Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 33.410
A Lăng Bé làm du lịch
Lượt đọc: 1134Thời gian: 09:17 - 31/08/2023
Chị em thôn Dỗi giới thiệu nông sản địa phương

Từ một cô gái chỉ biết giúp mẹ cha làm nương rẫy, trồng lúa, trồng ngô, A Lăng Bé có cơ duyên trở thành hướng dẫn viên du lịch khi dòng suối thác Kazan huyền thoại ở thôn Dỗi (xã Thượng Lộ, Nam Đông) như “bầu sữa thiên nhiên” ban tặng cho bản làng điểm du lịch sinh thái.

Dòng thác Kazan ngày ngày vẫn tuôn chảy theo mạch nguồn tự nhiên, đem nguồn nước mát trong từ núi cao về cho dân làng thôn Dỗi.

Lối dẫn vào con thác này được A Lăng Bé đề xuất với chính quyền địa phương và vận động thêm từ người dân Cơ Tu ở thôn Dỗi góp tiền, góp công làm đường bê tông. Hai bên đường được xếp đá suối, trồng hoa, cây xanh và lắp đặt bóng đèn điện chiếu sáng, kết hợp tạo mỹ quan cho khu vực quanh dòng thác Kazan. Tối, ánh điện chập chờn song vẫn đủ để soi đường cho du khách vào suối thác. Các chòi quán “mọc” lên ven suối cũng từ ý tưởng và công sức của Bé cùng cộng đồng thôn Dỗi.

Một trưa hè dưới chân núi A Chup A Ngop, được ngâm mình trên dòng thác Kazan thật sự làm dịu mát trong cái nắng oi nồng. Đang lúc mê mải trên dòng suối rả rích, chợt nghe  một giọng nữ cất lên: “Nhâm chào ti noo he!” (xin chào anh em). Đó là lời mời chào trìu mến, quen thuộc của A Lăng Bé với du khách mỗi khi đến tham quan suối thác Kazan.

Khi màn đêm buông xuống, chân núi A Chup A Ngop yên ắng. Thấp thoáng một vài nhóm lửa bập bùng của mấy nhóm du khách vui chơi ven suối. Và cả làn điệu múa tung tung da dá, điệu hát zum cây... vọng về từ phía nhà rông thôn Dỗi. “Thác Kazan đang trở mình”, A Lăng Bé bảo.

Dưới ánh trăng mờ, A Lăng Bé kể những câu chuyện huyền thoại của người Cơ Tu gắn liền với dòng suối Kazan. Tương truyền, dưới chân núi A Chup A Ngop có một dòng suối thác bắt nguồn từ một câu chuyện tình hai người yêu nhau tha thiết. Bỗng một ngày, người nam đi tòng quân và đi mãi không về. Người con gái đợi chờ người yêu trong tuyệt vọng cho đến chết và hóa thành dòng nước. Người Cơ Tu thôn Dỗi đặt tên dòng suối Kazan từ đó.

A Lăng Bé kể, điệu hát zum cây của đồng bào cũng bắt nguồn từ chuyện tình của người dân Cơ Tu trong thời chiến tranh loạn lạc, mỗi người một nơi. Chiến tranh đi qua, họ lại trở về quê hương, đoàn tụ trong tình làng nghĩa xóm, tình đồng chí, đồng đội. Và cứ thế làn điệu zum cây lại vang lên mỗi khi đồng bào sum vầy, đoàn kết trong các lễ hội, buổi sinh hoạt cộng đồng thôn, bản.

A Lăng Bé lại dẫn chúng tôi đến nhà rông thôn Dỗi để được tai nghe, mắt thấy những cô gái Cơ Tu trong điệu múa, làn ca zum cây, tung tung da dá... Không chỉ những điệu múa mượt mà, lời ca thắm thiết, mê mải mà ý nghĩa của nó thật sự đi vào lòng du khách. Theo A Lăng Bé, điệu tung tung da dá với trai đánh chiêng, gái múa hát muốn nói lời cảm ơn trời đất, tổ tiên cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cũng như cầu nguyện một năm mới cho ngô, lúa đầy nhà.

A Lăng Bé bảo: “Từ khi vừa mới bắt tay khai thác suối Kazan làm điểm du lịch sinh thái, ngày đêm mình phải đến các già làng, trưởng bản để được nghe những làn điệu ca, múa nhạc truyền thống của đồng bào để thành lập đội văn nghệ quần chúng phục vụ nhu cầu giải trí, cũng như khám phá nét văn hóa đồng bào Cơ Tu của du khách. Mình được các già làng truyền đạt các làn điệu tung tung da dá, zum cây... rồi tự mình tập lại cho đội văn nghệ thôn Dỗi. Đội văn nghệ quần chúng này cũng do mình huy động, chọn lựa nam thanh nữ tú trong thôn và lập nên”.

Trong câu chuyện của mình, A Lăng Bé nói về cơ duyên của mình khi trở thành “hướng dẫn viên du lịch” bất đắc dĩ. Từ nhỏ, mỗi lần theo mẹ lên nương rẫy, Bé cảm nhận rất rõ vẻ đẹp của núi rừng, suối thác hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng cho con người nơi đây. Tốt nghiệp THPT và trưởng thành, vẻ đẹp của núi rừng nơi thôn Dỗi càng cháy bỏng trong tâm trí của A Lăng Bé.

Niềm cháy bỏng ấy đã thôi thúc Bé nghĩ ngay đến chuyện khai thác suối thác Kazan làm điểm du lịch sinh thái, với mong muốn đóng góp chút sức mình làm thay đổi cuộc sống của bà con thôn Dỗi thông qua các dịch vụ du lịch. Khát vọng của chị được hiện thực khi chính quyền địa phương bắt tay triển khai xây dựng khu du lịch cộng đồng thôn Dỗi. Lúc đó, A Lăng Bé tìm mọi cách để được tham gia làm du lịch cộng đồng. Niềm vui vỡ òa khi Bé lúc này là cán bộ xã Thượng Lộ được “tuyển” làm “hướng dẫn viên du lịch” cộng đồng suối thác Kazan.

Cảnh đẹp thiên nhiên, dịch vụ du lịch suối thác được lan tỏa, nhiều du khách, người dân biết đến đều được thông qua nữ hướng dẫn viên này. Đến suối thác Kazan, du khách được Bé phục vụ các món ăn đặc sản của núi rừng, của người dân bản địa như cơm lam, gà nướng, heo bản, ốc suối, cá suối, rau rừng... Du khách được Bé hướng dẫn trải nghiệm các nghề đan lát, dệt zèng; trải nghiệm núi rừng và được nghe kể về ý nghĩa các loài cây, muông thú với sự sống con người để yêu thiên nhiên hơn...

Từ một hướng dẫn viên bất đắc dĩ, A Lăng Bé được chính quyền địa phương tín nhiệm cử làm Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng thôn Dỗi khi mới thành lập. Mặc dù ở vị trí giám đốc, nhưng chị kiêm luôn nhân viên phụ trách bán hàng lưu niệm như sản phẩm dệt zèng, đan lát và là hướng dẫn viên du lịch. Nhiều chương trình phục vụ du khách, lễ hội, chị vẫn tham gia biểu diễn cùng với đội văn nghệ quần chúng phục vụ du khách mỗi khi thiếu người, thiếu vai diễn.

Dù chưa phải là hướng dẫn viên chuyên nghiệp hay chuyên nghiệp trong lĩnh vực làm du lịch, nhưng A Lăng Bé từng trải qua nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, hướng dẫn viên du lịch, được tham quan nhiều điểm du lịch suối thác, sinh thái tại nhiều tỉnh, thành. Niềm vui mỗi ngày của cô đơn giản là được tiếp xúc, giao lưu và chia sẻ những nét đẹp văn hóa, truyền thống, đặc trưng của đồng bào mình với du khách. Nhiều lần gặp du khách nước ngoài không hiểu tiếng Việt, Bé phải sử dụng mọi biện pháp ra dấu hiệu, hành động để giúp du khách trải nghiệm và hiểu được văn hóa của đồng bào Cơ Tu hơn. Điều này không chỉ mang lại niềm vui cho Bé mà còn làm thích thú đối với du khách nước ngoài.

Được tham quan nhiều nơi như làng Cơ Tu Việt Nam ở phía bắc, du lịch Măng Đen (Kon Tum), hay như thác A No (A Lưới)..., A Lăng Bé luôn trăn trở khi suối thác Kazan cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư khai thác một cách tương xứng. Con suối này từng đón 18 đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, khảo sát để khẳng định rằng giá trị và cảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn lực của địa phương, Nhân dân nằm ngoài khả năng đầu tư xây dựng một điểm du lịch sinh thái xứng tầm, nên các dịch vụ du lịch cộng đồng ở Kazan vẫn còn nghèo nàn, sơ sài.

Suối thác Kazan là một trong những điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đang được tỉnh, huyện Nam Đông quan tâm đầu tư, hướng đến điểm du lịch sinh thái cộng đồng chuyên nghiệp. Lúc rời con suối huyền thoại này, chúng tôi chứng kiến những chiếc xe ủi đang thi công bãi đậu xe, xây dựng đường vào thác... Có thể đây là bước khởi đầu cho “sự đầu tư lớn” tại dòng suối thác Kazan mà A Lăng Bé luôn trăn trở và khát vọng.

Hoàng Triều (Báo TTH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL