Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 10.901
Thừa Thiên Huế trên hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Lượt đọc: 4340Thời gian: 16:06 - 07/07/2023

(VTH) - Phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo “hướng đi riêng” trên nền tảng văn hóa, bảo tồn di tích di sản Cố đô được xem là mô hình mới, vì vậy trong quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn bởi các không gian di sản xen lẫn trong đô thị là một lợi thế, tuy nhiên cũng sẽ hạn chế không gian phát triển đối với các cơ sở sản xuất.

Phát triển, hài hòa, bền vững trên cơ sở các giá trị văn hóa, di sản

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết: Huế luôn phải thận trọng, cân nhắc làm thế nào bảo đảm sự hài hòa để phát triển, giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; bởi lẽ, Di sản văn hóa Huế là tài sản vô giá của tiền nhân để lại, không chỉ của riêng Huế mà là của cả quốc gia. Suốt hàng thế kỷ, Huế lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng với gần 1.000 di tích lịch sử đặc thù của cả nước.

Người dân, du khách xem bắn pháo hoa tại Festival Huế Ảnh: ITN
Người dân, du khách xem bắn pháo hoa tại Festival Huế. Nguồn: ITN

Việc xây dựng đô thị hiện đại để đáp ứng yêu cầu phát triển song song với nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản đóng vai trò quan trọng, đặc biệt theo tinh thần Nghị Quyết 54-NQ/TW ngày 10.12.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, tỉnh giữ vững quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư đô thị, hạn chế can thiệp vào kiến trúc, cảnh quan; Tiếp tục phát triển bền vững trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường. Chiến lược phát triển của tỉnh đã được đặt ra bằng các Nghị quyết, Chương trình hành động, kế hoạch với lộ trình, nhiệm vụ cụ thể theo từng giai đoạn.

Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế đã và đang tập trung huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; triển khai hiệu quả các kế hoạch của UBND tỉnh và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng phát triển đô thị như tuyến đường bộ ven biển, đường Tố Hữu nối dài đi Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đường vành đai 3, đường Mỹ An - Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, hạ tầng khu đô thị mới Thuận An. Ngoài ra, đã có nhiều dự án, công trình trọng điểm được tỉnh khởi công xây dựng như khởi công khu công nghiệp Gilimex quy mô hơn 460ha tại thị xã Hương Thủy với tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng; khởi công trung tâm thương mại Aeon Mall Huế tại khu đô thị mới An Vân Dương (phường An Đông, TP. Huế) có tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng…

Phát triển theo mô hình “chùm đô thị đa trung tâm”

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại Quyết định số 1261/QĐ-TTg ngày 19.10.2022, đây là cơ sở để UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành lập, trình thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch, phục vụ mục tiêu thành lập thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo kết quả bình chọn trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế liên quan đến phương án tên gọi khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương,  đa số người dân đều chọn tên gọi thành phố Huế với tỷ lệ 88,3%/9481 lượt bình chọn (tính đến ngày 21.3.2023).

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, định hướng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trong tương lai được xác định theo dạng mô hình "chùm đô thị đa trung tâm", vươn ra biển và dựa trên nền tảng của hệ thống di tích Cố đô Huế, các di tích văn hóa vật thể, phi vật thể, các cơ sở văn hóa tâm linh phật giáo và các thắng cảnh thiên nhiên sông Hương núi Ngự, phá Tam Giang... Bên cạnh đó, việc phát triển thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị có đặc thù về di sản. Ngoài ra, cần tập trung khai thác các giá trị di sản, văn hóa để phát triển các cụm ngành kinh tế chiến lược như du lịch, công nghiệp văn hóa.

Tại Hội nghị lấy ý kiến các địa phương cấp huyện, cấp xã về Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, đại diện đơn vị tư vấn cũng đã báo cáo nội dung đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế. Theo đó, khu vực cửa ngõ phía Bắc kết nối với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong phát triển đô thị, hỗn hợp sản xuất nông, lâm, thủy, hải sản, công nghiệp, dịch vụ phía Tây Bắc của Thừa Thiên Huế.

Phân vùng đô thị trung tâm là đô thị lớn, hạt nhân có vai trò động lực của Thừa Thiên Huế; trung tâm văn hóa, trung tâm du lịch cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ cấp quốc gia. Đầu mối giao thông quan trọng với đủ các loại hình giao thông vận tải; giữ vai trò liên kết tới các khu vực và liên kết quốc gia và quốc tế.

Phân vùng đô thị phía Nam, khu vực cửa ngõ phía đông nam kết nối đi Đà Nẵng - Quảng Nam. Khu vực này phát triển đô thị, hỗn hợp sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, dịch vụ, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Vệ tinh về sản xuất hàng hóa công nghiệp công nghệ cao, du lịch biển, được phân công chức năng nhằm liên hoàn với đô thị trung tâm

Khu vực cửa ngõ phía Tây, phát triển đô thị sinh thái, du lịch, kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp. Hình thành ở đây các ngành khai thác phát triển dựa theo vùng nguyên liệu liên biên giới, phát triển công nghiệp gỗ, chế biến lâm sản, kinh tế sinh thái gắn với hoạt động du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc.

T.H (Theo https://daibieunhandan.vn/)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL