Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 7.075
Chữ hiếu và đạo hạnh trong gia phong phủ đệ xứ Huế
Lượt đọc: 8460Thời gian: 15:01 - 16/08/2021
Toàn cảnh phủ Tùng Thiện vương

VHH - Phủ đệ là nơi ở của các hoàng tử và công chúa. Khi những vị hoàng tử và công chúa ấy qua đời, tòa chính đường trong phủ đệ trở thành nơi thờ tự vong linh của họ. Mỗi phủ đệ đều lưu giữ và bảo tồn những nếp sống (gia phong) đặc trưng của con cháu hoàng tộc triều Nguyễn tạo nên sự đa dạng và phong phú của biểu tượng gia phong xứ Huế. Nó được hiểu là nếp nhà, tập quán và giáo dục trong mỗi phủ phòng; nền nếp riêng của một phủ đệ đã ăn sâu trong tâm thức con cháu hoàng tộc từ xưa cho đến nay. Gia phong chỉ được giữ vững khi gia đình sinh sống tại các phủ phòng có gia giáo, tức là sự giáo dục trong mỗi gia đình được truyền nối, chọn lọc qua nhiều thế hệ, trở thành chuẩn mực cho con cháu các đời sau noi theo học tập và phát huy. Gia phong phủ đệ cũng theo đó mà lan tỏa khắp chốn kinh kỳ.

1. Chữ Hiếu trong phủ đệ

Chữ Hiếu luôn được xem là một chuẩn mực hàng đầu trong xã hội phong kiến, là tiêu chuẩn rèn luyện và đánh giá nhân cách con người. Do vậy, nét gia phong đứng hàng đầu trong lễ nghi và sự giáo dục tại các phủ phòng ngày trước là chữ Hiếu. Ngài Tuy Lý vương là một tấm gương sáng tiêu biểu về sự đề cao chữ Hiếu. Ông có mẹ là bà Tiệp dư Lê Thị Ái. Ngài Tuy Lý hết sức chăm nom và phụng dưỡng mẹ già, là tấm gương sáng về hiếu hạnh trong hoàng tộc và dân chúng, được người đời ngưỡng mộ và kính phục. Không phải ngẫu nhiên mà người dân đất Thần kinh tôn xưng ông là “ông Hoàng hiếu” để ca ngợi tấm lòng hiếu nghĩa của một người con thân mang vương tước như ông.

Không gian nội thất phủ đệ Ngọc Sơn công chúa

Truyền thống tốt đẹp này được lưu truyền trong suy nghĩ và hành động của mỗi con cháu trong các phủ đệ. Biểu hiện đầu tiên là việc thờ phụng tổ tiên trong các phủ, phòng. Trongquy hoạch kiến trúc phủ đệ, nhà chính luôn thiết trí án thờ ở giữa để thờ phụng cha mẹ các hoàng tử đã quá cố hoặc có trường hợp xây riêng một ngôi nhà trong khuôn viên phủ đệ để thờ tự hương khói như trường hợp phủ Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương. Chủ nhân phủ đệ thiết trí các không gian thờ cúng uy nghiêm trong nhà để bày tỏ sự tri ân với Trời, Phật và Tổ tiên. Họ khu trú ngôi nhà thành những không gian riêng biệt để duy trì tôn ti trật tự trong phủ phòng, răn dạy con cháu theo luân lý “tam cương ngũ thường” của Nho giáo. Việc thờ phụng người đã mất vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của thế hệ những người đang sống, thể hiện lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với những người đã có công sinh thành và dưỡng dục mình. Học giả Léopold Cadière, từ đầu thế kỷ XX đã có nhận xét: “Sự trường tồn của Tổ tiên, sự hiện diện của các ngài ở giữa gia đình, không phải là một sáo ngữ, một lối nói, một cách bóng gió thi vị, mà là một thực tại sâu xa, ai ai cũng thừa nhận” [1, Tr. 167]. Dù con cháu trong các phủ phòng đi làm ăn xa cũng cố gắng sắp xếp thời gian về sum họp tại phủ thờ vào các ngày húy kỵ để lễ bái Tổ tiên, để được gắn bó với cội nguồn, và hơn nữa, để thực thi trách nhiệm đạo lý - tâm linh của mình.

3. Đề cao học thức và đạo hạnh

Dưới triều Nguyễn, các hoàng tử, hoàng thân đều được giáo dục và đào tạo để phục vụ cho việc quản lý xã hội theo thiết chế của Nho giáo. Do vậy, họ được dạy dỗ rất nghiêm khắc bởi những người thầy danh tiếng, uyên thâm Nho học, ai lười biếng sẽ bị giảm bổng lộc, thậm chí phạt bằng roi mây. Sử triều Nguyễn ghi chép vào năm 1870, vua Tự Đức dụ: Các công tử, công tôn đi học, người nào cáo bệnh thì giao cho các quan ở Tôn Nhân Phủ hợp lại xem xét, nếu ai giả bệnh và nghỉ học không duyên cớ thì sẽ giảm lộc bổng trong năm để trách phạt người lười biếng. Hoàng tử Ưng Chân học hơn 3 năm không thấy tiến bộ, vua Tự Đức liền ban roi mây cho 2 thầy giáo dạy hoàng tử để làm giáo hình. Vua Tự Đức ban dụ rằng: Cha mẹ đối với con cái, yêu thương mà không bắt cho con chịu khó sao. Roi vọt là vật răn dạy ngày xưa để tạo uy nghiêm. Lệnh cho lấy chiếc roi mây vốn trước kia ban cho giảng đường Chấn Hanh giao lại cho vị giáo đạo làm giáo hình. Từ chốn cung đình lan tỏa ra dân gian, hình ảnh cây roi dạy dỗ bao điều còn lưu lại ở nhiều thế hệ người Huế.

Trong đời vua Gia Long, khi hoàng tử đến 15 tuổi, Bộ Lễ theo lệ lập danh sách tâu vua xin phong tước Công, nhưng đến đời vua Minh Mạng đã có sự thay đổi một cách cẩn trọng và chặt chẽ. Năm 1829, vua dụ rằng: “từ đây về sau, phàm các hoàng tử đến năm 15 tuổi mà bộ Lễ tâu xin phong tước, đợi ta thân xét hạch xem hoàng tử ấy có quả là đức hạnh tuổi tác đều tăng tiến, ngày càng tôn kính đạo nghĩa, thì lập tức cho làm lễ tấn phong tước Công. Nếu hoàng tử ấy chưa có đức nghiệp sáng tỏ thì hãy đình phong một lần, đợi sau 5 năm lại làm sớ xin, nêu thành mệnh lệnh” [4, Tr. 123-124]. Việc được phong tước vị cao hay thấp cũng còn tùy thuộc vào sự nỗ lực phấn đấu học tập và tu dưỡng đạo đức của mỗi vị hoàng tử, như vua Thiệu Trị từng dụ: “…sai triệu các hoàng tử, hoàng đệ chưa được phong tước là 10 người đến trước sân hỏi, mà có 7 người ứng chế được, đủ biết đức một ngày một mới, tuổi học một tuổi một hay. Vậy hoàng tử Hồng Y cho tấn phong Kiến Thụy Công, hoàng tử Hồng Hưu cho tấn phong làm Gia Hưng Công, hoàng tử Hồng Phò cho tấn phong làm Thái Quốc Công, hoàng đệ Miên Tẩu cho tấn phong làm Phong Quốc Công, hoàng tử Hồng Tố cho tấn phong làm Hoằng Trị Quận Công, hoàng đệ Miên Tăng cho tấn phong làm Hải Ninh Quận Công, hoàng đệ Miên Lâm cho tấn phong làm Hoài Đức Quận Công, chuẩn cho bộ Lễ tra lệ thi hành. Còn những hoàng đệ không ứng chế được như Miên Sạ, Miên Ngộ, học thức không thông, thơ mất niêm luật, đều cho truyền chỉ thân sức [giúp sửa chữa], riêng hoàng đệ Miên Thái, tuổi đã nhiều lại chẳng biết tu tỉnh, chỉ quen chơi bời, chẳng tập lễ độ, chẳng thích thi thư, chữ viết không thành, văn lại phạm húy, thói cũ không chừa, trái với phép nhà, vậy phạt Miên Thái 2 năm mất lương để tỏ khuyên răn” [4, Tr. 124]. Lời răn dạy của vua trở thành nét gia phong hoàng tộc. Điều này đã tạo ra động lực cho các vị hoàng tử, hoàng thân phải không ngừng học tập, phấn đấu, không có tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại bản thân mình là con vua cháu chúa.

Ngày nay, nhiều phủ phòng ở Huế đều thành lập quỹ khuyến học, dưới sự bảo trợ tài chính của các con cháu thành đạt trong phủ phòng ở trong và ngoài nước để động viên tinh thần học tập, phấn đấu thành danh của con cháu. Cũng từ đây, nhiều người mang huyết thống hoàng tộc triều Nguyễn đã trở nên thành công, có địa vị và đóng góp nhiều cho xã hội.Truyền thống hiếu học của các gia đình hoàng tộc ở các phủ đệ là một truyền thống tốt đẹp, luôn được bảo tồn và phát huy.Chính điều này đã tạo nên một nét gia phong đặc sắc trong các phòng phủ phòng.

Trần Văn Dũng (Phòng DSVH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL