Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 9.448
Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình
Lượt đọc: 1483Thời gian: 09:29 - 20/06/2022

VHH - Từ xưa đến nay, gia đình luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống và là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người, bảo toàn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những chuẩn mực truyền thống trong giáo dục gia đình được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm nên hệ giá trị đạo đức tốt đẹp của mỗi gia đình, dòng họ, dân tộc Việt Nam.

 

Ngày nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội đã làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên xa cách, lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người và đặc biệt là sự duy trì các quan hệ xã hội có thể bị đảo lộn. Cha mẹ không có thời gian dành cho con cái, các thành viên trong gia đình hạn chế giao tiếp, việc trao đổi tình cảm giữa các thành viên trong gia đình cũng hạn chế hơn. Cũng có không ít gia đình, do bận bịu công việc kiếm sống đã không coi trọng việc giáo dục trong gia đình, buông lỏng con cái, ỷ lại, trông chờ vào nhà trường, cộng đồng và xã hội. Con cái ngày nay thường ít trực tiếp chăm sóc cha mẹ, thay vào đó là sử dụng các dịch vụ giám hộ người già, người bệnh, người cô đơn… Các viện dưỡng lão tăng thêm, nhiều cơ sở tốt, nhưng cũng không ít cơ sở hoạt động thiếu trách nhiệm. Các lễ nghi, phép tắc trong gia đình, những lề thói truyền thống ít được tuân thủ. Trẻ nhỏ được nuông chiều và tính ích kỷ, ỷ lại và đua đòi… dường như tăng lên.

Trước thực trạng đó, việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống gia đình trong giai đoạn hiện nay là hết sức cấp thiết. Ngày 19/01/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 96/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 với mục đích nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội và mỗi người dân trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, định hướng giá  trị, giáo dục thế hệ trẻ, góp phần hoàn thiện nhân cách, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện từ gia đình.

Mục tiêu chung của Chương trình là giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh  mẽ về nhận thức và phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội và mỗi người dân trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, định hướng giá  trị, giáo dục thế hệ trẻ, góp phần hoàn thiện nhân cách, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện từ gia đình, khơi dậy khát vọng cống hiến, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Trên cơ sở đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 với những mục tiêu cụ thể như sau:

Phấn đấu đến năm 2025 đạt 70% và đến năm 2030 đạt trên 90% hộ gia  đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 100% hộ gia đình được cung cấp tài liệu về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt trên 95% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; 100% xã, phường, thị trấn có nội dung tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên hệ thống thông tin cơ sở hằng tháng; Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục được tham gia sinh hoạt về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình hằng năm; 100% cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình hằng năm.

Để phấn đấu đạt được những mục tiêu đề ra, tỉnh đã đặt ra 7 nhiệm vụ và giải pháp chính.

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới công tác truyền thông nâng cao nhận thức của gia đình,  cộng đồng, xã hội về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác gia đình; các chuẩn mực đạo đức, ứng xử văn hóa trong gia đình; giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cống hiến vì lợi ích cộng đồng, xã hội. Đổi mới mạnh mẽ, đa dạng hóa các hình thức truyền thông. Tập trung tuyên  truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển gia đình. Nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình gia đình tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau; phê phán các hành vi lệch chuẩn, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thống nhất nhận thức, hành động của các cấp, các ngành trong việc giáo dục đạo đức, lối sống. Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng trong việc tuyên truyền, phổ biến, truyền cảm hứng  cho các thành viên trong gia đình, xã hội về đạo đức, lối sống. Chú trọng ngăn  ngừa thông tin và sản phẩm văn hóa độc hại tác động đến gia đình. Phát triển mạng lưới cộng tác viên tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lý tưởng, đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về gia đình. Rà soát, xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện   Chương trình, tài liệu, các sản phẩm truyền thông về giáo dục đạo đức, lối sống  trong gia đình, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp để tổ chức, triển khai, thực hiện. Xây dựng, ký kết các chương trình phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan về thực hiện công tác gia đình.

Thứ ba, phải phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm nâng cao đời sống  tinh thần cho các thành viên trong gia đình, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao góp phần xây dựng con người Việt Nam khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Củng cố vai trò của hệ thống nhà văn hóa, nhà truyền thống, thư viện cơ sở, điểm bưu điện văn hóa xã và các thiết chế công trình văn hóa, lịch sử trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, chuẩn mực ứng xử văn hóa cho các thành viên gia đình, nhất là thế hệ trẻ. Xây dựng các trang tin trên hệ thống thông tin cơ sở về nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho mọi thanh niên trong  cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn và lành mạnh. Lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào hoạt  động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp  phần xây dựng khối đại đoàn kết từ cơ sở.

Thứ tư, phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục đạo đức  lối sống. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi trong việc trao truyền các giá trị đạo đức, lối sống, chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình nhằm giáo dục toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ cho thanh     niên, thiếu niên, nhi đồng. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong các trường học. Tổ chức các buổi sinh hoạt giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho  học sinh, sinh viên. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, xây dựng môi trường ứng xử văn hóa, biểu dương kịp thời các gương điển hình về ứng xử văn hóa trong trường học. Chính quyền địa phương các cấp tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền về giá trị của gia đình, văn hóa ứng xử trong gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình để phát triển con người  toàn diện từ gia đình, nhất là với thế hệ trẻ.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống trong gia đình. Xây dựng và phổ biến các ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường chuyển đổi số trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình đảm bảo phù hợp với từng độ tuổi, nhóm đối tượng. Ứng dụng các phần mềm, công cụ trên không gian mạng để nắm bắt thông  tin, định hướng dư luận về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; kịp thời phát hiện và ngăn chặn những rủi ro, xung đột, bạo lực trong gia đình.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát và biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực và hiệu quả cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch, kịp thời phát hiện các khó khăn, hạn chế để điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn triển khai. Nâng cao chất lượng danh hiệu thi đua trong công tác gia đình. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực và hiệu quả trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Thứ bảy, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác gia đình,  ưu tiên vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng  có điều kiện  kinh tế đặc biệt khó khăn và nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho cán bộ, người lao động tham gia, học tập nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được kỳ vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phát huy vai trò của gia đình trong định hướng giáo dục thế hệ trẻ. Huế đang có một lợi thế là những giá trị truyền thống được bảo lưu, trao truyền cùng với những giá trị hiện đại, vừa giữ gìn, duy trì, kế thừa truyền thống, vừa biến đổi để phát triển phù hợp với tình hình mới. Đó là tính liên tục và sự biến đổi của văn hoá nói chung và văn hoá gia đình ở Huế nói riêng. Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội với những nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng, về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về gia đình; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân; phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống… Sự chung tay của các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành văn hóa, giáo dục và đào tạo, các sở, ngành có liên quan, để tạo nên sức mạnh tổng hợp, từng bước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của mỗi người dân, đề cao hơn nữa giá trị đạo đức, lối sống trong mỗi gia đình, làm nên một xã hội tốt đẹp, góp phần xây gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Thu Mỹ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL