Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 15.926
Họp báo Lễ hội Đền Huyền Trân Xuân Đinh Dậu - 2017 và Lễ đón bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề dệt Dèng
Lượt đọc: 69485Thời gian: 17:54 - 09/01/2017

(VHH) - Sáng ngày 09/01/2017, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức buổi họp báo thông tin đến các cơ quan báo chí và truyền thông nội dung của Lễ hội Đền Huyền Trân Xuân Đinh Dậu - 2017 và Lễ đón bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề dệt Dèng. Đồng chí Phan Tiến Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ trì buổi họp báo.

“Lễ hội Đền Huyền Trân Xuân Đinh Dậu - 2017: Ngưỡng vọng Tiền nhân” là một hoạt động ý nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm tưởng nhớ Công chúa Huyền Trân, người đã có công lao trong việc mở mang bờ cõi; thông qua lễ hội để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống văn hóa, tôn vinh công lao cùng những giá trị văn hóa, cốt cách, tư tưởng của các bậc tiền nhân. Lễ hội Đền Huyền Trân sẽ được tổ chức trong hai ngày chính thức: Mùng 08 và mùng 09 tháng Giêng năm Đinh Dậu (ngày 04/02 và 05/02/2017) tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân - Núi Ngũ Phong, phường An Tây, thành phố Huế. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho nhân dân và du khách có điều kiện dâng hương tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, Ban Tổ chức sẽ kéo dài thời gian đến hết ngày 12/02/2017 (16 tháng Giêng âm lịch).

        Lễ hội bao gồm các hoạt động chính: Chương trình Khai hội diễn ra vào lúc 8 giờ 00, ngày mùng 08 tháng Giêng (04/02/2017); Lễ Tiên Thường (Cáo giỗ) diễn ra vào lúc 15h00 ngày mùng 08 tháng Giêng (04/02/2017) do Hội đồng Tộc trưởng làng An Cựu, thực hiện theo nghi lễ truyền thống và đặc biệt là Lễ Kỵ Công chúa Huyền Trân diễn ra vào sáng ngày mùng 09 tháng Giêng năm Đinh Dậu (05/02/2017) tại Chánh điện thờ Huyền Trân Công chúa với điểm nhấn là chương trình biểu diễn nghệ thuật sử thi tài hiện hoạt cảnh rước Công chúa Huyền Trân và ghi thức hành lễ, dâng hương. Bên cạnh phần lễ, để tạo không khí vui tươi phấn khởi trong những ngày đầu xuân, làm phong phú thêm Lễ hội, Ban Tổ chức sẽ phối hợp với các huyện, thành phố Huế, đơn vị trong tỉnh triển khai các hoạt động văn hóa và thể thao trong thời gian diễn ra Lễ hội gồm: Thi đấu Cờ người; biểu diễn võ cổ truyền; biểu diễn lân sư rồng; biểu diễn nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số; bài chòi; trò chơi vật, đẩy gậy; thi đấu cờ tướng; trình diễn thư pháp và trưng bày các sản phẩm truyền thống như Hoa giấy Thanh Tiên; Nhang trầm; Nón lá, hàng lưu niệm; dệt Dèng…

Việc tổ chức Lễ hội Đền Huyền Trân còn là dịp để giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, một địa chỉ văn hóa tâm linh đang phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan, dâng hương, chiêm bái, tưởng niệm.

Cũng tại buổi họp báo, đồng chí Phan Tiến Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao và bà Lê Thị Thêm - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới đã thông tin đến các cơ quan báo chí về những giá trị nghề dệt Dèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, một trong những nghề truyền thống ra đời sớm và hiện đang được duy trì và phát huy của các dân tộc miền núi ở A Lưới. Những tấm Dèng là lễ vật không thể thiếu trong các sinh hoạt cộng đồng, mọi người trong làng đến với lễ hội hay những sự kiện quan trọng đều mang những trang phục được làm nên từ Dèng, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của cả tộc người Tà Ôi nói riêng cũng như đồng bào các dân tộc miền núi ở A Lưới nói chung. Mỗi sản phẩm dệt Dèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, phục vụ cuộc sống, vừa là của cải, thể hiện sự ấm no, giàu có và hơn thế nữa, nó là những tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng nhiều tinh hoa, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi. Ngày nay, dệt Dèng còn có vai trò quan trọng, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trong lúc nhàn rỗi; đồng thời có thể khai thác làm sản phẩm du lịch đặc trưng thông qua phục vụ các tour tuyến du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, lịch sử làng nghề, tham gia trình diễn, mua sắm các sản phẩm từ dệt Dèng, tạo thêm nguồn thu nhập, góp phần giúp cho đồng bào dân tộc ở A Lưới thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Với những giá trị độc đáo của dệt Dèng, ngày 21/11/2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số: 4036/QĐ-BVHTTDL công nhận dệt Dèng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Buổi Lễ đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề dệt Dèng sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 16/01/2017 tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới. Buổi lễ cũng là hoạt động nhằm quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề dệt Dèng; qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống, góp phần gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.

Hữu An
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL