Tôi đã dành cả đêm hôm đó để hết cuốn sách dày 284 trang, đọc liền một mạch, không dừng lại như thói quen đọc sách thông thường. Không những thế, sau khi gấp cuốn sách, tôi còn tìm đọc một số bài viết liên quan đến Bùi Huy Tín, nhà in Đắc Lập, Thực nghiệp Dân báo, Tràng An báo… trên internet để có thêm thông tin, và cả những cách nhìn đa chiều.
Phải nói rằng, Bùi Huy Tín (1875-1963) là một nhân vật rất hấp dẫn với một tiểu sử đặc biệt. Xuất thân từ một gia đình yêu nước, tham gia kháng Pháp trong quân đội của Đề Thám hồi cuối thế kỷ XIX, nhưng từ 3 tuổi ông đã trở thành trẻ mồ côi, rồi được những sỹ quan trong quân đội Pháp nuôi ăn học, dạy tiếng và dạy cả văn minh nước Pháp. Bước vào tuổi thanh niên ông đã trở thành một thông ngôn xuất sắc và giàu kinh nghiệm, am hiểu lối sống Tây, văn minh phương Tây nhưng Bùi Huy Tín không chọn con đường học thuật mà chọn nghề kinh doanh. Bắt đầu từ việc nhỏ là thầu nuôi và khai thác cá hồ Tây đến các gói thầu lớn dần là tham gia xây dựng hạ tầng đường sắt, đường bộ ở miền Bắc, miền Trung vào đến tận Tây Nguyên, rồi khi đủ tiềm lực ông tiến vào lĩnh vực nông nghiệp, đứng ra lập đồn điền ở nhiều nơi, quy tập dân chúng, phục hồi và phát triển sản xuất. Ông trở thành một trong tứ đại danh gia giàu có nổi tiếng của xứ Bắc kỳ: “Nhất Bưởi nhì Phu tam Thu tứ Tín” (Bạch Thái Bưởi, Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Hữu Thu và Bùi Hữu Tín). Nhưng không giống phần lớn các nhà tư sản Việt Nam lúc đó thường chỉ dừng lại trong lĩnh vực kinh doanh, Bùi Hữu Tín lại không ngần ngại tham gia vào các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Ông đầu tư thành lập nhà in Đắc Lập tại kinh đô Huế từ năm 1920 dù biết việc đầu tư này khả năng cao sẽ bị thua lỗ. Ông thành lập và làm chủ nhiệm các tờ báo Thực nghiệp Dân báo ở Bắc Kỳ, Tràng An báo và La Gazetta de Hué (phiên bản tiếng Pháp của Tràng An báo) tại Trung kỳ và không ngần ngại bộc lộ quan điểm của mình cũng chính là quan điểm của tờ báo.
Đây cũng chính là nội dung chương I của cuốn sách, dù chỉ dài hơn chục trang nhưng đủ để khắc họa nên chân dung một Bùi Huy Tín chân thực, sống động và hấp dẫn. Trước đây, đã có một số bài viết về nhân vật đặc biệt này, nhưng thông tin về ông đều không đầy đủ bằng phần viết ở chương I của cuốn sách này.
Từ chương II đến chương VI là phần viết về các tờ báo do Bùi Huy Tín sáng lập và làm chủ nhiệm, trong đó chiếm dung lượng chính vấn là phần viết về Thực nghiệp Dân báo, chiếm đến 4/5 chương.
Chương II là chương giới thiệu chung về Thực nghiệp Dân báo, tờ báo do ông cùng người bạn, cũng là một nhà tư sản nổi tiếng Nguyễn Hữu Thu đồng sáng lập, hoạt động từ năm 1920 đến tháng 6/1935. Các chương III, IV và V giới thiệu chi tiết hoạt động của Thực nghiệp Dân báo với 3 sự kiện lịch sử tiêu biểu của nước ta hồi ấy: Phong trào đòi trả tự do cho Phan Bội Châu; Lễ tang Phan Châu Trinh và cuộc khởi nghĩa Yên Báy (Bái). Chương VI giới thiệu về Tràng An báo và La Gazette de Hué. Phần Phụ lục đăng các bài viết của các tác giả Bùi Huy Tín, Nguyễn Khắc Thái, Đỗ Minh Điền, Bùi Bích Hà, phần lời giới thiệu khi ra mắt của tờ La Gazette de Hué. Ngoài ra còn có hai bài viết nhận xét về bản thảo cuốn sách của NNC Nguyễn Xuân Hoa và PGS.TS Nguyễn Phước Bửu Nam đăng cuối cùng ở mục Cảm nghĩ.
Nhìn chung, đây là một cuốn sách rất đáng đọc, nhất là đối với người làm công tác nghiên cứu văn hóa lịch sử. Đáng đọc vì một số điểm sau đây:
1. Cung cấp cho chúng ta một cái nhìn đầy đủ, đa chiều và toàn diện hơn về một nhân vật lịch sử, có cuộc đời thăng trầm, vốn còn nhiều uẩn khúc và chưa được đánh giá công bằng. Và chính điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ, trăn trở về thân phận con người, thân phận đất nước, dân tộc. Đó không chỉ là câu chuyện của thế kỷ trước mà thực sự vẫn mang đầy tính thời sự trong bối cảnh hiện nay;
2. Những thông tin phong phú, chi tiết, khách quan về 3 sự kiện lớn của đất nước ta và một số sự kiện khác trong thập niên 1920 và đầu thập niên 1930 được các tờ báo Thực nghiệp Dân báo, Tràng An báo và phiên bản tiếng Pháp (La Gazette de Hué) của nó phản ánh vô cùng đầy đủ chính là nguồn sử liệu hết sức cần thiết và bổ ích cho các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa xã hội Việt Nam trong thời kỳ này.
3. Bản thân những bài viết ở phần Phụ lục cũng rất thú vị và bổ ích. Bài viết của Bùi Huy Tín nhân kỷ niệm 20 thành lập Nhà in Đắc Lập cho chúng ta thấy rõ thêm con người của ông, thái độ của triều đình nhà Nguyễn đối với ông. Bài viết của TS. Nguyễn Khắc Thái cho chúng ta thêm nhiều thông tin về vai trò của Bùi Huy Tín đối với vùng đất Quảng Bình cùng những bài học về phát triển nông nghiệp và ứng xử với thiên nhiên mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bài viết khảo cứu công phu của Đỗ Minh Điền về nhà in Đắc Lập cùng sản phẩm phong phú, đồ sộ của nhà in này rất có giá trị. Còn hai bài viết mang đầy cảm xúc của nhà văn Bùi Bích Hà, ái nữ của ông giúp chúng ta hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình, bối cảnh xã hội và con người Bùi Huy Tín. Các bài viết của NNC Nguyễn Xuân Hoa, Nguyễn Phước Bửu Nam là những đánh giá khách quan và không kém phần thú vị về cuốn sách này.
Cuối cùng, vẫn phải nói rằng, có chút đáng tiếc là cuốn sách vẫn còn một số lỗi morat, lỗi ngữ pháp, hay chú thích chưa chính xác, có lẽ do làm vội hoặc khâu biên tập chưa kỹ? Chẳng hạn ngay ở đầu sách có hai bức ảnh chân dung Bùi Huy Tín nhưng lại ghi năm mất khác nhau (bức ở trang 7 ghi 1875-1963, nhưng bức ở trang 11 lại ghi là 1875-1961). Hay ở Mục lục sách lại ghi thiếu chương V (dù có đề mục chương, những xếp chung vào chương IV)..vv. Tuy nhiên, những sai sót, hạn chế đó không nhiều, không lớn, ít ảnh hưởng đến giá trị cuốn sách.
Xin cám ơn NNC, Nhà giáo Trần Viết Ngạc đã tặng cho chúng ta công trình khảo cứu công phu và có giá trị. Thời điểm cuốn sách “Bùi Huy Tín với Thực nghiệp Dân báo và Tràng An báo” ra đời và được giới thiệu cũng rất có ý nghĩa, những ngày tháng 3/2023, khi Huế chuẩn bị kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng, 30 năm Quần thể di tích kiến trúc cung đình được UNESCO vinh danh. Đây chính là thời điểm chúng ta cần nhìn lại quá khứ với lòng tự hào, sự trân trọng, nhưng cần nhất vẫn là một thái độ khách quan, công tâm và một tấm lòng rộng mở.