Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 2.253

Chợ Đông Ba
Lượt đọc: 25762Thời gian: 11:04 - 04/03/2010

       Nếu nói rằng, văn hóa là mạch nguồn bền bỉ, xuyên chảy từ đời này sang đời khác, thẩm thấu qua nhiều thế hệ, trở thành bản lĩnh, tích tụ thành một “phong vị” riêng biệt, hoặc theo định nghĩa của UNESCO (do Tổng giám đốc Federico Mayor nêu): “Văn hóa là tổng thể sống động của các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại” thì Chợ Đông Ba chính là thành tựu tiêu biểu, đặc sắc và độc đáo, đã góp phần tạo nên “phong vị” rất riêng của văn hóa Huế trong dòng chảy của văn hóa dân tộc và nhân loại.

       Nằm cách cầu Trường Tiền khoảng 100m về phía bắc, dọc theo bờ bắc sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế. Chợ Đông Ba là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế và khu vực. Nơi đây còn gắn liền với bước thăng trầm của cố đô, với các phong trào yêu nước của sinh viên trí thức, với sự hình thành tâm hồn và tính cách của con người xứ Huế, đã từng đi vào thơ ca, nhạc họa hơn một trăm năm qua...

 

“Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại...”
 

 

Câu ca dân gian này ghi dấu thời điểm xuất hiện của chợ mới bây giờ, được thành lập theo chỉ dụ của Vua Thành Thái vào năm 1899. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, tiền thân của Chợ Đông Ba là chợ Quy Giả thị nằm ở trong và ngoài thành quách của Chánh Đông, có từ đầu thế kỷ XIX, từ thời Vua Gia Long (1802- 1820). Tên cái chợ này đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn. Qui Giả là ngôi chợ của những người trở về. Càng ngày, chợ Quy Giả càng sầm uất, trở thành trung tâm thương mại của kinh kỳ, được xây dựng lại (trên khu đất vườn hoa Phan Đăng Lưu bây giờ) và đổi tên thành chợ Đông Gia, có đình chợ, quán chợ và lần đầu tiên cho dân lĩnh trưng thuê chợ. Gần một thế kỷ sau, mùa hè năm 1885, Kinh đô thất thủ, chợ Qui Giả bị giặc Pháp đốt sạch. Năm 1887, Vua Đồng Khánh cho xây dựng lại và đặt tên là Chợ Đông Ba (tên con sông đào chảy qua cạnh chợ). Chợ cung cấp thực phẩm cho cung điện, nhà thương, đồn lính, ký túc xá các trường Quốc học, Ðồng Khánh, Bình Linh, Thiên Hựu. Ðến năm 1899, khi xây dựng xong phố Trường Tiền (Trần Hưng Đạo bây giờ), vì mặt bằng ở khu chợ cũ quá chật, không đáp ứng được sự phát triển của một trung tâm thương mại, theo chỉ dụ của Vua Thành Thái, chợ được dời ra khu đất mới rộng rãi hơn. “Giại” là bãi đất bùn lầy, lau lách um tùm nằm bên bờ sông Hương, vị trí chợ hiện nay. Khu thương mại mới này có quy mô bề thế: 4 dãy quán (tả, hữu, tiền, hậu); mặt tiền 1 dãy 8 gian; mặt hậu 1 dãy 15 gian; dãy tả 12 gian; dãy hữu 13 gian đều lợp ngói. Giữa chợ có một lầu vuông xây 3 tầng, tầng trên bốn phía làm cửa đều treo đồng hồ (đến giờ gõ chuông nên gọi là lầu chuông) để biết thời khắc.
 
 

Chợ Đông Ba - Trung tâm thương mại
 

Ðầu thế kỷ 20, chợ Ðông Ba được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ cốt cách cũ. Ðến năm 1967, chính quyền Sài Gòn cho triệt hạ chợ cũ và xây lại chợ mới. Công trình đang dang dở thì chiến dịch Huế Xuân 1968 bắn phá tan tành. Sau đó cho sửa chữa tạm để buôn bán. Ðến năm 1987, chợ Ðông Ba được đại trùng tu. Ngoài lầu chuông ở trung tâm, chợ Ðông Ba mới có 9 dãy nhà bao quanh cùng 4 khu hàng mới, như chợ cá, khu hàng tự sản, tự tiêu, khu hàng dịch vụ... với tổng diện tích mặt bằng xây dựng 15.597m². Ngoài ra ban quản lý chợ còn quản lý khu Hoa Viên Chương Dương, các bến bãi đỗ xe ôtô, xe lam, nơi giữ xe đạp, xe máy... nâng tổng diện tích mặt bằng thuộc chợ lên trên 47.614m² với 2.543 hộ kinh doanh cố định, 500 - 700 hộ buôn bán rong. Bình quân mỗi ngày có từ 5.000 đến 7.000 khách đến chợ. Vào những dịp lễ tết, chợ đông hơn, có trên 1,2 vạn người.
 
 

Chợ Đông Ba - địa chỉ văn hóa, du lịch
 

Những tinh túy văn hóa vật chất của Thừa Thiên - Huế còn giữ được cho đến nay đều có thể tìm thấy ở chợ Ðông Ba như: nón lá Phủ Cam, dao kéo Hiền Lương, kim hoàn Kế Môn, dâu Truồi, chè Tuần, quít Hương Cần, thanh trà Lại Bằng, sen khô hồ Tịnh, hàng mã hoa giấy làng Sình... và cả những món ăn Huế truyền thống, bình dân như: cơm hến, bún bò, bánh lá, chả tôm, bánh khoái, chè đậu ván... Chợ Ðông Ba đã trở thành trung tâm cung cấp những sơn hào hải vị cho các nhà hàng, khách sạn quốc tế, bán các món đặc sản Huế cho khách du lịch từ bốn bể năm châu đến tham quan di sản thế giới tại Huế.
 

 

Chợ Đông Ba từ lâu đã trở thành một điểm văn hóa - du lịch của cố đô. Người ta đến chợ không chỉ nhằm mua những đặc sản của xứ Huế hoặc có thể ăn món cơm hến cay rát lưỡi ở các quầy hàng rong, nếm món bánh bột lọc, món bánh bèo mỏng manh với nước mắm ớt xanh, thử tô bún bò giò heo còn nghi ngút khói, mà còn dạo chợ để thưởng thức thái độ mua bán lịch sự, văn minh, văn hóa ứng xử dịu dàng của người phụ nữ Huế. Hiện nay, một số quầy hàng ở Chợ Đông Ba vẫn còn những tiểu thương mặc áo dài trong hoạt động buôn bán. Có lẽ, hiếm có một chợ nào còn giữ được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp như thế.
 

Trong buổi tọa đàm khoa học “Chợ Đông Ba 100 năm xây dựng và phát triển”, có học giả đã cho rằng: nếu không tính những giai đoạn mang tên là chợ Qui Giả, rồi chợ Đông Gia, chỉ tính riêng khi có tên Đông Ba cho đến nay, chợ đã có 112 tuổi, có trước chợ Đồng Xuân (Hà nội) 3 năm và trước chợ Bến Thành (TPHCM) 25 năm. Chặng đường phát triển của Chợ Đông Ba gắn liền với quá trình phát triển của văn hóa Huế, chợ là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa tinh thần của con người Huế, vẻ đẹp của chợ cũng chính là vẻ đẹp của điệu tâm hồn Huế.

 

                                                                                Hoài Tân

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL