Đây là cơ sở để tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy xã hội hóa và huy động các nguồn lực thực hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Qua đó, phát huy giá trị của các di tích nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, lòng tự hào dân tộc; đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, khai thác, phát triển du lịch và dịch vụ tại di tích theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nội dung của Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kèm theo Quyết định số 82/2021/QĐ-UBND gồm 6 Chương 32 Điều quy định những vấn đề liên quan đến công tác này như sau:
Quy định chung (Chương I): Phạm vi điều chỉnh: Hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và công trình, địa điểm, danh lam thắng cảnh tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đã được đưa vào danh mục kiểm kê di tích; các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của di tích và công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích và tổ chức lễ hội tại di tích thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Đối tượng áp dụng: Các Sở, Ban, Ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh; Nguyên tắc chung: Chấp hành nghiêm túc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Thực hiện quyền quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo sự phân cấp của UBND tỉnh; Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, ngành trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn.
Kiểm kê, xếp hạng và quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích (Chương II): Kiểm kê di tích; Xếp hạng di tích; Hủy bỏ xếp hạng di tích; Phân cấp quản lý di tích; Khoanh vùng bảo vệ di tích; Xây dựng quy chế bảo vệ di tích; Tiếp nhận, bổ sung biểu tượng, sản phẩm, linh vật, đồ thờ tự mới vào di tích; Khai thác và phát huy giá trị di tích; Nghiên cứu khoa học tại di tích.
Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (Chương III): Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Phân loại dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Chủ trương đầu tư dự án tu bổ, phục hồi di tích; Thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt dự án và báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Thiết kế bản vẽ thi công dự án và báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích.
Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của di tích (Chương IV): Quản lý và bảo vệ di vật, cổ vật; Quản lý và bảo vệ bảo vật quốc gia; Tiếp nhận và quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc do tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp; Công nhận bảo vật quốc gia.
Tổ chức lễ hội tại di tích (Chương V): Yêu cầu nội dung lễ hội; Đăng ký và thông báo tổ chức lễ hội; Ban Tổ chức lễ hội; Quy định các hoạt động trong lễ hội tại di tích.
Tổ chức thực hiện (Chương VI): Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành và tổ chức, cá nhân liên quan; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã; Điều khoản thi hành.
Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được ban hành đã góp phần triển khai, cụ thể hóa quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.