Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 7.895
Cổ phục & học đường
Lượt đọc: 253Thời gian: 14:57 - 06/05/2024

Từ tình yêu dành cho trang phục truyền thống, Trịnh Thị Khánh Linh và Nguyễn Lê Vĩnh Khang, học sinh lớp 9, Trường THCS Chu Văn An mày mò nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp khả thi để lan tỏa cổ phục trong đời sống đương đại, đưa cổ phục đến gần hơn với các bạn học sinh.

Tuổi nhỏ, việc lớn

Khi xem những video mặc trang phục không đúng với trang phục truyền thống của dân tộc trên tiktok, Trịnh Thị Khánh Linh (học sinh lớp 9/2, Trường THCS Chu Văn An) nhớ đến cổ phục xuất phát từ Huế. Linh nghĩ, những chiếc áo Nhật Bình, áo ngũ thân là trang phục truyền thống rất đẹp, tại sao mình không lan tỏa vẻ đẹp của cổ phục đến với mọi người? Chia sẻ ý tưởng với bạn Nguyễn Lê Vĩnh Khang, học sinh cùng trường ở lớp 9/5 và được Khang nhiệt tình hưởng ứng, cả hai bắt tay vào việc nghiên cứu thực hiện đề tài “Lan tỏa cổ phục Huế trong đời sống đương đại và đưa cổ phục Huế vào các hoạt động giáo dục ở trường THCS tại thành phố Huế”. Đề tài này đã đoạt giải Nhất tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024.

“Với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, số người sử dụng trang phục truyền thống không nhiều. Trong nhà trường, học sinh càng ít biết đến trang phục truyền thống. Để giúp các bạn học sinh nâng cao nhận thức, bảo tồn, gìn giữ hình ảnh, giá trị và có thói quen mặc áo dài, cổ phục, chúng em đề xuất nhiều giải pháp để các bạn có những trải nghiệm và hiểu biết phong phú về cổ phục, như mặc cổ phục Huế trong các dịp nghi lễ, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động có không gian cảnh quan phù hợp trong cuộc sống hàng ngày. Cổ phục cũng là sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mà chúng em muốn giới thiệu đến du khách”, Khánh Linh chia sẻ.

Bắt tay thực hiện đề tài, Khánh Linh và Vĩnh Khang tìm hiểu nguồn gốc và lịch sử hình thành cổ phục Huế, đặc điểm của áo tấc, áo Nhật Bình, áo ngũ thân tay chẽn; những giá trị của cổ phục về mặt lịch sử, văn hóa và giáo dục. Hai bạn nhỏ cũng khảo sát trên 900 học sinh của 10 trường THCS ở TP. Huế trong suốt 1 năm với những câu hỏi liên quan đến hiểu biết, hứng thú của học sinh với cổ phục, mức độ và hiệu quả của việc sử dụng cổ phục Huế trong nhà trường cũng như những đề xuất của các bạn học sinh về việc lan tỏa cổ phục.

Sau khi nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu thực trạng, đề tài đề xuất nhiều giải pháp lan tỏa cổ phục Huế trong đời sống đương đại và đưa cổ phục vào các hoạt động giáo dục ở các trường THCS tại TP. Huế. Những giải pháp này phù hợp với tâm, sinh lý lứa tuổi, trình độ nhận thức của học sinh, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của nhà trường và đa dạng hóa các hoạt động giáo dục. “Việc xây dựng các biện pháp lan tỏa cổ phục Huế trong các hoạt động giáo dục của trường THCS phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng nguyện vọng, sở thích được khám phá, tìm hiểu nét độc đáo về văn hóa cổ phục Huế của các bạn học sinh”, Khang nhấn mạnh.

Xây dựng cẩm nang, website…

Điểm nhấn đề tài nghiên cứu của hai bạn học sinh là những sản phẩm hữu ích được đầu tư công phu, tỉ mỉ. Đó là 3 cuốn cẩm nang bằng tiếng Việt và tiếng Anh thể hiện các thông tin quan trọng, hấp dẫn phục vụ hữu ích cho các hoạt động giáo dục và quảng bá du lịch. Ba cuốn cẩm nang được thiết kế nhỏ gọn, thuận tiện, có thể làm sổ tay ghi chép hoặc hướng dẫn du lịch. Cẩm nang còn được định dạng điện tử tiện lợi để chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến, email hoặc tải xuống từ website.

Tập 1 “Lịch sử hình thành cổ phục Huế” trình bày nguồn gốc và sự phát triển của cổ phục Huế qua các thời kỳ lịch sử, bộ sưu tập về cổ phục Huế xưa và nay, với những thông tin được nghiên cứu qua nhiều nguồn tư liệu và ý kiến của các chuyên gia văn hóa. Tập 2 “Một số biện pháp đưa cổ phục Huế vào các hoạt động giáo dục trường THCS”, đề xuất quy trình thực hiện cho mỗi biện pháp thông qua các hoạt động cụ thể đã triển khai trong thực tiễn. Tập 3 “Cổ phục Huế qua lăng kính du lịch” cung cấp thông tin cần thiết về địa chỉ, website, số điện thoại của các cửa hàng mua bán, cho thuê, tiệm may cổ phục và xây dựng bản đồ qua ứng dụng google map giúp du khách dễ dàng tìm kiếm các địa chỉ trên. Cẩm nang cũng tổng hợp một số địa điểm du lịch check-in với cổ phục dành cho du khách, xây dựng minh họa một tour du lịch kết hợp với cổ phục Huế.

Vĩnh Khang cho biết, để làm được đề tài này, hai bạn trẻ đã đầu tư công sức lớn. Khó nhất là việc tìm kiếm những thông tin về lịch sử có tính xác thực cao. Sau khi tìm kiếm thông tin về cổ phục qua sách, báo, internet, phát triển đề tài theo mục tiêu đã đặt ra, Linh và Khang đã đi khảo sát những địa điểm thuê mua cổ phục, gặp gỡ các chuyên gia để đề tài có tính thuyết phục. Cuối cùng là tự tay thiết kế các sản phẩm, như cẩm nang, poster, xây dựng trang web bằng những công cụ thiết kế quen thuộc với học sinh.

Ngoài cẩm nang, website cung cấp thông tin chi tiết, hình ảnh, video, blog về cổ phục Huế; đưa ra các sự kiện, các địa điểm du lịch phù hợp để check-in cổ phục và địa chỉ thuê, may cổ phục, hai bạn nhỏ cũng tự thiết kế poster, bảng hướng dẫn và cả lịch để bàn sử dụng hình ảnh cổ phục. Các ấn phẩm được Linh và Khang trau chuốt, chỉn chu trong từng hình ảnh. Ngoài ra còn có trang facebook, kênh youtube để quảng bá cổ phục Huế.

Cô giáo Ngô Quang Bảo Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, một trong hai giáo viên hướng dẫn thực hiện đề tài chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập, việc đưa trang phục Huế xưa trở lại với đời sống đương đại, giúp cổ phục có vai trò và đời sống riêng sẽ là phương pháp bảo tồn hiệu quả nhất. Dù chỉ mới là học sinh cấp 2 nhưng ước mong và sự say mê nghiên cứu, tìm tòi để lan tỏa vẻ đẹp, giá trị cổ phục của Linh và Khang thật đáng quý. Cũng rất vui khi nhà trường chính là khởi nguồn để các em bắt đầu có tư duy mới về cổ phục. Các giải pháp được hai bạn đề xuất cũng rất phù hợp với thực tế các hoạt động giáo dục. Trường THCS Chu Văn An đã triển khai thực hiện một số hoạt động và được học sinh, phụ huynh nhiệt tình hưởng ứng.

Minh Hiền (BTTH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL