Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 4.676
40 năm níu nghề làm thẻ xăm hường
Lượt đọc: 91455Thời gian: 11:18 - 14/12/2016

(VHH) - "Tui chỉ lo không có ai để truyền nghề. Nếu trò chơi đổ xăm hường tao nhã, mang đặc trưng của xứ Huế mà thất truyền thì tiếc lắm". Đó là nỗi lòng của ông Đặng Văn Tố (67 tuổi, ở đường Xuân 68, phường Thuận Lộc - Huế) người có hơn 40 năm gắn bó cùng những thẻ xăm hường.

Đổ xăm hường là trò chơi có từ triều Nguyễn; sau đó, các quan lại và những người trong Nguyễn Phước tộc mang ra ngoài và trở nên phổ biến từ thành thị đến nông thôn Thừa Thiên Huế. Đổ xăm hường là trò chơi gieo con xúc xắc (còn gọi là hột tào cáo, hột xí ngầu) để giành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa, gồm: tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn và trạng nguyên. Trò chơi đổ xăm hường rất phù hợp với việc tạo không khí ấm cúng, quây quần cùng gia đình ngày Tết. Đây là một thú chơi tao nhã và không có tính sát phạt.

Nghe về trò chơi này khá lâu, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận tay cầm những thẻ xăm và được hướng dẫn luật chơi. Tiếng leng keng vui tai của những con xúc xắc xoay tròn trong cái tô cùng tiếng lách cách của những thẻ hường khi va vào nhau càng thôi thúc tôi tìm hiểu về trò chơi này.

Kể về cơ duyên trở thành người thợ, ông Tố cho biết: "Khi còn nhỏ cứ mong Tết đến để chơi đổ xăm hường cùng người thân trong gia đình. Lớn lên tí nữa tui tự mày mò học hỏi làm cho được một bộ xăm hường để chơi. Rồi ai cũng khen làm đẹp, các thẻ xăm rất có hồn vậy là tui gắn bó luôn với nghề làm xăm hường". Ông nói thêm, nhiều người cho rằng, trò chơi này bắt nguồn từ Trung Quốc là không đúng vì ngay từ cái tên gọi của trò chơi "xăm hường" là tên thuần Việt và Huế đặc". Tên gọi này chỉ ra việc từ chữ Hồng nói trại ra thành chữ Hường. Đây là lối nói tránh những từ húy kỵ rất phổ biến ở Huế như cửa Đông Hoa nói trại thành cửa Đông Ba.

Trước đây, những bộ xăm hường của ông Tố chủ yếu làm bằng gỗ và tre, nhưng độ bền không cao nên sau này chuyển qua làm bằng xương. Xương động vật sau khi cưa thành phẩm được đem nấu hàng giờ đồng hồ. Trước khi được định hình và khắc những thẻ hường, phải ngâm vôi để làm mất mùi hôi; sau khi sơn, còn được đánh bóng để sơn ăn vào các đường khắc và bề mặt thẻ hường nhẵn, bóng và đẹp hơn.

Chọn cho mình một nghề khá vất vả, những sản phẩm làm ra không được nhiều người biết đến, thu nhập cũng không cao vì thường cuối năm mới có khách tìm đến mua xăm hường chơi Tết, nhưng hơn 40 năm qua, ông Tố chưa một lần có ý định bỏ nghề. Cũng chính vì tình yêu, sự đam mê với những thẻ hường mà ông đã dày công mày mò để sáng chế ra máy khắc chia tỉ lệ. Sau nhiều năm nghiên cứu, chỉnh sửa, đến năm 2005 ông cho ra đời một chiếc máy hoàn chỉnh. "Từ khi có chiếc máy chia tỉ lệ này giai đoạn khắc hình lên thẻ hường thuận tiện hơn nhiều. Tui chỉ việc chạy máy và khắc theo hình mẫu. Cũng nhờ thế, những thẻ hường được khắc chính xác, cân đối và đẹp hơn", ông Tố chia sẻ. Ông cũng cho biết, trước đây ở Cố đô này cũng có dăm bảy người làm nghề khắc xăm hường nhưng do người biết chơi trò này ngày một ít nên họ cũng lần lượt bỏ nghề, chỉ còn ông là quyết đeo bám đến ngày hôm nay. "Giờ con cái lớn rồi, chúng nó bảo ba không phải vất vả đục đục, đẽo đẽo cả ngày nữa. Quen tay rồi, giờ mà nghỉ thì buồn lắm. Với lại, mỗi chiếc xăm làm chẳng khác gì đứa con tinh thần của mình, còn chút sức lực thì tui vẫn còn làm", nói đoạn giọng ông chùng xuống, trên khuôn mặt thoáng chút trầm tư: "Tui chỉ lo không có ai để truyền nghề, nếu mai này trò chơi tao nhã mang đặc trưng của xứ Huế mà thất truyền thì tiếc lắm”, giờ ai muốn học tui đều sẵn lòng truyền nghề. Mong sao, bản sắc văn hóa dân tộc được trường tồn".

Theo Thanh Thảo (TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL