấn đấu sáng tạo những tác phẩm giá trị, có chất lượng về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật, góp phần tích cực xây dựng xã hội mới, con người mới.
Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hóa đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc, hoà quyện với thiên nhiên; có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hoá nghệ thuật, kết tinh của nền văn hóa dân tộc Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều di tích gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu.
Là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm khoa học - công nghệ của khu vực miền Trung và cả nước, việc duy trì và tiếp tục phát triển những giá trị ấy đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh. Từ việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết 23 - NQ/TU ngày 14/4/2015 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững” đã khẳng định: những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam, con người Huế đã được vun đắp, bồi dưỡng qua nhiều thế hệ, là nền tảng, cội nguồn văn hóa trong mỗi gia đình. Truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, sự khuôn phép trong giao tế, ứng xử được gìn giữ. Các lễ hội văn hóa tiếp tục khẳng định là sức mạnh nối kết, giao lưu quảng bá những tinh hoa dân tộc, là niềm tự hào của mỗi người dân xứ Huế với quê hương, đất nước,… góp phần đẩy lùi nguy cơ của “xâm lăng văn hóa” đối với thế hệ trẻ, nhất là trong quá trình hội nhập toàn cầu hiện nay.
Cùng với di sản đồ sộ của triều Nguyễn trên đất Huế, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành liên quan quan tâm đúng đắn đến phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa vùng miền. Các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế đã được quan tâm gìn giữ truyền thống và bản sắc, tiếng nói, chữ viết cũng như các hoạt động lễ hội truyền thống. Đã xây dựng và có cơ chế chính sách nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa và du lịch văn hóa.
Quán triệt các quan điểm của Đảng về văn hóa, văn nghệ, trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống nhân văn, dân chủ, khoa học, hiện đại, phản ánh chân thực, sâu sắc đời sống lịch sử cùng công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước; cổ vũ, khẳng định các giá trị chân - thiện - mỹ, bồi dưỡng lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng, nhất là với thế hệ trẻ; đồng thời bảo đảm quyền tự do sáng tác, tạo điều kiện thuận lợi để các tác giả phát huy tính độc lập, phong cách, dấu ấn cá nhân trong các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật. Công tác định hướng sáng tác được quan tâm nên hoạt động sáng tác VHNT luôn đảm bảo đúng định hướng. Có thể nói, VHNT đã góp phần khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy tiến bộ xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực đời sống, là tiền đề quan trọng, bước tạo đà để VHNT Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ, vững chắc, đa diện, xứng tầm với bề dày truyền thống văn hóa của khu vực và cả nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng trên thế giới, như nhiều địa phương khác trong cả nước, Thừa Thiên Huế cũng đang đứng trước những thách thức của sự thẩm thấu các giá trị văn hóa ngoại nhập và các sản phẩm văn minh có khả năng làm “biến dạng” các nền văn hóa và các yếu tố thuộc bản sắc văn hóa dân tộc. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/5/2021 về “xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong nhữngtrung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó đề ra các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả, thực sự đưa Nghị quyết vào cuộc sống, làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy cũng như người dân trong phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Có được kết quả trên là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc, nỗ lực của các ban ngành, địa phương trong tỉnh, thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đưa sự nghiệp văn hóa của Thừa Thiên Huế tiếp tục có nhiều chuyển biến và phát triển tích cực, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, dân trí từng bước được nâng cao, đời sống văn hóa của các vùng miền dần dần được thu hẹp khoảng cách; tinh thần yêu nước, tính năng động và tích cực của người dân được phát huy, sở trường và năng lực cá nhân được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển. Các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống được tiếp tục bảo tồn và phát huy trong từng gia đình, cộng đồng và xã hội. Môi trường hoạt động văn hóa ngày càng phát triển ổn định, lành mạnh. Thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển, đời sống thể chất của nhân dân từng bước được cải thiện, hướng tới xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thừa Thiên Huế một cách toàn diện, đóng góp vào quá trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc, Thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.