Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 11.775

Bộ VHTTDL và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị triển khai chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2026.
Lượt đọc: 19190Thời gian: 09:09 - 10/09/2021

(VTH) - Sáng 09/9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị Triển khai chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan giai đoạn 2021 - 2026. Tham dự Hội nghị có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, cùng dự có lãnh đạo cơ quan, và các đơn vị của 2 đơn vị.

Báo cáo công tác VHTTDL giai đoạn 2016-2021 và phương hướng trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong giai đoạn qua, ngành VHTTDL đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện trên sáu lĩnh vực lớn, đó là:

Dòng chảy của văn hóa Việt Nam tiếp tục phát triển một cách toàn diện và sâu sắc, trong đó, tư tưởng, đạo đức, lối sống- lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có chuyển biến tích cực.

Hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục chuyển biến, hoàn thiện để tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa với tư cách chủ thể xây dựng nền văn hóa Việt Nam.

Công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm; những di sản này là những báu vật quốc gia , báu vật của cha ông để lại mà các thế hệ phải trân trọng giữ gìn; gắn kết với các di sản để kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điểm đến của bạn bè quốc tế, là nơi giới thiệu về văn hóa, con người Việt Nam thông qua di sản vật thể, phi vật thể.

Ngành Văn hóa đã tổ chức tốt về chiến lược văn hóa đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong đó đã làm tốt hơn về vấn đề thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh của đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Thể dục thể thao cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Thể thao quần chúng có bước phát triển. Thể thao thành tích cao có nhiều chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2019-2020, số lượng HCV của Việt Nam khi tham gia các đấu trường quốc tế tăng gấp đôi so với năm 2015. Bóng đá đã có nhiều khởi sắc, giành nhiều thành tích cao trong châu lục; lần đầu tiên chúng ta đã vào vòng loại thứ ba World cup 2022, đại diện cho khu vực châu Á. Thể thao đã góp phần thực hiện tốt chức năng phát triển thể lực, xây dựng tầm vóc con người Việt Nam như Bác Hồ nói "Dân cường, nước thịnh".

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu một số hạn chế, đó là môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn khoảng cách lớn. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng chưa thật sự đi vào chiều sâu. Hiệu quả hội nhập quốc tế về văn hóa còn hạn chế. Công tác phát triển công nghiệp văn hóa còn chậm. Ngành văn hóa chưa thể hiện rõ được vai trò, tiếng nói của mình trong công tác tham mưu các giải pháp đối với quá trình sáp nhập các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Công tác phối hợp với các hội văn học nghệ thuật nhằm tập hợp, phát huy năng lực, tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật đạt hiệu quả chưa cao.

Một số chủ trương, quan điểm của Đảng nêu trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận chậm được thể chế. Chưa có giải pháp đồng bộ, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên Internet và mạng xã hội tới gia đình. Phong trào thể dục, thể thao chưa thực sự sâu rộng, nhất là vùng nông thôn, miền núi và các khu công nghiệp. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật, gia đình, thể thao và du lịch chưa được quan tâm đúng mức…

Một trong những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng là nhận thức của các cấp ủy đảng, các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch tuy đã được nâng lên nhưng thực sự chưa đầy đủ, chưa sâu sắc; chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Đầu tư cho văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch ở cả trung ương và địa phương chưa tương xứng với vai trò, vị trí của ngành trong điều kiện phát triển chung của đất nước…

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, về văn hóa gia đình, xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo; Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mỗi gia đình; phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ…

Về thể dục thể thao, có chính sách và cơ chế phù hợp để bồi dưỡng và phát triển tài năng, đưa thể thao Việt Nam đạt vị trí cao trong khu vực, từng bước tiếp cận thành tích châu lục và thế giới ở những bộ môn phù hợp với thể trạng tầm vóc người Việt Nam...

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực, là nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển, đồng thời ghi nhận kết quả đã đạt được của những người làm công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trong cả nước, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Khối lượng công việc mà Bộ đã thực hiện thời gian qua là khá lớn, khá đa dạng và phong phú, tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của nhân dân và gắn bó chặt chẽ, máu thịt với công tác tuyên giáo và ngành Tuyên giáo của Đảng. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, những thành tựu về kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của ngành VHTTDL cả nước nói chung và của Bộ VHTTDL nói riêng.

Ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn, thách thức của ngành VHTTDL trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có tác động không nhỏ đến hầu hết các lĩnh vực, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, kế hoạch của Bộ VHTTDL đề ra trong thời gian tới, đồng thời mong muốn Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục bám sát yêu cầu chức năng nhiệm vụ chính trị của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt biệt là chương trình hành động, quan điểm mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển công nghiệp văn hóa; Tập trung nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị văn hóa con người, gia đình Việt Nam, đồng thời khai thác hiệu quả các tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam đóng góp tích cực vào tăng trưởng văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới; tăng cường xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, văn hóa gia đình và chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa và thể thao để nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân…

TP (Nguồn Cổng TTĐT Bộ VHTTDL)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL