Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 4.042

Vai trò người cha trong việc nuôi dạy con cái trong gia đình
Lượt đọc: 109143Thời gian: 11:44 - 24/06/2014

(VHH) - Bàn về vai trò của người cha trong việc nuôi dạy con cũng chính là bàn về chức năng giáo dục của gia đình. Gia đình là nơi dưỡng dục về thể chất, tinh thần cho mỗi con người trong xã hội. Đây chính là trường học đầu tiên của mỗi người, là cái nôi hình thành nhân cách, vun đắp cái tôi cá tính, sáng tạo và độc lập của mỗi cá nhân.

Từ xưa đến nay, xã hội rất coi trọng vai trò của người cha đối với việc giáo dục con cái trong gia đình. Người cha là rường cột vững chắc, che chở cho vợ và con dưới mái ấm gia đình: "Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi"; "Còn cha gót đỏ như son, đến khi cha chết, gót con đen sì"... Thời nào cũng vậy, vai trò của người cha vô cùng quan trọng đối với việc nuôi, dạy con cái trong gia đình. Từ xưa, Người cha luôn là trụ cột, là lao động chính trong gia đình. Với vai trò quyết định mọi việc lớn nhỏ, người cha phải luôn là người có khả năng chính trong tạo dựng kinh tế gia đình chính vì vậy người cha là nơi nương tựa tình cảm và nâng đỡ con cái trong gia đình.

Trong xã hội phát triển ngày nay, trước những biến đổi mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vai trò giáo dục của người cha càng quan trọng và cần thiết hơn. Bởi bên cạnh những tác động tích cực, những cơ hội phát triển mới, gia đình hiện đại cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức mới, như bạo lực gia đình, tình trạng ly hôn ngày càng phổ biến, rồi các vụ án gia đình như: con giết cha, vợ giết chồng hay tình trạng trẻ em nghiện hút, phạm tội ngày càng gia tăng... đang từng ngày, từng giờ tác động xấu đến cộng đồng, mỗi cá nhân, mỗi gia đình ở mọi nơi, mọi lúc, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của gia đình nói chung và giáo dục trẻ em nói riêng. Hơn lúc nào hết, vai trò của người cha đặc biệt quan trọng trong việc nuôi nấng, dạy dỗ con cái trưởng thành. Người cha định hướng tương lai cho con, làm chỗ dựa tinh thần, giúp con tự tin khi bước vào đời.

Hiện nay, ở Thừa Thiên Huế, nhiều gia đình vẫn còn mang nặng tư tưởng, phong kiến đàn ông làm kinh tế, phụ nữ nội trợ, nuôi dạy con cái. Với suy nghĩ, đàn ông làm việc lớn, còn những việc “nhỏ” trong gia đình như cơm nước, chợ búa, chăm sóc, nuôi dạy con cái, phục vụ người già, chăm sóc người bệnh... là trách nhiệm và chức năng của người phụ nữ trong gia đình. Từ nhỏ đến lớn, con cái chỉ chịu ảnh hưởng của người mẹ, từ việc chăm chút ăn uống, đến việc đưa con đến trường, chăm lo việc học hành cho con đều một tay người mẹ đảm nhận. Có những gia đình thậm chí người cha không biết hết tên của các con, không biết con học lớp mấy...

Một thực trạng khác nữa, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đang có một bộ phận người dân rời quê hương, gia đình tìm việc làm ở các đô thị, các khu công nghiệp để có được nguồn thu nhập tốt hơn nuôi sống gia đình. Có những người đàn ông phải đi làm ăn xa hàng năm mới về nhà, không có điều kiện gần gũi chăm sóc, giáo dục con cái. Do đó, tình cảm cha con, sợi dây kết nối giữa các thành viên gia đình trở nên lỏng lẻo, dẫn đến con trẻ không được chăm chút, giáo dục của cả cha lẫn mẹ, điều này là một thiệt thòi rất lớn cho quá trình hình thành và phát triển nhân cách của các cháu.

Và cũng như ở nhiều thành phố, địa phương trong cả nước, ở Thừa Thiên Huế, có những gia đình người cha là những doanh nhân hay cán bộ, công chức. Do yêu cầu công việc, phải thường xuyên đi công tác, tiếp khách, giao dịch, hợp tác làm ăn, gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp... nên có quá ít thời gian ở nhà. Với những ông bố như vậy, việc dành thời gian để chăm sóc, dạy dỗ con cái là rất khó. Và những đứa con cũng quen dần với sự thiếu vắng sự chăm sóc của người cha.

Chúng ta chưa có con số thống kê so sánh chính xác tỷ lệ thời gian dành cho con cái giữa cha và mẹ, nên chưa xác định được ai là người dành thời gian cho hoạt động vui chơi, giải trí cùng con cái nhiều hơn, ai là người tham gia vào việc dạy dỗ con cái nhiều hơn. Tuy nhiên, thực tế quan sát cho thấy, trong quá trình giáo dục trẻ thì phần lớn người mẹ đóng vai chủ đạo và có ảnh hưởng nhiều nhất đến con cái. Trước thực trạng trên, để tăng cường hơn nữa vai trò của người Cha trong việc giáo dục con cái, để cho trẻ được phát triển một cách toàn diện, thiết nghĩ cần phải có những giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thực hiện bình đẳng giới trong gia đình. Người chồng, người vợ có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm như nhau trong mọi việc nhà, đặc biệt là việc nuôi dạy con cái.

Thứ hai, nêu cao vai trò của Hội LHPN các cấp trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người phụ nữ, đặc biệt là nông dân, người đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nam giới trong việc chia sẻ bớt gánh nặng gia đình cho người phụ nữ.

Thứ ba, chú trọng công tác giáo dục kỹ năng chăm sóc trẻ cho đối tượng là người đàn ông trong gia đình; hỗ trợ cả cha lẫn mẹ để họ có những phương pháp, biện pháp, nội dung giáo dục phù hợp với sự thay đổi những giá trị mới của gia đình trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Thứ tư, xây dựng mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa gia đình - nhà trường và xã hội để có sự thống nhất, đồng thuận trong thực hiện mục tiêu giáo dục trẻ em. Người cha cần cố gắng dành thời gian nhiều nhất có thể trong các cuộc họp hành, trao đổi giữa nhà trường và phụ huynh.

Thứ năm, thống nhất trong phương pháp giáo dục ở gia đình. Các bậc cha mẹ phải bàn bạc trước khi đưa ra một vấn đề với con cái. Điều đó tạo sự đồng thuận giữa cha và mẹ, giữa cha mẹ và con cái, người cha trong gia đình muốn giáo dục con tốt thì cần hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của các con. Do đó phải dành thời gian đối thoại, tìm hiểu nhiều hơn đối với con trẻ.

Thực hiện tốt những giải pháp trên, chúng ta đã góp sức để gia đình Việt Nam ngày một phát triển bền vững và cũng là cơ sở để gia đình ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng giáo dục của mình.

Thùy Chi
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL