Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 64.068
Đưa di sản Ca Huế vào trường học để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế
Lượt đọc: 6382Thời gian: 10:00 - 28/12/2021

VHH - Đưa di sản Ca Huế vào trường học là sự chuẩn bị cho tương lai, để di sản này có sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ, từ đó đặt nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản vô giá này một cách hiệu quả và bền vững.

Qua nghiên cứu tài liệu, Ca Huế là loại hình nghệ thuật ra đời từ cuối thế kỷ XVII, phát triển và hoàn chỉnh trong thế kỷ XVIII, XIX và đến thế kỷ XX mặc dù có nhiều biến động lịch sử nhưng ca nhạc Huế đã lan truyền sâu rộng trong nhân dân, trở thành bản sắc của cộng đồng cư dân vùng đất Thừa Thiên Huế. Những bước đi ban đầu của Ca Huế không phải xuất phát từ dân gian mà từ trong tế nhạc cung đình nhưng trong quá trình phát triển của nó là một sự cộng hưởng với dòng nhạc trong dân gian, các giá trị nghệ thuật cung đình nói chung cũng là sản phẩm của nhiều tài năng đỉnh cao trong lịch sử. Vì vậy, Ca Huế là một sản phẩm văn hoá tinh thần đỉnh cao của nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung đã được thử thách qua thời gian cả về nội dung và hình thức nghệ thuật biểu diễn.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc nêu trên, năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) đã nghiên cứu lập hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể Ca Huế và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc theo Quyết định 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08/6/2015. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Thừa Thiên Huế mà còn đặt ra nhiều thách thức cho cộng đồng trong việc thể hiện trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị di sản Ca Huế trong đời sống đương đại.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Ca Huế, năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 1867/QĐ-UBND ngày 19/8/2017 phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017 – 2022. Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, nhằm đẩy mạnh phổ biến Ca Huế cho người dân, đặc biệt là học sinh, ngày 12/4/2019, Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết Chương trình phối hợp số 577/CTPH-SGDĐT-SVHTT về việc Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho học sinh giai đoạn 2019 - 2021. Có thể nhận thấy, từ chương trình phối hợp này, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng và triển khai có hiệu quả Chương trình đưa di sản Ca Huế vào các trường Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Huế và dạy hát Ca Huế cho học sinh theo hình thức câu lạc bộ Ca Huế tại các Trường Trung học cơ sở: Nguyễn Tri Phương, Thống Nhất và Trần Cao Vân. Chương trình đưa Ca Huế vào trường học không chỉ đơn thuần là dạy cho học sinh tập hát Ca Huế mà còn giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong loại hình di sản này.

Chúng ta cần phải hiểu rằng, trẻ em tiếp xúc với âm nhạc truyền thống từ thuở nằm nôi, trong lời hát ru của mẹ, của bà đến tuổi mẫu giáo, tuổi đến trường, hoạt động của trẻ mở ra ngày càng phong phú hơn, tiếp xúc với các loại hình âm nhạc nhiều hơn. Do vậy, âm nhạc tác động đến thế giới quan, nhân sinh quan của con người ngay từ thuở nhỏ. Âm nhạc góp phần quan trọng vào việc hình thành những tình cảm thẩm mỹ với sự phát triển trí tưởng tượng, trí thông minh, tính sáng tạo trong tư duy của trẻ em. Điều này đặt ra yêu cầu cần chú trọng đến các em học sinh đang theo học tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở.

Thời gian qua, công tác đưa các di sản vào trường học luôn là mục đích hướng tới của các nhà quản lý văn hoá và giáo dục. Các cơ quan quản lý văn hóa và giáo dục luôn xác định việc gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể là bảo vệ văn hóa con người. Vì vậy, đưa Ca Huế vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường là một trong những giải pháp quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Ca Huế. Một chương trình giáo dục di sản văn hóa thành công sẽ làm tăng hình ảnh và bản sắc của tỉnh nhà; đồng thời, góp phần hình thành một ý thức gắn bó và thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng.

Trên địa bàn thành phố Huế, loại hình nghệ thuật Ca Huế và Dân ca Bình Trị Thiên đã sớm được đưa vào giới thiệu trong trường học. Giai đoạn 2009 - 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở văn hóa và Thể thao) đã phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai đề án “Sân khấu học đường” tại Huế và lựa chọn một số trường trung học cơ sở: Nguyễn Chí Diểu, Trần Cao Vân, Thống Nhất để đưa loại hình nghệ thuật Ca Huế, Ca Kịch Huế vào giảng dạy tại các trường. Đã tổ chức hội thi soạn lời mới dân ca và tổ chức tập huấn đưa dân ca, Ca Huế vào nhà trường trong hệ thống ngành mầm non. Tuy nhiên, hiệu quả của việc đưa di sản Ca Huế đến với thế hệ trẻ trong trường học vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong đợi. Chỉ đến khi triển khai Chương trình đưa Ca Huế vào trường học do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thì công tác này đã đạt được những hiệu quả nhất định.

Các giảng viên của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và nghệ nhân Ca Huế sinh hoạt tại Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng đã trực tiếp tham gia giảng dạy và giao lưu trình diễn di sản Ca Huế. Qua gần 3 tháng tham gia tập huấn (đợt 1, năm 2019), các giáo viên đã được giới thiệu lý thuyết tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển Ca Huế, tập hát các làn điệu Ca Huế, giao lưu với các nghệ nhân, nghệ sĩ Ca Huế, biểu diễn Ca Huế giữa các giáo viên tham gia tập huấn. Kết thúc lớp tập huấn lần thứ nhất, có 24 học viên được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn đạt loại A, trong đó có 05 học viên xuất sắc được tặng giấy khen. Năm 2020, tổ chức tập huấn Ca Huế cho giáo viên âm nhạc các trường trung học cơ sở trên địa bàn thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền, huyện Phong Điền. Kết thúc lớp tập huấn đợt 2, có 40 học viên được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn với kết quả loại A, trong đó có 10 học viên xuất sắc được tặng giấy khen. Đợt 3 tổ chức tập huấn cho 54 giáo viên âm nhạc các trường trung học cơ sở trên địa bàn thị xã Hương Thủy, các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh covid diễn biến phức tạp nên chưa triển khai thực hiện. Có thể nhận thấy, sau khi hoàn thành tập huấn, các thầy, cô giáo sẽ cùng các nghệ nhân truyền dạy và nuôi dưỡng tình yêu di sản Ca Huế cho các thế hệ học trò. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Ca Huế trong đời sống đương đại. Điều này cũng có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở vững chắc để xây dựng Bộ hồ sơ Nghệ thuật Ca Huế đệ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong tương lai.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững và sự lan tỏa của Chương trình đưa di sản Ca Huế vào trường học, Sở Văn hóa và Thể thao đã và đang thực hiện một số giải pháp sau đây:

- Sau khóa tập tuấn cho các giáo viên tại các trường Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn cho các giáo viên đang giảng dạy tại các trường Trung học cơ sở trên địa bàn các thị xã, huyện; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh đồng thuận tạo điều kiện cho các học sinh tham gia Câu lạc bộ Ca Huế trong trường học.

- Quan tâm hỗ trợ nguồn lực, đồng thời kêu gọi các nguồn xã hội hóa để có thêm nguồn kinh phí tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình đưa di sản Ca Huế vào trường học.

- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di sản Ca Huế, liên hoan Ca Huế trong trường học để các học sinh có sân chơi bổ ích và ý nghĩa, qua đó giúp các em học sinh có dịp giao lưu văn hóa, văn nghệ, được thể hiện năng khiếu ca hát, được hát lên những làn điệu Ca Huế mình yêu thích; đồng thời, bồi dưỡng, định hướng và truyền cảm hứng để thế hệ trẻ biết trân trọng, yêu mến di sản Ca Huế.

- Thông qua các cơ quan báo chí, mạng xã hội để tuyên truyền quảng bá Chương trình đưa di sản Ca Huế trong trường học.

- Tổ chức chương trình ngoại khóa đưa học sinh đến các di tích, địa điểm có liên quan đến di sản nghệ thuật Ca Huế như: Cổ nhạc từ, Châu Hương viên, Bảo tàng Văn hóa Huế...; giới thiệu tham quan không gian trình diễn Ca Huế trên sông Hương, giao lưu với các nghệ nhân thực hành di sản Ca Huế tại các Câu lạc bộ.

- Nghiên cứu biên soạn giáo trình về di sản nghệ thuật Ca Huế để cung cấp cho các trường học nhằm giới thiệu, giảng dạy Ca Huế một cách khoa học, hiệu quả.

- Tạo điều kiện để các nghệ nhân Ca Huế có tài năng, tâm huyết đến truyền dạy thực hành di sản nghệ thuật Ca Huế trong các trường học.

Chúng ta hy vọng rằng, việc đưa di sản Ca Huế vào trường học là sự chuẩn bị cho tương lai, để di sản này lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ, từ đó đặt nền tảng cho sự bảo tồn và phát huy giá trị di sản vô giá này một cách hiệu quả và bền vững.

Nguyễn Thị Lợi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL