Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 8.340
Làng văn hoá An Nông Từ truyền thống đến hiện đại
Lượt đọc: 5061Thời gian: 09:50 - 08/04/2022

VHH - Nằm bên dòng sông Nông hiền hoà, cách thành phố Huế 20km về hướng Nam, làng An Nông thuộc xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.  Nhắc đến làng An Nông, các nhà khảo cổ học thường nghĩ ngay đến những phát hiện về khảo cổ học tại thôn Bình An (làng An Nông) với những chiếc rìu đá có vai, lưỡi mài sắc cạnh phong phú về kiểu dáng, kích thước khác nhau và nhiều người thì nhắc đến câu chuyện được nhân dân truyền lại để kể về tấm lòng trung nghĩa giữa ngài khai canh làng và con ngựa trung thành từ những ngày đầu khai hoang lập làng để nhắc nhở mọi người về lòng trung nghĩa, như là biểu tượng của làng.

 

Gìn giữ truyền thống

Chuyện kể lại rằng, ngài khai canh của làng An Nông, một vị tướng lĩnh họ Nguyễn húy là Đà, sống dưới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1627-1672). Nhận trách nhiệm chỉ huy đạo quân Nam tiến, ngài rong ruỗi vó ngựa khắp đó đây. Trong cuộc chiến đấu dưới chân đèo Hải Vân, ngài bị thương nặng (tương truyền ngài bị chặt đứt đầu). Ngựa đã đưa ngài trở về hậu phương, trên đường về, đến khu vực xã La Sơn thì ngài tắt thở. Ngựa vẫn tiết tục về đến làng để báo với nhân dân. Sau khi làng tổ chức an táng cho ngài xong, ngựa nhảy xuống sông gần mộ mà chết. Dân làng thấy ngựa trung nghĩa liền chôn ngựa và làm thành ngôi mộ chung2. Về sau, ngài được sắc phong Dực bảo trung hưng linh phò chi thần.

Đến với làng An Nông, mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ tú của ngôi làng truyền thống với những thiết chế văn hoá làng xã được bảo tồn một cách chỉnh chu với nhiều công trình kiến trúc, tín ngưỡng mang phong cách và mỹ thuật triều Nguyễn. Bên cạnh đình làng, ngôi nhà chung của cộng đồng, còn có các miếu thờ thành hoàng, miếu khai canh, các nhà thờ họ, phái, chi... được xây dựng theo kiến trúc truyền thống Huế. Đình làng An Nông là một công trình kiến trúc ba gian, mái lợp ngói âm dương, trang trí lưỡng long triều nguyệt. Nằm chung trong khuôn viên đình là nhà thờ mười hai họ (thập nhị tôn phái) được thiết kế theo kiểu nhà rường truyền thống Huế với kết cấu bộ vì kèo bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, bên trên bờ mái, bờ nóc trang trí tứ linh và các đề tài nho giáo. Đình toạ lạc trên một khuôn đất cao ráo, mặt hướng về phía nam, phía trước là dòng sông Nông được sử dụng để làm minh đường, phía sau đình là những gò đất với bình diện rộng rãi, thoáng đãng. Gắn liền và là linh hồn của làng An Nông là lễ hội Xuân tự (còn gọi là lễ đông chí), được tổ chức hằng năm vào hai ngày thuộc tiết đông chí hằng năm. Trong hai ngày lễ hội, làng tổ chức với đầy đủ các nghi thức với diễn trường từ miếu thờ đến đình làng (nơi tổ chức chính). Ngày đầu tiên làng làm lễ rước (nghinh thần) từ miếu thờ đến đình làng với khoảng cách  1km. Trong đám rước, bắt đầu là tiền quân, có hương án, võng, lọng và một con ngựa gỗ; tiếp theo là trung quân với bài vị, kiệu, tàng lọng; sau là hậu quân với lỗ bộ, cờ xí và đoàn bô lão nghinh thần. Đám rước đến đình làm lễ túc yết. Ngày thứ hai làng làm lễ chánh tế với nghi thức truyền thống, đầy đủ các vật phẩm theo từng năm. Sau lễ chánh tế, làng tổ chức cuộc đua trải trên sông Nông để thi tài cho các thanh niên trai tráng trong làng tạo không khí vui tươi trong ngày hội, đồng thời là dịp để rèn luyện sức khoẻ, cố kết tình làng nghĩa xóm.

Phát huy trong cuộc sống hiện đại

Kế tục truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương đất nước. Ngày nay, nhân dân  làng An Nông vẫn tiếp tục phát huy truyền thống văn hoá của cha ông. Nhiều truyền thống quý báu được dân làng An Nông duy trì để xây dựng đời sống văn hoá mới. Trong những phong tục tốt đẹp được duy trì trong cuộc sống hiện đại tại làng An Nông phải kể đến tập tục “dựng nhà”, “trợ tang”, “gặt công”... Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến tập tục “dựng nhà” (làm nhà mới), một trong những tập tục quý báu liên quan đến việc trọng đại nhất của cuộc đời mỗi người.

Theo lời kể của các bô lão, từ những ngày đầu lập làng, do điều kiện khó khăn, phương tiện đi lại chủ yếu bằng thuyền, bè và vật liệu dựng nhà phần lớn là gỗ và tranh tre, nhân dân trong làng đã cùng nhau ngược dòng sông Nông để lên rừng cưa gỗ, chặt tre, cắt cỏ tranh... hàng tháng trời, sau đó dọc theo dòng nước đưa về để về dựng nhà, xây đình... Ngày trước không như bây giờ, cơ sở vật chất và phương tiện thiếu thốn, mọi người phải đoàn kết để cùng nhau sinh sống trên vùng đất mới.  Ngày nay, mặc dù điều kiện đã khác, nhưng dân làng An Nông vẫn duy trì tập tục tương trợ khi làm nhà mới. Trong năm, khi có người thông báo ngày giờ dựng nhà (làm lễ đặt đá), nhân dân trong làng người người góp công, góp của. Nam thì chuyên chở vật liệu, phụ giúp dựng cột, xây nhà; nữ thì phụ giúp nội trợ, hậu cần... Theo sự phân công của từng xóm, mỗi ngày dân làng đều đến giúp đỡ công sức để dựng nhà. Bên cạnh góp công, nhân dân còn đóng góp tiền của, mà phần lớn là đóng góp lúa gạo, thành quả chính của nông dân (theo thoả thuận về số lượng mỗi năm) để đến tương trợ, giúp đỡ. Thời gian tương trợ kể từ ngày đặt đá cho đến ngày thượng lương. Sự đồng thuận, tiếp nhận của chủ nhân ngôi nhà cũng như sự vui vẻ, tự nguyện của bà con chòm xóm đến giúp đỡ tạo không khí phấn khởi, đoàn kết trong làng.

Tiếp nối truyền thống, hàng năm nhân dân làng An Nông tổ chức lễ hội Xuân tự. Đây là dịp để nhân dân thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, tưởng nhớ công lao của các bậc khai canh lập làng và là dịp để mọi người thắt chặt tình đoàn kết. Bên cạnh truyền thống quý báu, tương trợ nhau trong dựng nhà đây là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự sẻ chia, đùm bọc nhau trong cuộc sống, nhân dân làng An Nông luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau trong công tác đồng áng... đồng thời làng còn gìn giữ nhiều phong tục, tập quán quý giá, góp phần bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương Thừa Thiên Huế, là nền tảng để xây dựng và phát triển quê hương Thừa Thiên Huế xứng đáng là trung tâm văn hoá đặc sắc của cả nước.

 

Trần Vũ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL