Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 34.275
Chỉ mới là nơi lưu giữ tác phẩm điêu khắc
Lượt đọc: 106389Thời gian: 11:19 - 03/11/2016

(VHH) - Những tác phẩm ra đời từ các trại sáng tác điêu khắc quốc tế được trưng bày trong không gian mở để tô điểm thêm cảnh quan cho Huế. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm bị xuống cấp, hư hỏng khiến những người quan tâm không khỏi lo lắng. Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trò chuyện với TS. Phan Tiến Dũng, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao và họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Trưởng Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật Huế, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế.

Trong khuôn khổ các kỳ Festival Huế, Huế đã 5 lần tổ chức trại sáng tác điêu khắc quốc tế với khoảng 110 tác phẩm ra đời. Ông đánh giá như thế nào về giá trị nghệ thuật cũng như ý nghĩa của những tác phẩm này?

TS. Phan Tiến Dũng: Theo giới chuyên gia, phần lớn các tác phẩm của nhiều nhà điêu khắc có tính nghệ thuật và chuyên môn cao, có ý nghĩa văn hóa, nhân văn tích cực. Cùng với các danh lam thắng cảnh, việc hình thành hệ thống vườn tượng điêu khắc là cần thiết, làm cơ sở bố trí hài hòa các công trình kiến trúc, mỹ thuật, góp phần xây dựng hình ảnh Huế đẹp, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và văn minh, hiện đại.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức: Tác phẩm điêu khắc để lại từ sau 5 lần tổ chức trại sáng tác điêu khắc quốc tế ở Huế là một tài sản quý giá bởi giá trị nghệ thuật được chọn lọc từ sự quy tụ nghệ sĩ chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Mặc dù không phải tất cả đều xuất sắc, nhưng những tác phẩm này là kết quả lao động sáng tạo vì nghệ thuật đích thực, làm đẹp hơn cho cảnh quan, môi trường và làm giàu hơn món ăn văn hóa - tinh thần cho xứ Huế.

Điều khiến nhiều người lo lắng là một số tác phẩm đã bị hư hỏng do thời tiết và sự xâm hại của một bộ phận thiếu ý thức...

TS. Phan Tiến Dũng: Đúng là có những tác phẩm bị xuống cấp, hư hỏng. Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện thời tiết khắc nghiệt; sử dụng chất liệu không bền vững, không phù hợp với không gian ngoài trời, như gỗ, sắt, gốm, nhựa tổng hợp; ý thức của một số người dân chưa cao đã khắc vẽ, nằm ngồi trên tác phẩm, xâm phạm, làm gãy các bộ phận của tác phẩm.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức: Theo tôi, không thể hoàn toàn trách sự vô ý thức hay xâm hại của con người với các tác phẩm nghệ thuật này, bởi chúng luôn được trưng bày trong không gian mở, mà chúng ta cũng nên tự trách sự thiếu chăm sóc, bảo vệ cần thiết như hiện nay. Ở các nước trên thế giới, tượng điêu khắc nơi công cộng, để ngoài trời dù lớn hay bé đều được quan tâm chăm sóc, bảo quản chu đáo. Các hành vi phá hoại, tác động, thay đổi hiện trạng… đều bị xem là phạm pháp, vì nó là tài sản của quốc gia.

Không phải thành phố nào cũng may mắn có được những tác phẩm quốc tế giá trị như vậy, nhưng dường như, những giá trị nghệ thuật này đang bị bỏ phí?

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức: Theo tôi, các vườn tượng chưa thỏa mãn được yêu cầu để có thể gọi là nơi trưng bày và quản lý các tác phẩm này. Vườn tượng hiện nay thực chất chỉ mới là nơi “lưu giữ” tác phẩm sau khi trại kết thúc (vì không thể cất trong nhà), hay là những “công viên đa chức năng có đặt tượng điêu khắc”.

Quá nhiều thành phần tham gia vào vườn tượng tạo nên sự lộn xộn, yếu tố gắn kết giữa tác phẩm và môi trường, cảnh quan thì chưa được quan tâm đúng mức. Vị trí đặt, để tượng theo lối “được chăng hay chớ”, không tính toán, cân nhắc nên đôi khi không ăn nhập với cảnh quan, không tạo được sự hấp dẫn thị giác... Đúng ra phải nghiên cứu tùy từng vị trí, cảnh quan mà chọn lựa đặt tượng thế nào cho phù hợp để chúng cùng tôn vẻ đẹp của nhau lên.

Ngoài ra, công tác bảo quản, chiếu sáng, bảo vệ, vệ sinh cảnh quan ít được quan tâm và thiếu sự tôn trọng tác phẩm, khiến có cảm giác như là những tài sản “vô chủ” nên dễ bị phá phách, hư hại.

TS. Phan Tiến Dũng: Những tác phẩm điêu khắc do các tác giả tặng cho Nhân dân Thừa Thiên Huế, được Ban Tổ chức các trại sáng tác điêu khắc cân nhắc bố trí, trưng bày tại 5 vị trí: Công viên Lý Tự Trọng, Công viên Phú Xuân, Công viên 3/2, hồ Thủy Tiên và Khu du lịch Tam Giang.

Sau 3 kỳ mở trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại Huế, UBND tỉnh và BTC Festival Huế đã bàn giao các tác phẩm cho UBND TP. Huế. Sau đó, UBND TP. Huế đã giao cho Trung tâm Công viên cây xanh trực tiếp quản lý, trưng bày các tác phẩm hai bên bờ sông Hương. Trung tâm Công viên cây xanh đã đầu tư xây dựng mặt bằng, lối đi, tôn tạo các tác phẩm, xây dựng các hàng rào bảo vệ.

Trại sáng tác thứ tư được thực hiện tại hồ Thủy Tiên. Các tác phẩm điêu khắc tại đây có hiện trạng khá tốt, được bố trí, trưng bày với mật độ vừa phải, phù hợp với mặt bằng tổng thể, hài hòa với không gian cảnh quan khu hồ Thủy Tiên. Tuy nhiên, khu trưng bày tượng ở đây một phần do nằm xa trung tâm thành phố, một phần do Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên đã lâu không còn hoạt động (chỉ còn tổ bảo vệ trực tại đây) nên không gian cảnh quan nơi đây đã bị hoang hóa.

Trại sáng tác thứ năm được tổ chức và trưng bày tại Khu du lịch Tam Giang, BTC Festival giao Khu du lịch Tam Giang quản lý tác phẩm. Gần đây, khu du lịch này đang tiến hành sửa chữa nên một số tác phẩm đã tập kết sang vị trí mới. Trong tổng số 23 tác phẩm tại đây, có 19 tác phẩm đang được bảo quản tốt, 4 tác phẩm do quá trình vận chuyển, di dời bị hư hỏng một phần. Sở Văn hóa và Thể thao đã trao đổi với Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt - BAVICO & Spa - Tam Giang - Huế (đơn vị quản lý Khu du lịch Tam Giang) và đơn vị này đã thống nhất sau khi hoàn thành sửa chữa công trình sẽ tiến hành vận chuyển trưng bày lại dưới sự tư vấn của các nhà chuyên môn.

Đúng là do khó khăn về kinh phí và chuyên môn nên các đơn vị thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng tác phẩm không thường xuyên, cùng với những nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến tác phẩm điêu khắc chưa phát huy hết giá trị.

Sở Văn hóa & Thể thao đang xây dựng đề án Quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng đến năm 2020, định hướng đến 2030, trong đó có quy hoạch vườn tượng. Vậy, việc quy hoạch vườn tượng sẽ như thế nào? Sau quy hoạch, liệu các tác phẩm điêu khắc có được bảo vệ và phát huy giá trị tốt hơn?

TS. Phan Tiến Dũng: Với quy hoạch mới, sẽ có phương án phân bố các vườn tượng và các tác phẩm với mật độ phù hợp tại các vị trí không gian cảnh quan điểm nhấn ở trung tâm thành phố. Ngoài hai bờ sông Hương, sẽ đề xuất điều chuyển một số tượng bố trí ở các khu đô thị mới, các khu trưng bày ngoài trời, công viên...

Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ báo cáo UBND tỉnh để thực hiện một số nội dung, như: Xây dựng đề án, chọn lựa, bố trí, sắp xếp lại vị trí một số tượng với mật độ phù hợp, đảm bảo không gian, tính chất từng khu vực và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên của Huế. Di chuyển một số tác phẩm chưa phù hợp về vị trí mới, vườn tượng mới sau khi quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng được phê duyệt. Phối hợp với các đơn vị được giao triển khai kế hoạch giữ gìn, bảo quản, bảo vệ tốt tác phẩm. Giao những tác phẩm điêu khắc quốc tế cho một số cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm giữ gìn, trưng bày phát huy giá trị.

Đối với những tác phẩm hư hỏng sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để có nguồn đầu tư tu bổ. Phối hợp với Trường đại học Nghệ thuật Huế, Hội Mỹ thuật tỉnh, các chuyên gia để đánh giá, đề xuất các phương án sửa chữa những tác phẩm hư hỏng. Riêng những tác phẩm do vật liệu không bền vững, qua nhiều năm trưng bày ngoài trời đã bị phong hóa, mục nát không thể sửa được thì Sở sẽ đề xuất đưa ra khỏi các điểm trưng bày và bảo quản riêng.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức: Tôi cho rằng, tất cả các vườn tượng ở Huế nên quy hoạch lại với sự tham gia của những chuyên gia về thiết kế cảnh quan, từ vị trí địa lý các vườn, số lượng tượng, cách định vị từng nhóm, từng tác phẩm song song với tôn tạo cảnh quan phù hợp để thiết lập không gian nền thích hợp. Ở đó, cảnh quan và tượng phải hòa quyện vào nhau, tạo sự hài hòa cần thiết để làm nên vẻ đẹp hòa hợp giữa nghệ thuật và thiên nhiên, giữa nhân tạo và thiên tạo.

Ngoài ra, giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chiếu sáng… cụ thể cho đơn vị quản lý vườn tượng kết hợp với một số chuyên gia có chuyên môn. Có những văn bản quy định cụ thể xử lý các hình thức phá hoại, xâm hại, làm thay đổi hiện trạng...  các tác phẩm thật chặt chẽ.

Nếu phát huy được giá trị, các vườn tượng đóng góp gì cho văn hóa – du lịch cũng như bộ mặt cảnh quan của Huế, thưa ông?

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức: Chắc chắn nếu Huế có những vườn tượng “đúng nghĩa”, chúng sẽ đóng góp không nhỏ cho nhu cầu hưởng thụ và phát triển văn hóa - du lịch cũng như cảnh quan của Huế. Các vườn tượng sẽ trở thành những điểm nhấn nghệ thuật thú vị giữa cảnh quan thiên nhiên và không gian đô thị Huế. Chúng sẽ trở thành những gạch nối cần thiết kéo thiên nhiên và nghệ thuật đến gần với đời sống con người bằng cảm quan nghệ thuật cụ thể.

TS. Phan Tiến Dũng: Tôi cũng nghĩ như vậy. Bên cạnh các điều kiện hiện có, việc trưng bày các tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao làm phong phú các loại hình văn hóa, tạo thành điểm nhấn trong thành phố, nâng cao đời sống tinh thần của người dân, cũng như làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của địa phương, góp phần thu hút du khách đến với Huế để thưởng ngoạn.

Xin cảm ơn về cuộc trao đổi!

Theo Minh Hiền (Báo TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL