Tăng thu nhập
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền - ông Ngô Văn Dinh cho rằng, với đặc thù vùng thuần nông, để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân trong tiến trình xây dựng NTM không có con đường nào khác ngoài tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trước tiên phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao. Đầu năm đến nay, các địa phương vận động Nhân dân chuyển đổi 22,4ha lúa sản xuất khó khăn sang trồng rau màu, khoai lang và trồng sen kết hợp nuôi cá mang lại hiệu quả, thu nhập mỗi ha trên 100 triệu đồng. Các mô hình sản xuất an toàn, theo chuỗi giá trị tiếp tục khẳng định hiệu quả như trồng rau má, rau an toàn, đậu lạc... cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng/ha.
Mô hình cánh đồng lớn lúa chất lượng cao diện tích 392ha với 14 cánh đồng. Bước đầu hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô 56ha lúa, giá trị tăng bình quân từ 10-12 triệu đồng/ha. Nhiều xứ đồng được nông dân chuyển đổi phương thức gieo cấy các giống lúa truyền thống giá trị kinh tế thấp sang sản xuất một số loại giống mới có triển vọng, năng suất cao như KH1, ĐB6, VNR20, HG12, HG22, HN6... với diện tích hơn 1.575ha.
Sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, chuỗi giá trị đã tạo điều kiện cho nông dân tổ chức cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển lúa một cách thuận lợi, góp phần giải phóng sức lao động. Số lượng máy cày công suất lớn toàn huyện đến nay 170 máy (tăng 51 chiếc), 92 máy gặt đập liên hợp (tăng 5 máy) so với năm trước. Cơ giới hóa nông nghiệp còn giúp các địa phương đảm bảo khung lịch thời vụ, tăng năng suất lao động, tạo điều kiện cho nông dân có thời gian tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh khác để tăng thu nhập.
Chăn nuôi gặp khó khăn do giá thức ăn liên tục tăng cao, giá đầu ra thiếu ổn định. Dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp nên việc tái đàn, tăng đàn còn chậm, chủ yếu tăng đàn lợn ở các trại chăn nuôi quy mô lớn và có liên kết. Tuy vậy các địa phương, ngành nông nghiệp kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau thiên tai với hơn 100 ngàn con gà giống từ nguồn Trung ương, UBMTTQ Việt Nam huyện. Bước đầu có bốn hộ tái đàn lợn sau thiên tai theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, an toàn với quy mô 24 con lợn nái và 144 lợn thịt.
Diện mạo mới
Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tiến trình xây dựng NTM của huyện Quảng Điền đang đi đúng hướng, chất lượng các tiêu chí NTM khá toàn diện, hướng tới xây dựng NTM nâng cao thực chất, bền vững. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng vùng, huyện Quảng Điền triển khai các quy hoạch phân khu khu vực kinh tế, xã hội như Cồn Tộc - Quảng Lợi, khu vực ven biển Quảng Ngạn - Quảng Công, xây dựng và quản lý kiến trúc đô thị Sịa... nhằm có sự đầu tư hợp lý. Tại vùng đầm phá, bờ biển bước đầu hình thành khu du lịch Cồn Tộc, bãi tắm Tân Mỹ, bãi biển Tân Thành... thu hút nhiều lượt khách tham quan. Nhiều hộ dân đầu tư các dịch vụ nhà hàng, ăn uống, vui chơi giải trí có nguồn thu nhập ổn định, khá cao.
Dù ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh nhưng huyện Quảng Điền vẫn lồng ghép, tận dụng các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cao tiêu chí NTM; nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như thủy lợi, giao thông nội đồng từ nguồn vốn đầu tư công của tỉnh, huyện và các địa phương. Từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của tỉnh, huyện đầu tư chỉnh trang đô thị... Hầu hết các tuyến đê bao, giao thông nội đồng được xây dựng, nâng cấp phục vụ tốt việc đưa máy móc cơ giới vào đồng ruộng. Hệ thống kênh mương, thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới nước đồng ruộng trong mùa khô hạn, tiêu úng khi lũ tiểu mãn, mưa lớn.
Trước đây, trên địa bàn còn nhiều tuyến đường bằng đất đỏ, cấp phối thì nay thay bằng đường bê tông, thảm nhựa rộng rãi, ô tô vào tận trung tâm thôn, xã, khu dân cư. Hai bên đường làng, ngõ xóm được người dân trồng hoa, cây xanh tạo bóng mát và mỹ quan. Từ phong trào “Chủ Nhật xanh”, kết hợp xây dựng NTM, NTM nâng cao, người dân ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, hình thành thói quen thu gom, phân loại rác thải, nhất là không xả rác ra môi trường. Trên cánh đồng, bờ đê ngày càng sạch hơn, ít xuất hiện những bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật.
Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Trần Quốc Thắng khẳng định, dịch COVID-19 tác động, ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế thúc đẩy xây dựng NTM trên địa bàn huyện, nhất là các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, cung ứng vật tư, vật liệu… Một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức khi thực hiện chương trình xây dựng NTM. Vai trò của người dân trong xây dựng xã NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu chưa được phát huy mạnh mẽ. Quá trình liên kết và mở rộng sản xuất cánh đồng lớn đối với cây lúa chưa mạnh, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, liên kết trong sản xuất, vai trò của các HTX tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa được thể hiện rõ nét. Việc thu hút, huy động vốn đầu tư phát triển ngoài ngân sách của huyện còn nhiều khó khăn, đến nay chưa có DA nào chấp thuận đầu tư, nhất là các DA du lịch sinh thái, DA nông nghiệp có quy mô lớn, công nghệ cao...