Sáng ngày 28/10, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế”. Đến dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Ái Vân, Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, TS. Phan Thanh Hải, Tỉnh Ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cùng đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan, các nghệ nhân và các nhà nghiên cứu văn hóa Huế.
Hội thảo nhằm hướng đến mục tiêu tiếp tục phát huy, khai thác giá trị văn hóa nhà rường Huế, đưa nhà rường Huế trở thành biểu tượng của vùng đất Cố đô Huế, bảo tồn và xây dựng thương hiệu nhà rường Huế gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng. Đồng thời, Hội thảo cũng hướng đến việc đề xuất một số giải pháp phát triển thương hiệu nhà rường Huế thông qua các cơ hội đầu tư phát triển du lịch, kinh doanh nhà rường Huế, đề xuất thêm những chính sách, giải pháp hỗ trợ để bảo tồn và khai thác giá trị nhà rường Huế một cách có hiệu quả.
Hội thảo đã nhận được 12 tham luận của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu bàn về thực trạng nhà rường Huế hiện nay, chiến lược bảo tồn, phát triển sản phẩm du lịch nhà rường, nhận diện giải pháp phát triển thương hiệu, việc khai thác các giá trị văn hóa, phát triển kinh tế với thương hiệu nhà rường Huế…
Trình bày tham luận tại Hội thảo, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thế Thao đã nhấn mạnh: Nhà rường Huế đã có lịch sử mấy trăm năm hình thành, phát triển và tích luỹ kinh nghiệm. Bản thân nó đã chứa đựng và thể hiện rất nhiều yếu tố văn hóa nghệ thuật sâu sắc của con người Huế. Phong thủy trong nhà rường Huế là một nhân tố rất độc đáo mà nếu không giải mã được thì thật khó mà hiểu được dụng ý của người xưa. Việc dựng một ngôi nhà rường đối với người Huế luôn là một sự kiện trọng đại. Thường là người đến tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh” thì mới dám dựng nhà rường. Rồi ngôi nhà, và khu vườn gắn liền với nó đều được chăm chút rất cẩn thận, bởi nó chính là cái để thể hiện danh phận, trình độ văn hóa và vị trí xã hội của chủ nhân. Kiến trúc nhà rường trong các cung điện, phủ đệ, chùa chiền, lăng tẩm..., cùng nhà vườn dân gian có mặt ở khắp mọi nơi trong thành phố Huế và vùng phụ cận. Mỗi công trình này dù có quy mô lớn hay nhỏ đều vận dụng kiểu thức nhà rường Huế, tạo nên những không gian riêng mềm mại mà cá tính. Có lẽ, đó là điểm nổi bật nhất của phong cách Huế (hay tính cách Huế) thể hiện trong cảnh quan kiến trúc truyền thống.
Dù vẫn còn hiện hữu nhưng nhà rường Huế đã thay đổi diện mạo rất nhiều. Nhiều nhà rường đã không còn, một số không nhỏ khác bị chia năm xẻ bảy, bị thay đổi cấu trúc. Ngay bên trong nhiều khu nhà rường, nhà ống hiện đại cũng đã xuất hiện, khu vườn chuyển đổi thành nhà hàng, quán cà phê... Một số nhà rường Huế còn lại khá nguyên vẹn cũng đang đứng trước những thử thách rất lớn trước cơn lốc đô thị hóa và nền kinh tế thị trường.