Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 7.212
Chuyển đổi số để phục vụ nhân dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn
Lượt đọc: 3109Thời gian: 14:38 - 13/07/2023

Chiều ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và lãnh đạo các Sở, ban ngành liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, trong đó tập trung vào số hóa, làm giàu và kết nối dữ liệu; tăng cường bảo vệ dữ liệu; đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công, tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các "điểm nghẽn" nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), cùng 1 Nghị định, 2 Chỉ thị, 1 Công điện, 7 Nghị quyết, 11 Thông báo kết luận của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành.

Xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình hay như việc xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số tại Đà Nẵng, xây dựng hạ tầng số tại Quảng Ninh; thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chiến dịch 92 ngày đêm tại Bình Phước; triển khai "trợ lý ảo" trong ngành tòa án; tăng tốc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa… Ước tính sơ bộ, tỉ trọng kinh tế số/GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại Hội nghị

Về cơ sở dữ liệu, đến tháng 6/2023, với sự quyết tâm của Bộ Công an trong tổ chức triển khai Đề án 06, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có chuyển biến rõ rệt. Lũy kế đến nay, Cổng có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng hơn 1,76 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng (tăng hơn 4,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái)…

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, đồng thời là công việc mới, khó, nhạy cảm. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển. Thời gian qua, nhiệm vụ này đã được triển khai bài bản, tích cực, đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm đặc biệt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt kết quả tương đối tốt so với nhiều nước, với quan điểm dữ liệu là quan trọng và cấp bách.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung báo cáo, thảo luận, đánh giá thực chất tình hình, kết quả đạt được trên tinh thần khách quan, trung thực, có minh chứng bằng số liệu cụ thể, nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn; phát hiện đúng các nguyên nhân; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới, cũng như trong dài hạn (thể chế; nhân lực số; xây dựng, chia sẻ, kết nối các cơ sở dữ liệu; an ninh, an toàn; tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phát triển tiện ích cho người dân...)

Thủ tướng nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm phải làm tốt hơn 6 tháng đầu năm và năm 2023 phải có kết quả cao hơn năm 2022, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm Trung tâm

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương trao đổi với lực lượng công an trong quá trình triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, nhận thức được vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp thiết của Đề án 06/CPUBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 04/4/2023 về đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; Ban hành 07 Kế hoạch, 84 văn bản chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06/CP.

Đặc biệt, để tạo đột phá và đưa các tiện ích của Đề án 06 đi vào thực tiễn cuộc sống, lấy người dân, doanh nghiệp làm Trung tâm, UBND tỉnh đã ký kết Kế hoạch phối hợp số 171/KHPH-BCA-UBND ngày 28/4/2023 với Bộ Công an về triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Ðề án 06. Đến nay, tỉnh đã triển khai và từng bước nhân rộng 21/26 mô hình của Đề án 06, trong đó cơ bản đã hoàn thành: 09 mô hình; đang triển khai: 12 Mô hình; xây dựng giải pháp triển khai: 05 Mô hình. Hiện, đang đề nghị bổ sung thêm 02 mô hình.

Qua hơn quá trình triển khai, các mô hình đã phát huy hiệu quả và đem lại các giá trị, lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.Trong đó, đối với tiện ích đem lại cho người dân trên địa bàn,  đã hoàn thành thu nhận hồ sơ, cấp thẻ CCCD đối với 100% công dân đang cư trú; thu nhận hơn 535.000 (đạt hơn 50%) hồ sơ định danh điện tử. Thực hiện chi trả không dùng tiền với các đối tượng thụ hưởng bằng nguồn ngân sách nhà nước (mô hình “Quản lý chương trình An sinh xã hội thông qua VNeID”) tại 137/141 xã, phường, thị trấn, đạt tỉ lệ 97,16%.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp, Tỉnh đã thí điểm sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD tại Văn phòng công chứng và thiết bị xác minh di động, xác thực danh tính khách hàng tại cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Đã giúp các cơ sở nắm được thông tin về CCCD của khách hàng, đảm bảo tính minh bạch, chính xác trong thực hiện công chứng, chứng thực, hợp đồng cầm cố.

Tổ chức thí điểm Phần mềm quản lý lưu trú (phần mềm ASM) vào tháng 5/2023 tại 15 cơ sở lưu trú, 03 cơ sở khám chữa bệnh. Phần mềm đã cập nhật hơn 10.000 thông tin khách check-in khi đến cư trú, giúp các cơ sở nắm, quản lý khách đang cư trú; giảm thời gian, chi phí lưu trữ hồ sơ, giấy tờ; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, cư trú, du lịch, y tế trên địa bàn.

Trong thời gian đến, Tỉnh sẽ triển khai mô hình Camera AI kiểm soát ra/vào tại các Khu du lịchnhà ga, bến tàu, điểm sát hạch lái xe,… kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó góp phần quan trọng trong kiểm soát các hành vi vi phạm tại các địa điểm công cộng, gian lận tại điểm sát hạch lái xe, giúp các đơn vị, cơ quan nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi công vụ, tinh giản biên chế.

 

Chiều cùng ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022 các bộ, ngành, tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Thừa Thiên Huế đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố.

T.H (Theo https://thuathienhue.gov.vn/)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL