Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 6.034
"Về miền Hương Ngự": Chương trình nghệ thuật tôn vinh ấn tượng, sâu lắng và giàu cảm xúc
Lượt đọc: 84501Thời gian: 22:17 - 02/05/2016

(VHH) - Với mục đích tôn vinh những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của mảnh đất và con người xức Huế, trong khuôn khổ các hoạt động Festival Huế lần thứ IX - 2016, tối nay (02/5/2016), tại ngôi đình làng cổ Kim Long, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức chương trình nghệ thuật tổng hợp với chủ đề "Huế dịu dàng - Về miền Hương Ngự". Hàng ngàn khán giả đã háo hức đón chờ thưởng thức chương trình nghệ thuật độc đáo này.

Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức các hoạt động cộng đồng tại khu vực Công viên Kim Long và sân Đình làng Kim Long như triển lãm ảnh, trình diễn các bức họa phong cảnh Huế trên nón lá, quạt vải; biểu diễn Lân sư Rồng, thao diễn nghề làm bánh của người dân địa phương và các hoạt động trò chơi dân gian tạo thành một điểm sinh hoạt văn hóa nghệ thuật thú vị mang sắc thái dân gian truyền thống thu hút hàng nghìn lượt người tham dự.

Đ/c Phan Tiến Dũng - GĐ Sở VHTTDL phát biểu khai mạc chương trình

  Mở đầu chương trình, nghệ sĩ Mai Chung đã giới thiệu đến khán giả một thể loại hết sức độc đáo của dân ca Huế là hầu văn qua tiết mục "Cảnh đẹp Huế đô"; tiếp đến công chúng và du khách được thưởng thức giá trị nghệ thuật của Âm nhạc Việt Nam - Nhã nhạc Cung đình triều Nguyễn, một loại hình âm nhạc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu đại diện của nhân loại qua các tác phẩm hát múa tiêu biểu như: Trình tấu trích đoạn "Thập thủ liên hoàn", "Mã vũ du xuân", "Kèn chiến", đặc biệt tiếp mục "Múa lục cúng hoa đăng" được thể hiện bởi những nghệ sĩ không chuyên, đó là các em học sinh của Trường THPT Nguyễn Huệ đã thực sự làm cho khán giả bất ngờ và ngưỡng mộ trước tài năng của thế hệ trẻ.

Trình tấu "Mã vũ du xuân"

Để tôn vinh những giá trị độc đáo của Ca Huế - Một loại hình âm nhạc truyền thống, là tinh hoa của nhiều dòng âm nhạc cổ truyền dân tộc riêng có của vùng đất Cố đô, các nghệ sĩ Tôn Nữ Ý Nhi, NSND Kiều oanh, NSƯT Thu Hằng đã lần lượt trình diễn những bài bản ca Huế tiêu biểu như: Cổ bản, Hò Mái nhì, Tương tư khúc, Nam bình, mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc. Đan xen giữa các tiết mục tôn vinh Ca Huế và âm nhạc Cung đình là phần thao diễn kỹ năng làm bánh, mứt của các nghệ nhân, khán giả được dịp thưởng thức hơn mười loại bánh mặn ngọt nổi tiếng của xứ kinh kỳ qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.

Tiết mục biểu diễn của NSND Kiều Oanh và NSƯT Thu Hằng

Tiết mục "Cổ bản"

Nếu như tiết mục múa hoạt cảnh "Hào khí non sông" khái quát về những hình tượng nghệ thuật của cư dân Việt và trang sử hào hùng của dân tộc trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thì bài múa dân gian "Quê tôi" đã thực sự đưa mọi người về với tuổi thơ qua những lời ru êm đềm, mộc mạc của mẹ cùng những giọt mồ hôi ngày mùa, làm thổn thức, xúc động trái tim biết bao thế hệ...

Thao diễn làm bánh Huế

Múa dân gian "Quê tôi"

Hoạt cảnh "Hào khí non sông"

Đặc biệt trong chương trình còn có phần trình diễn 02 bộ sưu tập áo dài xứ Huế của các nhà thiết kế Viết Bảo, Xuân Hảo, Nguyễn Khánh Quý phô diễn sự dịu dàng, thướt tha của người con gái xứ Huế; 01 bộ sưu tập áo dài nam với những hình ảnh, họa tiết thư họa độc đáo. Lấy ý tưởng từ mỹ thuật triều Nguyễn như đồ sứ ký kiểu, họa tiết trên y phục hoàng gia, bộ sưu tập thời trang đương đại "Việt Nam gấm hoa" đã tôn vinh vẻ đẹp độc đáo của di sản văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Thể hiện sự khác biệt trong trình diễn áo dài, nhà thiết kế Nguyễn Khánh Quý đã mang đến bộ sưu tập áo dài Nam "Thư họa" được thể hiện qua các nam người mẫu và đặt biệt 10 mẫu nhí đã mang đến những trải nghiệm, góc nhìn mới về vẻ đứng đắn, sang trọng, sự lịch thiệp mà không kém phần lãng mạn của áo dài Nam. Độc đáo nhất trong màn trình diễn áo dài là bộ sưu tập “Về miền Hương Ngự” của NTK Viết Bảo lấy ý tưởng từ những tác phẩm tranh gương độc đáo cùng kỹ thuật chạm khắc tinh xảo. Tất cả các màn trình diễn áo dài với các hoa văn, họa tiết, thư pháp độc đáo đã tô đậm thêm giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế. Kết thúc chương trình là màn thả 710 hoa đăng, tượng trưng cho 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế xuống dòng Sông Hương để nguyện cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh của người Việt Nam nói chung, người Huế nói riêng.

Thả hoa đăng trên sông Hương

Với việc tổ chức chương trình tại đình làng Kim Long, vùng đất lịch sử gắn với sự kiện Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng dừng chân lập nghiệp mở cõi về phương Nam, sau này là đô thành thời các chúa Nguyễn, tạo nền móng cho sự ra đời đô thị Huế ngày nay, Ban Tổ chức hy vọng người dân sẽ cùng chung sức, nâng cao ý thức tôn tạo để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ cảnh quan môi trường của Cố đô Huế. Chương trình "Huế dịu dàng - Về miền Hương Ngự" kết thúc thực sự đã mang lại cho khán giả và du khách một đêm nghệ thuật đầy cảm xúc sâu lắng và ấn tượng khó phai.

Một số hình ảnh khác tại chương trình:

Hữu An
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL