Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 8.367

Cầu Trường Tiền
Lượt đọc: 31347Thời gian: 14:53 - 09/03/2010
Cầu Trường Tiền - cây cầu có hơn 100 năm tuổi, từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng của thi, ca, nhạc, họa. Cùng với sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền đã đi vào lịch sử văn hóa Huế như một biểu tượng, niềm tự hào của người dân Cố đô Huế.
                        Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
                        Anh qua không kịp tội lắm em ơi
                        Ðã mấy lâu ni mang tiếng chịu lời
                        Dù có xa nhau đi nữa cũng tại ông trời mà ra.
 
Trong các thế kỷ trước, muốn qua lại đôi bờ, người ta phải dùng các chuyến đò ngang qua bến đò Kim Long, Thừa Phủ, bến đò Cồn v.v.. Mãi đến cuối thế kỷ 19, để đáp ứng nhu cầu nối đường quốc lộ Bắc - Nam và cuộc sống của nhân dân thành phố, cầu Trường Tiền được bắt đầu kiến lập.
 
 
Theo nhiều sử sách cho biết, cầu được hãng Eiffel (Pháp) xây dựng từ những năm 1897 - 1899 thì hoàn tất, và ngay lúc ấy, cầu đã được xây thành 6 vài 12 nhịp, chiều dài 401,1 m, bề ngang lòng cầu 6m20 (nay là 5m40), mặt cầu lúc đó chỉ mới lát bằng gỗ lim.
Năm 1904, cầu Trường Tiền bị bão năm Thìn làm hư hỏng nặng. Sau hai năm cầu được sửa lại. Lần này lòng cầu được đúc bằng bê tông cốt thép.
Năm 1937 cầu mới được "đại trùng tu" và mở thêm 2 hành lang hai bên dành cho người đi bộ, xe đạp với những vòm lan can được nới rộng ra ở 5 trụ cầu giữa hai vài để có chỗ dừng chân ngắm cảnh, không gây cản trở người đi lại. Do thiết kế lòng cầu xe cơ giới và hành lang đi bộ là một mặt phẳng liền, ranh giới ở giữa là những nhịp cầu, nên mặt cầu vừa thoáng, vừa rộng, lại thuận tiện cho việc giải tỏa nhanh những lúc ùn tắc. Lần sửa này chỉ mất 3 tháng.
Năm 1946, toàn quốc kháng chiến chống Pháp, cầu bị đặt mìn giật sập 2 vài phía tả ngạn. Hai năm sau cầu được sửa tạm để đi lại.
Năm 1953, cầu bắt đầu được tái thiết như cũ, một năm sau thì hoàn thành.
Năm 1968, do chiến tranh, cầu lại bị sụp đổ một lần nữa. Năm sau được chính quyền đương thời cho thay thế bằng một vài cầu gỗ mãi đến năm 1991.
Giai đoạn 1991 - 1995, cầu Trường Tiền mới thật sự khôi phục sửa chữa. Ðơn vị chủ đầu tư là Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế. Ðơn vị thi công là Công ty cầu 1 Thăng Long. Lễ khai thông cầu được tổ chức ngày 19/5/1995 nhân dịp kỷ niệm 105 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ năm xây dựng xong cho đến nay (1899-1999), cầu Trường Tiền có 5 tên gọi khác nhau:
- 1899-1907: cầu được đặt tên Thành Thái, vì kiến trúc dưới thời Thành Thái.
- 1914-1918: chínnh quyền thực dân Pháp đổi tên thành cầu Clémenceau; là tên của Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ.
- Năm 1945, chính quyền địa phương đổi tên thành cầu Nguyễn Hoàng - người có công khai phá, mở mang vùng đất Thuận Hóa giữa thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17.
- Từ năm 1995, sau khi khôi phục sửa chữa đến nay, cầu Trường Tiền đã thay đổi khá nhiều, không ít người cho rằng cầu phải có tên mới. Vì vậy, sau lần sửa này, cầu Trường Tiền được gắn bảng đồng với tên "Tràng Tiền".
Bốn cái tên Thành Thái, Clémenceau, Nguyễn Hoàng, Tràng Tiền người dân Huế không thường gọi, mà chỉ gọi cái tên tục của nó là cầu Trường Tiền. Vì xưa kia, bên kia tả ngạn đối diện cầu, triều đình Huế có thành lập một công trường đúc tiền gọi tắt là Trường Tiền.
Năm 2002, thành phố Huế đã đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật trên cầu Trường Tiền. Không gian cầu Trường Tiền trở thành sân khấu của lễ hội Áo dài lung linh, huyền ảo tại Festival Huế 2002.
 
 
Cầu Trường Tiền có dáng dấp mềm mại, uyển chuyển, thông thoáng, nhẹ nhàng rất thích hợp với tâm hồn trầm lắng, cuộc sống ung dung, thanh thản, tế nhị, dịu dàng của người dân xứ Huế. Cầu được bắc qua khúc sông thơ mộng, nhộn nhịp nhất của Huế. Chiếc cầu là một hình tượng nghệ thuật trắng xóa giữa dòng sông xanh, nên có người ví cầu như chiếc lược ngà cài trên mái tóc thề tiểu thư đài các. Ðây là một tác phẩm kiến trúc đặc sắc nhất của thành phố văn hóa, du lịch và di sản nhân loại.
 
                                                                            Hoài Tân (theo www.suutap.com)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL