Sáng tạo của học sinh
Tham gia ngày hội STEM cấp tiểu học năm học 2023 - 2024, Trường tiểu học Hồng Kim (huyện A Lưới) giới thiệu sản phẩm “Xe chạy bằng năng lượng nước chảy” của nhóm học sinh lớp 5/1. Sản phẩm được các em học sinh tận dụng từ những vật liệu phế thải, như: ống hút, nắp chai nhựa, que kem, bìa cứng… Sau khi học, quan sát sự chuyển động bánh xe nước và các bước hướng dẫn ở sách giáo dục STEM lớp 5, các em cùng thảo luận và tạo ra các sản phẩm STEM vận dụng được trong thực tế ở mức độ đơn giản. “Xe chạy bằng năng lượng nước chảy” là sản phẩm chạy được nhờ quay guồng nước, được làm ra với bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của các em học sinh.
“Làm đồng hồ chữ số La Mã” là sản phẩm của học sinh lớp 3 Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP. Huế), được các em tạo ra sau bài học làm quen với chữ số La Mã của môn toán. Bài học định hướng tổ chức học sinh học tập theo mô hình dạy học STEM, trong đó môn toán là chủ đạo, tích hợp các môn mỹ thuật và công nghệ.
Với môn toán, học sinh nhận biết và sử dụng được các chữ số La Mã để viết các số trong phạm vi 20, đọc được giờ chính xác đến 5 phút. Ở môn mỹ thuật, các em tạo được sản phẩm có hình, khối dạng cơ bản, sáng tạo sản phẩm đa dạng, thể hiện được chi tiết hoặc hình ảnh trọng tâm, trang trí sản phẩm có tính thẩm mỹ. Ngoài ra, học sinh còn được rèn luyện những kỹ năng của môn công nghệ: lựa chọn được vật liệu phù hợp, sử dụng được các dụng cụ để làm đồ dùng học tập đúng cách, an toàn…
Không gian trưng bày của ngày hội STEM cấp tiểu học tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản (TP. Huế) còn giới thiệu nhiều sản phẩm, như: Rạp chiếu bóng mini, các phương tiện giao thông, đèn pin bỏ túi, mô hình trái đất, mặt trăng, mặt trời… Đây là những sản phẩm của học sinh được hoàn thiện sau quá trình triển khai giáo dục STEM, thiết kế bài học, chủ đề theo phương thức tích hợp liên môn, có tính ứng dụng cao. Tất cả các sản phẩm đều do học sinh lên ý tưởng và tự làm, giáo viên chỉ hướng dẫn, hỗ trợ. Chỉ với những vật liệu đơn giản, dễ kiếm và thân thiện với môi trường, như: đất sét, bìa cứng, giấy thủ công hay các vật liệu tái chế gồm vỏ lon, chai, con sò, ốc… học sinh làm ra các sản phẩm thiết thực, có thể làm mô hình, dụng cụ học tập.
Phát triển năng lực toàn diện
STEM là mô hình giáo dục dựa trên tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn. Sau 1 năm thí điểm, đến năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT triển khai mô hình giáo dục STEM đại trà ở tất cả các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh.
Giáo dục STEM ở cấp tiểu học triển khai khá muộn so với cấp trung học nhưng học sinh đã được tiếp cận qua các cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng. Giáo dục STEM triển khai trong nhà trường là động lực để học sinh tích cực hơn trong lĩnh vực sáng tạo. Các em được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết thực tiễn, góp phần hình thành phẩm chất, năng lực.
Theo cô giáo Bùi Trần Ngân Hà, Trường tiểu học Số 2 Thuận An (TP. Huế), giáo dục STEM thu hút học sinh vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn, tập trung vào các hoạt động vận dụng lý thuyết để thực hành, khám phá, thiết kế, sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống hằng ngày. Sử dụng các phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, trong đó, dạy học dự án và dạy học giải quyết vấn đề là hai phương pháp dạy học được sử dụng phổ biến trong triển khai các hoạt động giáo dục STEM. Vì thế, để chuẩn bị 1 tiết dạy STEM, giáo viên mất khá nhiều thời gian, bù lại, bài học STEM sẽ rất cuốn hút học sinh nếu giáo viên có sự chuẩn bị chu đáo.
Ông Lê Văn Thỏa, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Số 1 Thủy Phù (thị xã Hương Thủy) cho biết, STEM là mô hình giáo dục rất hay. Việc tích hợp liên môn: tự nhiên xã hội, toán, mỹ thuật, khoa học, tin học, công nghệ giúp học sinh phát triển năng lực toàn diện, khơi dậy và phát triển năng lực sáng tạo, tư duy, khoa học. Từ những kiến thức của các môn học, học sinh vận dụng để tạo ra các sản phẩm phù hợp với thực tiễn. Tự mình sáng tạo ra sản phẩm, các em hứng thú hơn với môn học.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, qua 1 năm học thí điểm và đến năm học 2023 - 2024 triển khai đại trà, giáo dục STEM đã đạt được những kết quả tích cực. Các trường đã triển khai giáo dục STEM theo tinh thần dạy học tích hợp liên môn. Các tổ chuyên môn tích cực xây dựng các chủ đề giáo dục STEM thiết thực, mang lại hứng thú học tập cho học sinh, thực hiện bài học STEM bám sát yêu cầu các môn học, chú ý đến các yếu tố nghệ thuật, nhân văn. Dù có những khó khăn, thách thức nhưng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã tích cực, năng động và sáng tạo, khắc phục những khó khăn, hạn chế về đội ngũ, cơ sở vật chất. Những sản phẩm sáng tạo mang đến ngày hội đã nói lên sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong thời gian qua.