Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 248
Vai trò quy ước văn hóa trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
Lượt đọc: 12261Thời gian: 09:04 - 04/05/2018

(VHH) - Qua hơn 15 năm thực hiện, đến nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 1.285 quy ước văn hóa của các thôn, tổ dân phố. Những bản quy ước này đã hình thành từ những năm 1999 đến nay và đã có nhiều lần bổ sung, sửa đổi theo quá trình phát triển của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

 

Thực trạng xây dựng và thực hiện quy ước văn hóa ở cơ sở

Tình hình thực hiện quy ước văn hóa trên địa bàn tỉnh thời gian qua nhìn chung thực hiện khá nghiêm túc, về cơ bản đảm bảo quy định: Niêm yết, phổ biến quy ước đã được phê duyệt trong cộng đồng dân cư; kiểm tra, kiểm điểm việc thực hiện quy ước hàng năm; lồng ghép xây dựng và thực hiện quy ước với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các phong trào, cuộc vận động khác do Trung ương và địa phương phát động,...

Một số quy ước có bổ sung, sửa đổi nhưng xây dựng thể thức không đúng, nội dung, điều khoản, câu từ sử dụng trái pháp luật. Một số nội dung của hương ước, quy ước chưa thiết thực, chưa bám sát nội dung phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, nhất là một số lĩnh vực thuộc nhóm nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh, môi trường đô thị,... Việc triển khai xây dựng quy ước văn hóa một số địa phương còn hình thức, xây dựng cho có đủ tiêu chuẩn thôn, tổ dân phố văn hóa, các nội dung trong quy ước chỉ mang tính hình thức, rất hạn chế trong áp dụng thực tế tại địa phương. Đặc biệt có hiện tượng sao chép theo bản mẫu một cách cứng nhắc, không sửa chữa. Một số nơi xem việc xây dựng quy ước là của cán bộ thôn, xã mà chưa có sự tham gia rộng rãi của người dân. Theo quy định quy ước sau khi được phê duyệt, thực hiện thì hàng năm có tổng kết, sơ kết để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên ở một số nơi vẫn còn hiện tượng chỉ xây dựng, soạn thảo, phê duyệt và đưa vào thực hiện là xong, không thực hiện sơ kết, tổng kết, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy ước.

Nhìn chung, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy ước ở một số thôn, tổ dân phố còn nhiều hạn chế. Tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn; việc cưới, việc tang và lễ hội thực hiện chưa đảm bảo, đám tang còn để dài ngày, tình trạng sử dụng hệ thống âm thanh trong tang lễ vượt mức quy định ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh; tình trạng đốt, thả vàng mã trong tang lễ vẫn còn phổ biến gây ô nhiễm môi trường,... Nội dung quy ước một số nơi thiếu thiết thực, không cụ thể, người dân còn thờ ơ với quy ước của thôn, tổ dân phố. Việc giám sát, tuyên truyền, chấn chỉnh trường hợp vi phạm quy ước chưa thực hiện triệt để, chưa thường xuyên. Việc sơ kết, tổng kết và khen thưởng đến việc xây dựng quy ước vẫn chưa triển khai.

Vai trò của quy ước văn hóa trong thực hiện xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Trong quá trình triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh, các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể được bảo tồn và phát huy. Đó là việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ đình làng và các di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương và đáng chú ý hơn là sự phục hồi, phát triển làng nghề truyền thống, các lễ hội dân gian của người dân ở đồng bằng, miền núi, miền biển. Thông qua đó đã góp phần khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với việc xây dựng những giá trị văn hóa mới.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được Ban chỉ đạo phong trào các địa phương hướng dẫn đưa vào quy ước làng văn hóa. Về việc cưới đã đơn giản hóa thủ tục đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình; chấp hành nghiêm luật Hôn nhân và Gia đình; không còn trường hợp thách cưới hay cưỡng ép hôn nhân. Nhiều địa phương đã hình thành những tập tục mới tốt đẹp như vận động các đôi vợ chồng trẻ tự nguyện đóng góp trồng cây lưu niệm cho xã, hoặc tự nguyện đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm. Tiêu biểu như: làng An Thuận, Hương Toàn, thị xã Hương Trà; Làng Lại Ân, xã Phú Mậu, Phú Vang; viếng nghĩa trang liệt sĩ trong ngày cưới, tặng quà cho nhà trẻ, mẫu giáo, đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa…

Việc tang ở các địa phương đều được tổ chức chu đáo, trang nghiêm đảm bảo quy định về vệ sinh môi trường và trật tự an toàn xã hội. Các tập tục lạc hậu trong đám tang như lăn dường, bắt tà, trừ ma, khóc mướn hầu như đã được xóa bỏ nhất là vùng đồng bào dân tộc ở Nam Đông và A Lưới. Những tập tục mới như các hình thức trợ tang, đóng góp, hỗ trợ giúp đỡ những gia đình khó khăn khi có việc tang được thực hiện khá phổ biến. Một số địa phương đã tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang như Thị xã Hương Trà, Hương Thủy, huyện Quảng Điền.

Việc tổ chức, quản lý lễ hội được thực hiện đảm bảo. Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian trong lễ hội được phục dựng làm phong phú giá trị văn hóa lễ hội. Hiệu quả của việc tổ chức Lễ hội ở Thừa Thiên Huế đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân ở tất cả các địa phương, các dân tộc. Nhân dân được thực sự hòa nhập vào đời sống văn hóa tinh thần của mình, được hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Hoạt động lễ hội gắn với phát triển du lịch và trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa mang lại hiệu quả cao. Giao lưu khu vực, vùng miền và giao lưu quốc tế trong hoạt động lễ hội đặc biệt qua các kỳ Fesstival Huế ngày càng có xu hướng mở rộng.

Trong thời gian tiếp theo, để phát huy hiệu quả của quy ước văn hóa trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cần tập trung triển khai một số giải pháp và nhiệm vụ sau:

Đầu tư, tập trung cho công tác soạn thảo và ban hành quy ước văn hóa theo đúng quy trình. Trong đó phải chú ý việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trước khi phê duyệt thực hiện. Việc soạn thảo phải có chất lượng làm sao dễ đi vào lòng dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, phù hợp với phong tục tập quán, tình hình thực tế của địa phương và các văn bản hướng dẫn của cấp trên.

Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến và thực thi văn bản trên địa bàn. Quy ước sau khi ban hành phải sao thành nhiều bản, hàng năm đến ngày có việc làng, tế lễ, hội hè mang ra tuyên đọc cho toàn dân nghe. Việc làm này cần thực hiện bền bỉ để nhiều người dân biết mà thực hiện. Mặt khác quy ước phải được sử dụng hàng ngày để điều chỉnh các mối quan hệ và tình huống phát sinh. Làm như vậy thì quy ước có những bất cập sẽ được phát hiện và nhanh chóng điều chỉnh.

Bên cạnh những điều chỉnh đã nêu, phải có cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của Ban điều hành làng (thôn), tổ dân phố văn hóa trong việc đưa quy ước văn hóa đi vào cuộc sống. Họ vừa tham mưu, giúp đỡ chính quyền địa phương thực thi, đồng thời là những tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở. Với cách làm hay, sự nhiệt tình vào cuộc và quyết tâm cao của chính quyền địa phương, Ban điều hành làng (thôn), tổ dân phố văn hóa thì sẽ phát huy tốt giá trị của quy ước văn hóa trong mọi tình huống, góp phần thực hiện tốt việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

P.XDNSVHGĐ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL