Tại Hội thảo nhiều ý kiến trao đổi các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống BLGĐ, xây dựng và phát triển mô hình phòng, chống BLGĐ, công tác truyền thông, tư vấn, hỗ trợ nạn nhận và một số giải pháp để bảo vệ quyền lợi của nạn nhân bị BLGĐ...
Thời gian qua, với sự lan tỏa tích cực của công tác tuyên truyền xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh và sự đa dạng của các hình thức truyền thông phòng chống BLGĐ, tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản không xảy ra những vụ bạo lực gia đình quá nghiệm trọng. Năm 2023, toàn tỉnh có 37 vụ BLGĐ xảy ra ở 34 hộ được phát hiện (giảm 12 vụ so với năm 2022). Trong đó, có 13 vụ bạo lực tinh thần, 21 vụ bạo lực thân thể, 01 vụ bạo lực tình dục và 07 vụ bạo lực kinh tế. Nạn nhân bị BLGĐ chủ yếu là nữ 28/37 người. 34 người đã được đưa ra góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; 01 người bị cấm tiếp xúc 13 người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 04 vụ bị xử phạt vi phạm hành chính và 02 trường hợp bị xử lý hình sự.
Đối với việc hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình, năm 2023 có 27 người được tư vấn về tâm lý, tinh thần, pháp luật (tỷ lệ 81,1%); có 03 người được chăm sóc, hỗ trợ sau khi bị bạo lực. 100% số người bị bạo lực và người gây bạo lực gia đình đã được tổ hòa giải địa phương can thiệp và tư vấn kiến thức về phòng, chống BLGĐ.
Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng các nhóm phòng, chống BLGĐ ở cơ sở. Mỗi nhóm 3-5 thành viên, gồm trưởng thôn/tổ, công an viên, thành viên tổ tự quản, cán bộ Hội Phụ nữ, cán bộ Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, nhân viên y tá cấp thôn, tổ. Toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 21 mô hình phòng, chống BLGĐ theo quy chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài ra, còn có 179 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 287 nhóm PCBLGĐ; 680 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 267 đường dây nóng triển khai hoạt động tại các tổ dân phố với sự tham gia tích cực của nhân dân, cán bộ cấp thôn, xã bảo vệ nạn nhân, kịp thời hòa giải đối với các vụ việc có phát sinh mâu thuẫn nhằm hạn chế những xung đột có thể dẫn đến BLGĐ. Có những trường hợp có biểu hiện dễ dẫn đến bạo lực đã được các thành viên trong Câu lạc bộ, nhóm phòng chống BLGĐ phát hiện, tuyên truyền, vận động, giải thích và nhắc nhở kịp thời. Thông qua hoạt động Mô hình phòng chống BLGĐ, các vụ bạo lực đã được kịp thời can thiệp, xử lý bằng các biện pháp như góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư và hòa giải tại gia đình, tình trạng BLGĐ có xu hướng giảm dần.
Để thực hiện tốt mục tiêu giảm thiểu tình trạng BLGĐ, cần sự vào cuộc và chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương. Đặc biệt cần phát huy vai trò của chính quyền cấp xã, phường; cấp tổ thôn và các tổ chức đoàn thể quần chúng ở cơ sở. Cần tiếp tục đẩy mạnh các hình thức truyền thông, tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống BLGĐ; Bình đẳng giới; Hôn nhân gia đình; Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em..., từng bước làm thay đổi nhận thức, để mọi người hiểu được, tự điều chỉnh hành vi của mình không vi phạm pháp luật.
Chính quyền địa phương các cấp cần quan tâm củng cố, phát huy hiệu quả các mô hình làng xã văn hóa, thôn xóm tự quản, khu phố đảm bảo an ninh trật tự, Hội phụ nữ quản lý, giáo dục con em không vi phạm pháp luật... Quan tâm tổ chức hiệu quả các mô hình, tổ hòa giải trong từng khu vực, thôn xóm với đầy đủ thành viên các tổ chức như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh, Hội nông dân... củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác gia đình các cấp, cán bộ làm công tác tư vấn, hòa giải tại cộng đồng, giúp họ có kiến thức và kỹ năng thực hành trong các hoạt động tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ nạn nhân để hoạt động và hướng dẫn mô hình phòng, chống BLGĐ cấp thôn, tổ đạt hiệu quả tốt hơn.