1. Đình Bao Vinh (phường Hương Vinh, thành phố Huế)
Đình Bao Vinh tọa lạc trong khuôn viên 874,3 m2, đây là một công trình tín ngưỡng dân gian trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; là nơi cố kết cộng đồng dân cư, các họ tộc của làng. Đồng thời, Đình Bao Vinh cũng là nơi thờ tự các bậc hiền tiền khai canh, khai khẩn và các họ tộc: Phạm, Ngô, Lê, Nguyễn có công khai phá lập làng. Hiện nay, tại đình Bao Vinh còn lưu giữ 4 sắc phong có từ thời vua Nguyễn. Trong đó, có sắc phong “Thành Hoàng tôn thần, bảo vệ cho nước che chở cho dân”, “chuẩn cho phụng thờ như cũ, dùng để ghi ơn phước nước nhà và tỏ bày điển lễ thờ tự”; đặc biệt còn “tặng thêm là Tĩnh Hậu Trung đẳng thần” cho ngài Thành hoàng dưới thời Khải Định vào năm thứ 9 (1924) đã có công khai canh lập làng và sắc ngài Cao Các.
Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, đình được trùng tu và sửa chữa nhiều lần, nhưng vẫn giữ nguyên vị trí cũ. Lần tu bổ, tôn tạo lớn nhất vào năm 1973 đã nâng toàn bộ vì, kèo, mái lên 0,5m, đến 1974 khánh thành; lần tu bổ, tôn tạo gần đây nhất là vào năm 2009 đã tiến hành sơn quét vôi và lợp ngói liệt lại. Về kiến trúc đình qua các lần trùng tu vẫn giữ được nét cổ kính, gồm 3 gian hai chái, kết cấu kèo cột được làm bằng gỗ chạm khắc tinh xảo. Bên trong được thiết 5 án thờ. Phía hữu vu có miếu thờ ngài khai canh Phạm Công Toại và miếu thờ ngài Cao Các đại vương.
Hằng năm vào tiết Xuân tế ngày 16 tháng 02 (Âm lịch) và tiết Thu tế ngày 16 tháng 7 (Âm lịch), dân làng Bao Vinh tổ chức tế lễ tại đình để cầu mưa thuận gió hòa. Lễ lớn nhất diễn ra tại đình vào ngày 7/12 Âm lịch là ngày giỗ ngài khai canh Phạm Công Toại, toàn bộ Nhân dân thôn Bao Vinh tề tựu đông đủ tế lễ để tỏ lòng thành kính đến tổ tiên và tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai phá làng xã.
2. Đình Lương Quán (phường Thủy Biều, thành phố Huế)
Lương Quán là một trong những ngôi làng cổ của vùng đất Thuận Hóa xưa. Quá trình tụ cư lập nghiệp của cư dân nơi đây gắn liền với quá trình di dân mở cõi của lưu dân Việt. Danh xưng Lương Quán xuất hiện với tư cách của một đơn vị hành chính là vào khoảng của thế kỷ XVI. Theo các nguồn tư liệu và khảo sát do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế thực hiện, thủy tổ họ Đặng được xem là vị Khai canh của làng Lương Quán, đây là một trong những tộc họ đặt chân đến đầu tiên, có công lao tịch điền lập thổ, dựng ấp mở làng. Hiện nay, trong làng có 4 dòng họ, trong đó, họ khai canh và khai khẩn là họ: Đặng và sau đó là thứ tự các họ đến sau: Phan, Lê, Võ.
Đình Lương Quán có giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc, mang phong cách nhà rường truyền thống của xứ Huế. Với hệ thống cột, kèo, xuyên, trến, cùng với các họa tiết chạm khắc trên gỗ, các mô tip, đề tài trang trí ở phần mái, bờ nóc, bờ quyết; vì kèo, xuyên, đã phần nào phản ánh tâm tư, tình cảm của cư dân nông nghiệp lúa nước với ngưỡng vọng “phong điều vũ thuận”, “dân khang vật phụ”. Cùng với đó, Đình Lương Quán vẫn còn bảo tồn khá tốt các nguồn tư liệu Hán Nôm (hoành phi, đối liễn, sắc phong, địa bạ, văn tế…) rất có giá trị, phản ánh quá trình hình thành, phát triển, đời sống văn hóa xã hội, phong tục tập quán, chính sách điền thổ, thuế má của người dân qua các thời kỳ.
Đình đã được trùng tu và sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn giữ được dấu ấn của kiến trúc xưa. Lần trùng tu sửa chữa lớn nhất là vào năm 1942, đình được xây theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái, hệ thống cột, kèo, xuyên, trến… đều được làm bằng gỗ. Vào năm 2006, đình được đầu tư trùng tu bởi Hội đồng Tộc trưởng và con dân trong làng, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương. Toàn bộ phần mái được lợp lại ngói, thay 2 cột cái và 1 trến, thay toàn bộ đòn tay, nền đúc xi măng, phục chế các mô típ trang trí. Bức bình phong, sân và hệ thống la thành xung quanh cũng được tu bổ, nâng cấp.
3. Đình Lương Văn (phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy)
Đình Lương Văn được xây dựng vào khoảng nữa cuối thế kỷ XVI. Hiện nay, tại đình làng không thờ thần chủ mà chỉ thờ các vị Thượng, Trung Đẳng thần và tôn thần như: Thần Cao Các, Đại Càn Quốc gia Nam Hải… Bên cạnh Đình Lương Văn, còn có miếu khai khẩn cách đình làng khoảng 20 mét, nằm về hướng Tây Nam, miếu thờ các ngài họ Hoàng (Huỳnh), Võ, Phạm là 3 họ lớn có công trong việc khai phá lập làng. Theo các vị cao niên làng Lương Văn, miếu khai khẩn cũng được xây dựng vào khoảng thời gian nửa cuối thế kỷ XVI. Đình Lương Văn đã được nhiều lần tu sửa, năm 1810, dưới thời vua Gia Long đình được trùng tu với quy mô lớn và lần gần đây nhất là vào năm 2000.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Đình Lương Văn được làm Trụ sở làm việc Ủy ban hành chính xã Thủy Lương. Đến năm 1949 sát nhập hai xã Thủy Lương và Thủy Châu thành xã Minh Thủy, đình Lương Văn trở thành trung tâm văn hóa và là trụ sở hội họp của dân làng Lương Văn. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, một số chiến sỹ cách mạng, du kích địa phương đã dựa vào đình, đền, miếu…để trú ẩn và hoạt động. Do đó, năm 1952 thực dân Pháp và tay sai cho đốt Đình Lương Văn, các sắc phong lưu tại đình cũng bị cháy hoàn toàn. Hiện nay, ở các nhà thờ họ tộc và đền, miếu… làng Lương Văn còn lưu giữ 24 sắc phong của triều đình nhà Nguyễn phong tặng, chủ yếu là các sắc phong cho các dòng họ có công trong việc khai phá lập làng và các sắc phong thần linh.
Hằng năm, dân làng Lương Văn tổ chức tổ chức tế lễ tại đình trong các dịp “Xuân Thu nhị kỳ”. Trước ngày chánh tế diễn ra ở Đình Lương Văn, ban nghi lễ cử các chức sắc, trưởng tộc, cùng đoàn rước khiêng kiệu, cờ lọng, kèn, trống… đến cáo yết và nghinh rước cung thỉnh thần vị ở các đền, miếu như: Miếu Thành Hoàng, miếu Sơn thần, miếu Thủy thần, miếu khai khẩn… về đình dự, sau khi lễ tế xong các thần vị được rước trở lại đền, miếu. Đó là nét đẹp truyền thống, góp phần thể hiện phong phú những giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với làng Lương Văn.
4. Địa Điểm Cồn Bệ (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền)
Theo các tài liệu lịch sử còn lưu giữ tại làng Hiền Lương, Cồn Bệ ngày xưa là một địa danh thuộc làng Hoa Lang, tọa lạc ở vị trí biệt lập, địa hình cách trở và giao thông đi lại bị chia cắt không thuận lợi, xung quanh bao bọc toàn ruộng lúa nước. Trước đây, Chùa Giác Lương được xây dựng trên đất Cồn Bệ, nay vẫn còn dấu tích và miếu thờ bà Ưu Bà Di Hoàng Thị Phiếu tại Cồn Bệ. Từ sau khi Chùa Giác Lương di chuyển vào vị trí mới, Cồn Bệ hầu như bị bỏ hoang, không có đường chính đi vào, cây cối rậm rạp, nhiều loài rắn, rết, chim chóc và côn trùng cư trú, Nhân dân địa phương không ai dám vào trong Cồn Bệ.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Phong Nhiêu (nay là Phong Hiền) có vị trí quan trọng, là bàn đạp của tiến công nổi dậy vùng sâu, nối liền hành lang 3 vùng chiến lược, một địa bàn giao thông trọng yếu trên đường số 1 từ Quảng Trị đi Đà Nẵng. Đây là nơi gần các căn cứ quân địch như Đồng Lâm - Tứ Hạ và An Lỗ, quận lỵ Quảng Điền, do đó quân địch tập trung đánh phá, kìm kẹp, ngăn chặn các hoạt động của lực lượng vũ trang, du kích, cơ sở của ta. Với vị trí chiến lược quan trọng như vậy, nên Phong Nhiêu đã trải qua những năm tháng chiến đấu hết sức ác liệt, bền bỉ, ngoan cường để giữ lấy mảnh đất hậu phương của huyện Quảng Điền. Đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, để giành lại thế chủ động trên chiến trường, đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn đã huy động tối đa lực lượng và phương tiện chiến tranh hiện đại, kể cả vũ khí hóa học, chiến tranh điện tử và không quân; thực hiện chiến lược tập trung phản kích, đánh phá có tính hủy diệt hòng chiếm lại các thành phố, thị xã và vùng đồng bằng. Tại xã Phong Nhiêu, quân địch đã sử dụng một số lực lượng lớn để thực hiện chiến dịch “lột da Trái đất”, tăng cường càn quét nhằm tạo thành một vành đai trắng bảo vệ các căn cứ quân sự quan trọng. Trước tình hình đó, Khu ủy Trị Thiên chủ trương rút lực lượng ra khỏi thành phố, thị xã và vùng giáp ranh để bảo toàn lực lượng. Cùng với các địa bàn chiến lược khác, ở Phong Nhiêu được chọn làm nơi dừng chân của các lực lượng, tập trung bồi dưỡng trở lại căn cứ chuẩn bị cho thời kỳ tiếp theo đã tổ chức rút hết vào trú ẩn tại Cồn Bệ. Do biết lực lượng của ta trú ẩn ở Cồn Bệ, quân địch đã tập trung lực lượng, cho máy bay ném bom vào các lùm cây bụi rậm và dùng hỏa lực, chủ yếu là pháo 105 ly, bắn hàng trăm quả đạn pháo nhằm hủy diệt Cồn Bệ. Do bị tấn công bất ngờ và tương quan lực lượng quá lớn nên quân ta bị tổn thất nặng nề, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và bị thương. Tuy nhiên, qua trận đánh tại Cồn Bệ đã thể hiện quyết tâm, ý chí và lòng dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ quân ta, thà chiến đấu hy sinh nhất định không chịu đầu hàng.
Hằng năm, vào các ngày 20, 21, 22 tháng 7 (Âm lịch), một số thân nhân của các Liệt sỹ hy sinh tại Cồn Bệ đến thắp hương tưởng nhớ các đồng chí đã chiến đấu và đã hy sinh tại mảnh đất này. Ngoài ra, trong các dịp Lễ, Tết một số đơn vị thuộc Sư đoàn 324, các thân nhân liệt lỹ cũng đến thăm lại chiến trường xưa, nơi họ đã hoạt động chiến đấu trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội của mình đã hy sinh vì độc lập tự do của quê hương, đất nước.
5. Địa Điểm Lùm Phun (xã Phú Xuân, huyện Phú Vang)
Với địa hình hiểm trở, cây cối um tùm, rậm rạp, có khe suối, bùn lầy, là điểm giao thông liên hoàn với thôn Lê Xá Đông (xã Phú Lương), thôn Đồng Di (xã Phú Hồ)… Lùm Phun hội đủ các điều kiện để trở thành “hậu cứ” an toàn, là nơi cất giấu lương thực, quân trang, quân dụng; địa bàn đứng chân của các cơ quan lãnh đạo tỉnh, huyện; là nơi nuôi dưỡng thương binh, nơi ém quân để mở các chiến dịch lớn tiến công tiêu diệt kẻ thù. Từ năm 1946, lực lượng bộ đội chủ lực của tỉnh về đóng tại đây, sau 01 năm đơn vị này chuyển đi, khu vực này được giao lại làm kho lương thực nuôi quân, do 3 xã Phú Thượng, Phú An, Phú Mỹ và Khu III Hương Thủy quản lý. Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lùm Phun vẫn là vị trí chiến lược quan trọng, diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa quân ta và quân địch. Từ năm 1965 đến năm 1968, quân Mỹ mở hàng chục trận càn, dùng pháo, máy bay bắn phá vào thôn Lộc Sơn, xã Phú Xuân. Qua hai cuộc kháng chiến đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, địa điểm Lùm Phun là căn cứ cách mạng kết nối các lực lượng ở Phú Vang, Hương Thủy với vùng ven thành phố Huế. Địa điểm Lùm Phun thể hiện sự mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trong chiến tranh du kích, lấy ít địch nhiều; dựa vào địa hình, địa vật và dựa vào những yếu tố thuận lợi của tự nhiên để vận dụng vào các chiến thuật quân sự.
Trải qua thời gian tồn tại, trước sự tàn phá của chiến tranh và quá trình đô thị hoá đã làm cho Lùm Phun có những biến động đáng kể. Nhiều hầm bí mật, hệ thống giao thông hào, trận địa hiện nay đã không còn dấu vết. Song tổng thể Lùm Phun vẫn còn giữ được nét hoang sơ, với hệ sinh thái đầm lầy, có nhiều loài thực vật thích nghi với môi trường nước, các loài cây sống đan xen tạo thành thảm thực vật phân tán nhiều tầng, tầng trên cùng là các loại cây gỗ, tầng bên dưới là các cây bụi và dây leo, tạo thành lùm cây um tùm che phủ mặt đất. Bên trong hệ sinh thái, có nhiều loài lưỡng cư cùng nhiều côn trùng sinh sống. Có thể nói Lùm Phun là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cũng như có nhiều tiềm năng phát huy giá trị gắn liền với phát triển du lịch.
6. Lăng mộ Nguyễn Cửu Kiều và Công nữ Ngọc Đỉnh (xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc)
Trong buổi đầu mở cõi về phương Nam của các chúa Nguyễn, nhiều dòng họ từ Đàng Ngoài đã di dân vào khai phá vùng đất mới ở Đàng Trong, Nguyễn Cửu là một trong những chi họ ấy. Theo thông tin trong “Gia Miêu bắc phổ”, thì tổ quán của họ Nguyễn Cửu xuất phát từ Gia Miêu ngoại trang, thuộc tổng Thượng Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, Thanh Hóa. Dòng dõi Nguyễn Cửu Kiều vốn được ban họ chúa (quốc tính) là Nguyễn Phúc, đến năm Minh Mạng thứ nhất (1820), để tưởng thưởng công trạng của công thần, vua ban “cho con cháu công thần quốc sơ là Nguyễn Phúc Kiều làm họ Nguyễn Cửu” (gọi là Công tính).
Nguyễn Cửu Kiều thuộc đời thứ nhất theo phổ hệ ở Huế, đời thứ 18 tính theo phổ hệ ngoài Bắc (Thanh Hóa). Năm 1633, Nguyễn Cửu Kiều ra làm Trấn thủ Quảng Bình. Năm 1640, chúa Nguyễn sai Nguyễn Cửu Kiều cùng Trương Phước Phấn đem quân đánh đuổi Nguyễn Khắc Liệt làm phản và lấy được cả đất Bắc Bố Chính. Năm 1655, Nguyễn Cửu Kiều đem thủy quân tiến đóng bờ Nam sông Đàm, chiêu phủ hai huyện Kỳ Anh, Thạch Hà. Mùa hè năm 1656, quân chúa Nguyễn tiến đến sông Lam, Nguyễn Cửu Kiều kiêm lĩnh chức Thủy sư Phó tướng cùng Tham tướng Tôn Thất Tráng đem binh thuyền thẳng đến cửa biển Đan Nha (tức cửa Hội) đánh thủy binh nhà Trịnh, phá tan được. Gặp lúc thủ lĩnh miền núi là Phù Dương đem binh miền thượng đánh quân của tướng Trịnh là Đào Quang Nhiêu. Quân Trịnh ập đến, quân Phù Dương thua. Nguyễn Cửu Kiều đem quân đến cố sức đánh, chém được tướng miền Bắc là Tào Nham và Diễn Thọ tại trận. Nguyễn Cửu Kiều cũng bị thương nặng, về Quảng Bình thì ông qua đời. Chúa được tin, thương tiếc vô cùng, tặng phong Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Tả quân Đô đốc phủ Tả đô đốc, Nghĩa quận công. Mộ táng tại núi Bạch Thạch, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế và cho lập đền thờ ở khu vực Gành Đá, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.
Trong gần 33 năm phò tá chúa Nguyễn, Nguyễn Cửu Kiều là lớp thế hệ “khai quốc công thần” gắn liền với giai đoạn khởi nghiệp của chúa Nguyễn ở Nam Hà. Đồng thời, ông cũng chính là vị “thủy tổ” của họ Nguyễn Cửu ở Đàng Trong, người mở đầu cho một thế gia vọng tộc huân công rạng rỡ, sản sinh rất nhiều danh tướng lỗi lạc và đây cũng là dòng tộc nhiều đời kết thông gia với họ Nguyễn Phúc.
Theo các nguồn tư liệu, sau khi vượt Linh giang, một lòng phò tá chúa Nguyễn, Nguyễn Cửu Kiều chính thức được “sánh duyên” với Công nữ Ngọc Đỉnh, con gái của Hy tông Hiếu Văn hoàng đế, tức chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Công nữ Ngọc Đỉnh có pháp danh là Diệu Liên, là con gái thứ 4 của Hy tông Hiếu Văn hoàng đế và bà Nguyễn Thị Bá Giai, tức bà Mạc Thị Giai sinh vào ngày 20 tháng 2 năm Mậu Thân (1608) và mất vào ngày 16 tháng 11 năm Giáp Tý (1685).
Lăng Nghĩa Quận công Nguyễn Cửu Kiều và Công nữ Ngọc Đỉnh được cát táng tại làng Bạch Thạch, nay thuộc xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc. Cả hai khu lăng mộ được xây dựng tại địa điểm trên núi, xa dân cư, đều có kiến trúc đơn giản nhưng mang tính đăng đối, uy nghiêm và khoáng đạt, gồm các hạng mục công trình: hai vòng thành, bình phong tiền, bình phong hậu, trụ biểu, nhà bia và tẩm mộ. Hiện trạng kiến trúc tổng quan Lăng mộ Nguyễn Cửu Kiều và bà Ngọc Đỉnh vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn.
Với việc các công trình, địa điểm này được Hội đồng Xét duyệt hồ sơ di tích tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất thông qua và đề nghị xếp hạng trong thời gian tới sẽ làm phong phú, đa dạng hơn hệ thống di tích ở Thừa Thiên Huế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, qua đó, thúc đẩy sự phát triển văn hóa, du lịch và thực hiện mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.