Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 211

Đặt tên đường phố - một cách giáo dục truyền thống
Lượt đọc: 75126Thời gian: 10:15 - 29/10/2016

(VHH) - Việc đặt tên đường phố và các công trình công cộng cũng là một cách giáo dục truyền thống, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào cho thế hệ trẻ.

Bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất

Tên đường phố không đơn thuần để thuận tiện trong công tác quản lý đô thị và nhận biết địa chỉ giao dịch, mà còn tích hợp nhiều giá trị văn hóa lịch sử truyền thống tiêu biểu của một vùng đất hay dân tộc. Ở TP. Huế, việc đặt tên đường phố theo tên các danh nhân có công lớn đối với quê hương, đất nước hoặc những sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình dựng nước và giữ nước luôn được quan tâm hàng đầu. Tiếp đó là những sự kiện lịch sử, nhân vật liên quan đến vùng đất Cố đô. Qua đó, quảng bá, giới thiệu các nét đẹp đặc trưng của văn hóa Huế.

Để có cơ sở thiết lập ngân hàng dữ liệu, thành phố Huế đã tổ chức nhiều buổi thảo luận, thu thập thông tin từ các đơn vị chuyên môn. Phòng đã cung cấp, đề xuất tên các nhân vật lịch sử, tên danh nhân tiêu biểu của địa phương, bảo đảm công bằng khi đánh giá công trạng của các danh nhân. Trước khi trình đề án đặt tên đường lên HĐND tỉnh, luôn có sự đóng góp ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, các ban ngành, đoàn thể; cũng như lấy ý kiến Nhân dân ở các khu dân cư có tuyến đường đề nghị đặt tên; bảo đảm tính chặt chẽ, công khai, dân chủ.

Chủ trương sử dụng tên danh nhân có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng của địa phương, tên địa danh có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử hoặc tên di tích lịch sử - văn hóa là cách làm đúng, có ý nghĩa giáo dục truyền thống quê hương sâu sắc. Dù có sự cân nhắc, thay đổi nhưng việc đặt tên đường và công trình công cộng vẫn bảo đảm tiêu chí: có tính hệ thống, trên cơ sở quy định của Nhà nước và có ý nghĩa khoa học, lịch sử và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Giáo dục truyền thống qua tên đường

Giáo dục truyền thống qua tên đường nhằm nâng niềm tự hào của cộng đồng dân cư sinh sống trên con đường ấy về ý nghĩa con đường mang tên. Hiện nhiều thành phố trong cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bến Tre... đã triển khai việc giáo dục truyền thống qua tên đường. Đây là việc làm rất bổ ích và cần thiết, không những giúp cho du khách mà cả người dân địa phương hiểu được lịch sử nước nhà, biết rõ các danh nhân, anh hùng liệt sĩ. Qua đó, người dân cũng tôn trọng truyền thống dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước.

Huế đang hướng về kỷ niệm 10 năm được công nhận là đô thị loại 1. Thành ủy cũng đã có nghị quyết chuyên đề về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020. Là đô thị loại 1, Huế sẽ và nên học tập cái hay của các đô thị trong cả nước để tạo dấu ấn về văn minh đô thị. Một trong những nội dung của một đô thị văn minh, hiện đại là tóm tắt tiểu sử, công lao của các danh nhân, anh hùng dân tộc... mà con đường mang tên để giáo dục truyền thống và giới thiệu với du khách, nhất là các danh nhân, địa danh, sự kiện gắn với địa phương.

Thực tế, gắn một bảng giới thiệu tóm tắt ở điểm đầu tiên của con đường không tốn nhiều chi phí, nhưng việc làm này tạo nên vóc dáng văn minh đô thị và nhiều tiện ích, lợi ích khác. Rất mong những việc nhỏ như “nhà có số, phố có tên”, tóm tắt ý nghĩa tên danh nhân, địa danh... mà con đường mang tên sẽ được TP. Huế triển khai để tạo nét khởi sắc đầu tiên về văn minh đô thị.

Theo Phong Thư (Báo TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL