Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 15.122

Phụ nữ “cầm trịch” phát triển kinh tế để thoát nghèo
Lượt đọc: 3001Thời gian: 14:33 - 22/06/2023
Tổ liên kết sản xuất bánh tráng Lựu Bảo ở Hương Hồ (TP. Huế)

Ông cha ta có câu "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Nhưng phải khẳng định rằng, chị em phụ nữ cũng là người "cầm trịch", là chủ thể để xây dựng cuộc sống gia đình cả về vật chất, lẫn tinh thần. Nhiều phụ nữ đã nỗ lực tham gia làm kinh tế, sản xuất, khởi nghiệp; nhờ đó không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn xây dựng cuộc sống gia đình no ấm.

Những mô hình sản xuất hiệu quả

Từ ngày làng nghề đệm bàng Phò Trạch (Phong Bình, Phong Điền) được hồi sinh và phát triển nhờ một số DN như Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt, Maries... về liên kết đầu tư sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng, nhiều lao động của địa phương, nhất là chị em phụ nữ có thêm việc làm, thu nhập.

Trước khi chưa tham gia làm các sản phẩm được đặt hàng, chị Phạm Thị Vân và nhiều chị em ở làng Phò Trạch, Vân Trình... chỉ chuyên làm nghề nông. Nhưng mấy năm nay, vừa làm nghề nông, các chị kiêm luôn "nghệ nhân" làm nón, túi xách, giỏ, ống hút, đệm... từ cỏ bàng. Chỉ riêng làm nghề đệm bàng, bình quân mỗi ngày các chị có thêm từ 200-300 nghìn đồng tiền công. Chưa kể những gia đình trồng, khai thác cây cỏ bàng có thêm thu nhập nhờ đầu ra ổn định.

Thời gian qua, dự án "Đa dạng hóa sản phẩm hoa sen bản địa kết hợp phát triển du lịch sinh thái: Mô hình xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ nông thôn" do Bộ Ngoại giao Bulgari tài trợ thông qua Trường đại học Nông Lâm - Đại học Huế được triển khai tại xã Phong Bình góp phần làm thay đổi tư duy canh tác, sinh kế của người dân. Nhiều người được tập huấn các kỹ thuật trồng sen, sản xuất các sản phẩm từ sen kết hợp khai thác du lịch sinh thái. Mô hình này cũng đã giúp nhiều hộ gia đình, hội viên phụ nữ đa dạng hóa sản xuất, phát triển kinh tế để thoát nghèo, vươn lên ổn định.

Lực lượng lao động nữ toàn tỉnh hiện chiếm gần 46% lực lượng lao động trong độ tuổi. Với nguồn lực dồi dào, vai trò của phụ nữ trong tham gia thực hiện giảm nghèo, thoát nghèo càng được đề cao và cần được quan tâm đầu tư, hỗ trợ, kích thích.

Thời gian qua, các tổ chức chính trị - xã hội cùng ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐTB&XH) đã đồng hành tham gia thực hiện các chương trình, dự án, đảm nhiệm thực hiện một số đề án, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ phụ nữ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giúp phụ nữ tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Qua các hoạt động đã giúp đỡ cho hàng chục nghìn phụ nữ nghèo ở nông thôn được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo; góp phần giảm hộ nghèo từ hơn 16.000 hộ xuống còn 11.735 hộ đầu năm 2023.

Đồng sức bền lòng

Thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2021-2025, các địa phương tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh triển khai phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, xây dựng các mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững. Trong đó, phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế" đã được các đoàn thể, địa phương vận dụng sáng tạo, linh hoạt, bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của địa phương.

Quá trình triển khai đã có nhiều cách làm, mô hình hoạt động triển khai hiệu quả. Riêng TP. Huế đến nay đã hình thành và nhân rộng khoảng hơn 40 mô hình tổ liên kết sản xuất, kinh doanh (SXKD) phù hợp với điều kiện, truyền thống của địa phương, quy tụ gần 800 thành viên tham gia. Trong đó, có các mô hình hoạt động hiệu quả như: Tổ liên kết nấu ăn Đông Ba, sản xuất hương trầm Thủy Xuân, Phước Vĩnh, nghề bánh truyền thống Hương Sơ, chằm nón, thêu Phú Thuận, sản xuất hàng may mặc Phú Hội, ươm trồng và cung cấp cây giống Tây Lộc, sản xuất mứt gừng Huế Thuận Hòa, giới thiệu sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ và sản phẩm bánh truyền thống... Thông qua các mô hình liên kết đã giúp cho các thành viên có điều kiện để phối hợp hỗ trợ nhau trong SXKD, tạo việc làm với thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Năm vừa qua, hội phụ nữ các cấp đã hỗ trợ thành lập 17 HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, qua đó đã giúp cho hàng trăm hộ phụ nữ thoát nghèo. Các cấp hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội duy trì và thành lập các tổ vay vốn do phụ nữ quản lý với tổng dư nợ cho vay hơn 1.780 tỷ đồng cho khoảng 52.000 hộ vay vốn; chủ động mở rộng hoạt động tín chấp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện cho trên 18.000 hộ gia đình, DN do nữ làm chủ vay vốn. Vận động phụ nữ tham gia hoạt động tiết kiệm tự nguyện với số tiền tiết kiệm và đã giúp đỡ, hỗ trợ cho nhiều hội viên, phụ nữ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ sinh kế cho hội viên, phụ nữ nghèo.

Từ các chương trình hoạt động và mô hình "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế góp phần giảm nghèo" tại địa phương được thực hiện trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp trong phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau", góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu về công tác giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững.

Để giảm nghèo thực chất, giảm nghèo bền vững theo chỉ tiêu đề ra, Sở LĐTB&XH đề nghị cần tiếp tục rà soát, tiếp cận từng gia đình hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của từng gia đình mà đối tượng chính là phụ nữ để xác định lựa chọn và xây dựng phương án hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, kết nối các nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị phù hợp với từng địa phương và nhu cầu của phụ nữ.

 

HU (theo Hoài Thương-Báo TTH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL