Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 5.193
Cầu nối của khuyến học
Lượt đọc: 1039Thời gian: 15:20 - 11/10/2022

Công tác khuyến học đã và đang là điểm sáng trong hoạt động của nhiều họ tộc ở Thừa Thiên Huế. Đáng nói là, vai trò của các trưởng tộc, trưởng họ được khẳng định.

Về Phú Lộc, tôi được nghe kể nhiều về dòng họ Nguyễn Văn, thôn Thuận Hóa, xã Lộc Bổn (Phú Lộc) đã kiên trì vận động con em phấn đấu học giỏi, người lớn tham gia học tập, cho hộ nghèo mượn vốn sản xuất, người trẻ học nghề, xây dựng tủ sách dành cho người lớn và trẻ em, thúc đẩy phong trào noi gương Hiển tổ Nguyễn Văn Trung, đỗ Tiến sĩ khoa thi Canh Thìn 1880. Dòng họ Nguyễn Văn cũng vận động xây dựng quỹ hội hơn 500 triệu đồng, luôn kịp thời vinh danh học sinh, sinh viên học giỏi và hỗ trợ con cháu trong dòng họ vượt khó vươn lên trong học tập.

Theo Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn Nguyễn Đức Phú, vai trò của các trưởng chi phái, họ tộc dòng họ Nguyễn Văn trên địa bàn xã được phát huy, nhất là trong việc vận động con cháu thực hiện khuyến học, khuyến tài, trở thành điểm sáng trong công tác khuyến học ở địa phương.

Thi đua với dòng họ Nguyễn Văn ở Phú Lộc, ở Quảng Điền có các họ Văn ở xã Quảng Thái, họ Hoàng xã Quảng Phú, họ Đặng xã Quảng An; ở thị xã Hương Thủy có họ Lê Bá Thúc Quý ở phường Thủy Dương, họ Ngô ở xã Thủy Phù; huyện A Lưới có họ Cơ Xích, họ Pơ Long; huyện Phong Điền có họ Hồ, họ Nguyễn Đại ở xã Phong An; Huế có họ Nguyễn Đắc, phường An Đông… cũng đều là những dòng họ có phong trào xây dựng mô hình gia đình học tập tốt, có đông đảo người lớn tuổi tham gia học tập để mở mang sản xuất, kinh doanh và phong trào mua sắm trang, thiết bị học tập cho các cháu, tạo chuyển biến khá rõ trong đời sống vật chất và văn hóa của cộng đồng dòng họ.

Thời kỳ trước, do khó khăn trong mưu sinh ở quê nhà, hầu hết trai tráng xã Vinh Xuân (Phú Vang) đều đi làm ăn xa. Cũng vì lo cơm áo, gạo tiền, một số khác phải nghỉ học, số đang học thì gặp khó, bởi phải giúp cha mẹ mưu sinh. Hưởng ứng cuộc vận động khuyến học do Đảng và Nhà nước phát động, từ năm 2004, họ Võ ở xã Vinh Xuân đã lập ngay hội khuyến học. Để có kinh phí, dòng họ Võ ở Vinh Xuân gây quỹ bằng nhiều cách khác nhau. Hội Khuyến học dòng họ gửi thư kêu gọi con cháu gần xa. Được phép của họ tộc, hội xin thu 5.000 đồng mỗi người vào dịp tảo mộ, chạp hằng năm. Ngay trong buổi lễ phát thưởng, họ còn xin đặt thùng “Ủng hộ khuyến học”. Hội còn phân công thành viên đi vận động để tăng thêm nguồn quỹ, giúp cho con cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Toàn tỉnh hiện có 1.389/3.158 dòng họ được bầu chọn đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, đạt tỷ lệ 43,98%. Thực tế cho thấy, nội dung và phương thức hoạt động của các dòng họ, trong đó vai trò nổi bật của các trưởng họ, trưởng tộc ở Thừa Thiên Huế có nhiều đổi mới. Đáng chú ý, nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa trong công tác khuyến học, khuyến tài được triển khai, như vận động giúp đỡ ngăn chặn học sinh có nguy cơ bỏ học tiếp tục học tập; vận động học sinh đã bỏ học trở lại lớp; vận động trẻ em khuyết tật đến trường; mở các lớp học tình thương cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng khu dân cư có các lớp học buổi tối, khu dân cư có tủ sách khuyến học.

Việc xây dựng các quỹ khuyến học, khuyến tài được các cấp hội, trưởng họ và trưởng tộc quan tâm. Bằng sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao, họ đã phối hợp với cán bộ khuyến học tuyên truyền, vận động nguồn kinh phí để khuyến khích, hỗ trợ công tác dạy và học ở tất cả các vùng, miền trong tỉnh, nhất là ở những vùng quê nghèo khó. Thông qua sự kết hợp của các hoạt động khuyến học với các lễ hội, lễ vinh danh trao thưởng cho sinh viên, học sinh giỏi hàng năm, các họ tộc lấy tinh thần ruột thịt trong gia đình, dòng họ để tuyên truyền vận động, tạo nên mô hình dòng họ học tập với khuyến học mang tính văn hóa truyền thống.

Mới đây, tỉnh đã tổ chức hội nghị trưởng họ, trưởng tộc, người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn tỉnh trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đánh giá cao vai trò của những trưởng họ, trưởng tộc, người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn tỉnh trong việc vận động con em, người dân trong làng xây dựng nông thôn mới và đô thị thông minh. Theo ông Phan Ngọc Thọ, đây chính là những tấm gương cho con em trong dòng tộc, là cầu nối, người tuyên truyền các chương trình, hoạt động cho bà con trong làng xóm thấu hiểu để cùng chung tay xây dựng quê hương.

Phạm Bá Trí (BTTH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL