Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 22.898
Nét Huế
Lượt đọc: 39591Thời gian: 14:41 - 08/08/2016

(VHH) - Không ít người khi đến Huế đã hỏi: "Sao xích lô ở Huế lại nhiều đến thế?" Quả thực, xích lô hiện diện ở hầu hết mọi nẻo đường, nhất là các đường phố ven sông Hương, sông An Cựu và những khu khách sạn, nhà hàng - nơi tập trung nhiều du khách...

Nhiều người nói rằng Huế quá buồn, chỉ loanh quanh với những di tích Hoàng Thành, chùa Thiên Mụ, lăng tẩm của vua Tự Đức, Minh Mạng, Khải Định,... rồi lang thang ra chợ Đông Ba, ngó sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền là hết. Bởi thế, nếu không phải mùa Festival thì chắc chỉ ở 2 ngày thôi là thấy oải rồi.

Nhưng tôi lại yêu nét Huế trầm tư hiện hữu đời thường. Bởi có tĩnh lặng người ta người ta mới được hòa mình vào cái nhẹ nhàng, từ tốn, nét đài các vua chúa qua lăng tẩm với dáng vẻ u hoài, không còn lớp trang điểm rực rỡ thường thấy của một thành phố du lịch.

Ảnh: Báo TTH

Tôi cũng mê Huế qua điệu boléro chậm buồn dịu êm của "Người em Vỹ Dạ", với hình ảnh thiếu nữ Huế "...Cắp sách sớm trưa chiều, đi học Ðồng Khánh qua cầu Trường Tiền/ Ôi tà áo trắng tóc thề se duyên...".

Và đặc biệt là được dạo trên xích lô Huế để chiêm nghiệm những câu chuyện, ngắm nghía những di tích lịch sử nhuốm màu thời gian... Dường như, người ta yêu Huế hơn qua những chiếc xích lô- một phương tiện mang đậm dấu ấn của một thời nghèo khó, được dùng làm phương tiện chuyên chở chính cho những người không có xe riêng, kiểu như xe ôm bây giờ.

Chất lượng sống tăng lên và đô thị ngày càng nhộn nhịp, những tưởng chiếc xích lô sẽ biến mất dần theo năm tháng, nhưng không, xích lô vẫn tồn tại như một kỷ niệm của lịch sử, không những thế, còn trở thành một thú vui tao nhã của du khách đến cố đô. Để phục vụ cho nhu cầu tham quan của du khách, các bác xích lô ở Huế (hầu hết là những người đàn ông trên 40 tuổi, có người 70 tuổi) suốt ngày này qua tháng nọ cần mẫn “cày” trên những con đường rợp bóng cây. 

Ở Huế, khu vực nội thành không lớn lắm, chia thành hai bờ Nam Sông Hương và Bắc Sông Hương. Bờ Nam là khu hành chính, trường học, khách sạn..., bờ Bắc là khu thương mại, hoàng thành. Thời điểm thích hợp nhất để dạo mát bằng xích lô là buổi tối hoặc chiều khi trời đã tắt nắng - thưởng thức làn gió mát từ sông thổi lên và ngắm thành phố về đêm hoặc lúc hoàng hôn.

Xích lô chạy từ từ như xe đạp, băng qua những con đường rợp bóng cây xanh, qua dòng sông xanh êm đềm chảy giữa lòng thành phố, khiến tâm hồn lâng lâng một khúc lãng du. Khi đêm về, ánh đèn rọi qua vòm lá tạo thành những đốm sáng trắng lay động trên khắp nẻo đường.

Đi dạo bằng xích lô có cái tiện là có thể chủ động dừng lại để chụp ảnh nơi mình thích hoặc tạt vào quán chè, quán cà phê nhâm nhi chút gì đó mà vẫn được chờ. Do thường xuyên phục vụ khách du lịch nên những người đạp xích lô hiểu biết khá nhiều, bản tính người dân Huế lại hiền hòa nên họ thường để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Họ có thể kể những câu chuyện xưa và nay, giới thiệu các điểm ăn chơi trong thành phố, cả những nơi để khách mua quà, mua đặc sản vừa rẻ vừa ngon. Cũng nhờ người xích lô tên Huyến mà tôi được khám phá "thiên đường" ẩm thực vô cùng thú vị ở thành phố nhỏ bé này với vô vàn món ăn như: bún bò Huế, cơm hến, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh canh Nam Phổ, bánh khoái, bánh canh cá lóc, chè, các món chay... món nào cũng ngon và rẻ. Đặc biệt là món cơm hến.

Chắc chẳng có ở đâu mà mật độ các quán cơm hến lại dày đặc như ở Huế. Dường như con đường nào ở Huế cũng có một vài quán cơm hến, gánh cơm hến. Một nồi nước hến nóng nghi ngút, một nồi hến xào, thêm vài cái lọ đựng mắm ruốc, tóp mỡ, vừng, da lợn chiên giòn, lạc, tương ớt, một rổ rau trộn tươi non, vài ba cái bàn cái ghế con con, vậy là đã thành một gánh cơm hến đặc Huế. 

Nhưng muốn thưởng thức cơm hến nức tiếng ở Huế thì phải ra tận cồn Hến. Cô bán hàng nhón từng thứ một cho vào tô. Đầu tiên là cơm, nhưng nhất thiết phải để nguội. Sau đó là vài muỗng nhỏ hến xào khô với hành mỡ, tóp mỡ, da lợn chiên phồng, rau thơm, dọc mùng, bắp chuối thái nhỏ, giá đỗ, lạc rang, mắm tôm (hoặc mắm ruốc), ớt bột....

Cô bán hàng giới thiệu: Bát cơm hến chuẩn chỉ phải có 13 vị, tượng trưng cho âm dương, ngũ hành. Bát cơm hến hoàn chỉnh như một bản hòa tấu màu sắc, đủ các màu xanh, đỏ, trắng, vàng, xám, tím…, mà đặc biệt là phải cay.

Nhà văn xứ Huế - Hoàng Phủ Ngọc Tường từng miêu tả: "Hương vị bát ngát suốt đời người của tô cơm hến là mùi ruốc thơm dậy lên tận óc, và vị cay đến trào nước mắt. Người "máu" cơm hến vẫn chưa vừa lòng với vị cay sẵn có, còn đòi thêm một trái ớt tươi để cắn kêu cái rốp! Nước mắt đầm đìa, mồ hôi ròng ròng nhỏ giọt vào tô cơm, thế mà cứ xì xụp, xuýt xoa kêu “ngon, ngon!”; đi xa nhớ lại thêm tới đứt sợi tóc, ở nước ngoài về bay ra Huế để ăn cho được một tô cơm hến lấy làm hả hê, thế đấy, chao ôi là Huế!".

Rồi qua câu chuyện của người đạp xích lô, tôi cũng được biết xưa kia chợ Đông Ba còn có tên gọi là chợ Đông Hoa vì có đông người Hoa kiều sinh sống. Do đó người Huế thuận miệng nên gọi thế. Về sau, do phạm húy, Hoa là tên của mẹ vua Thiệu Trị, nên người dân đọc trại đi thành chợ Đông Ba... 

Trong suốt kỳ nghỉ ở Huế, anh Huyến vừa chở tôi, nhưng cũng vừa kiêm hướng dẫn viên. Anh đã đạp xích lô gần 20 năm nay. Vợ anh tần tảo buôn bán nhỏ nơi chợ Đông Ba. Ấy vậy mà 2 người con của anh chị đều đỗ cao vào các trường đại học ở Huế. Mưu sinh vất vả là vậy, nhưng có trả thêm, cũng có rất ít người nhận. Như anh Huyến, anh nói: Làm ra được đồng tiền thì phải vất vả chớ. Cầm đồng tiền xứng đáng thì mới thấy quý trọng.

Trong giới xích lô xứ Huế không ít người thạo tiếng Anh và tiếng Pháp; có những người làm thơ và kể về các điển tích, điển cố đầy mê hoặc du khách. Có lẽ vì thế mà du khách nước ngoài ngày càng mê xích lô Huế. 

Và ngày ngày, những chiếc xích lô chở khách vẫn trôi êm qua các nẻo đường, lướt dưới những vòm cây lung linh đốm sáng.   

Theo Hồng Đậu (Báo Đại Đoàn Kết)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL