Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 10.705
Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống Ngành Văn hóa: Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa
Lượt đọc: 1634Thời gian: 14:31 - 29/08/2022

(VHH) - Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành sự quan tâm đặc biệt với nền văn hóa dân tộc. Tư tưởng của Người về văn hóa đã định hướng nền văn hóa Việt Nam, giúp nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần vào thắng lợi chung của công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc vào hồi 9 giờ sáng ngày 24.11.1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tới dự Hội nghị có Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc khắp ba miền Bắc, Trung, Nam.

Theo bài tường thuật  đăng trên báo Cứu quốc ngày 25.11.1946, tại hội nghị, Chủ tịch Chí Minh đã có bài phát biểu quan trọng, tuy Người chỉ khiêm tốn nói rằng, Người sẽ chỉ nói đến văn hóa theo ý kiến và quan điểm riêng của Người. Trong bài phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Người đề cập đến việc văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại. Theo ý Người thì Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt thì ta học. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ. Người nói thêm rằng, văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình. Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông lẫn đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình là biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng. Số phận của dân tộc là ở trong tay dân ta. Người khẳng định vai trò mở đường của văn hoá, đồng thời đề cao trách nhiệm của mỗi chiến sĩ văn hoá khi kết luận: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.

Trong phát biểu, Hồ Chủ tịch đặc biệt quan tâm đến lớp trẻ, Người thiết tha nói với các nhà văn hóa: “Tôi xin thay mặt toàn thể thiếu nhi Việt Nam kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng”. Kết luận bài nói, Người mong mỏi: “Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.”

Như vậy, trong lần đầu tiên phát biểu trước hội nghị các nhà văn hóa đến từ khắp cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những luận điểm quan trọng xuyên suốt trong tư tưởng của Người về văn hóa. Đặc biệt, câu nói Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi của Người đã chạm đến trái tim của tất thảy mọi người, đặc biệt là những người công tác trong lĩnh vực văn hóa, cho thấy vai trò lớn lao của sự nghiệp văn hóa, cũng như trọng trách của các nhà văn hóa trong đời sống xã hội.

Vì không có bút tích nên lâu nay trong khi trích câu này của Bác Hồ, đã có hiện tượng “tam sao thất bản”. Có người viết “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, nhưng có người viết” văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, thậm chí chỉ ngắn gọn” văn hóa soi đường quốc dân đi”. Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm được báo Cứu quốc số ra ngày 25.11.1946 ở cơ sở dữ liệu của Thư viện Quốc gia đăng bài tường thuật về Hội nghị. Tờ báo đã ố vàng nhưng may thay rất rõ câu nói của Bác: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.  Như vậy, tuy không tìm được bút tích của Bác hay băng ghi âm,  song đây là bài báo tường thuật ngay sau sự kiện một ngày và xét về văn phạm thì đây là mới là một câu nói hoàn chỉnh. 

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất là hội nghị đầu tiên quy tụ đông đảo đại diện của giới văn hóa được tổ chức sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cũng là lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trước những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa từ khắp mọi miền đất nước.

Ngoài các hội nghị, đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhiều lần trực tiếp nói chuyện hoặc gửi thư đến các nhà văn hóa, các nghệ sĩ, trong đó ngoài khen ngợi, động viên, Người còn chỉ ra những vấn đề cần khắc phục. Những tư tưởng về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy tác dụng trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

 

Ngày 13.9.1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Nguyễn Tường Phượng (Tạp chí Tri Tân), Người nói: Văn hóa với chính trị có quan hệ chặt chẽ với nhau. Có chính trị mới có văn hóa, xưa kia chính trị bị đàn áp, nền văn hóa của ta vì thế không nảy sinh được. Nay nước ta đã độc lập, tinh thần được giải phóng, cần có một nền văn hóa hợp với khoa học và hợp cả với nguyện vọng của dân. 

Ngày 7.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Triển lãm Văn hóa tại trụ sở cũ của Hội Khai trí Tiến đức. Trước số sách báo ít ỏi của ta được xuất bản trong thời kỳ bị Pháp - Nhật đô hộ, Người nói: Văn hóa Việt Nam dưới sự áp bức của đế quốc vẫn cố gắng thở, vẫn cố tìm cách phát triển. Người còn nhắc nhở: “... Văn hóa là một kiến trúc thượng tầng; những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được. Ngày nay, trước khi đi đến sự kiến thiết nước nhà, chúng ta còn phải qua một thời kỳ tranh đấu cực kỳ khổ sở.... Giới văn hóa cũng phải cùng các giới đồng bào đi qua chặng đường ấy. Mong rằng các anh em văn hóa đã cố gắng, xin cố gắng lên mãi, để cùng đồng bào đi đến chỗ hoàn toàn vẻ vang của nước nhà”.

Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa ngày 10.12.1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ ý kiến của mình về nghệ thuật.  Theo Người, “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. “Để làm trọn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng... Về sáng tác, thì cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân”. Người nhấn mạnh quan điểm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và kinh tế - chính trị: “Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm. Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

Ngày 30.10.1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và nói chuyện với Hội nghị cán bộ văn hóa. Người nêu một số ý kiến về vấn đề khôi phục vốn cũ, mục tiêu phục vụ của văn hóa, quần chúng với sáng tác, quan hệ giữa phổ biến và nâng cao trong văn hóa... Với mỗi vấn đề, Người lấy ví dụ thực tiễn sinh động trong đời sống, phân tích cái được và chưa được để nói lên quan điểm của mình. Quan điểm của Người là “khôi phục vốn cũ, thì nên khôi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt thì phải loại dần ra”; văn hóa phục vụ đại đa số nhân dân; “trước phải phổ biến, nghĩa là trước hết phải có cái nền, rồi từ cái phổ biến ấy, cái nền ấy mà nâng cao lên”. 

Trong Bài nói tại hội nghị đại biểu những người tích cực trong phong trào văn hóa quần chúng ngày 11.2.1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Văn hoá phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng. Vì vậy, nội dung văn hoá phải có ý nghĩa giáo dục … Văn hoá phải gắn liền với lao động, sản xuất. Văn hoá xa đời sống, xa lao động là văn hoá suông.”

Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa phải gắn chặt với thực tiễn đời sống, phải lấy hạnh phúc của đa số nhân dân làm mục tiêu. Văn hóa Việt Nam phải học hỏi cái tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, của văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Văn hóa và chính trị có quan hệ mật thiết, văn hóa phải giúp nhân dân sống tốt lên.

Văn Vũ (theo Báo VH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL