Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 765

10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quốc gia năm 2015
Lượt đọc: 94591Thời gian: 11:19 - 01/01/2016

(VHH) - Ngày 29/12, Ban tổ chức cuộc bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu năm 2015 đã chính thức công bố kết quả bình chọn do 121 nhà báo đại diện các cơ quan báo chí toàn quốc tham gia bỏ phiếu từ ngày 24.12. Kết quả 10 sự kiện được các nhà báo bình chọn như sau:

1. Chương trình Diễu hành Nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Quốc khánh với chủ đề "Việt Nam - Khát vọng hòa bình", tôn vinh sự  đa dạng văn hóa,  khát vọng hòa bình của các dân tộc Việt Nam đã gây ấn tượng sâu đậm với người dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Quy tụ 2.500 nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ nhiều đơn vị nghệ thuật trong cả nước, Việt Nam - Khát vọng hòa bình đã tôn vinh những thành tựu văn hóa của đất nước qua các giai đoạn lịch sử. Chương trình cũng khắc họa sinh động những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và những di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình và vươn lên của cả dân tộc. 

2. Triển lãm 70 năm Thành tựu kinh tế - xã hội với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, trong đó có nhiều hiện vật thể hiện đỉnh cao thành tựu phát triển của đất nước trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội... lần đầu tiên được trưng bày.

Là sự kiện mang tầm vóc quốc gia, Triển lãm 70 năm Thành tựu kinh tế-xã hội do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, đã thu hút sự tham gia của 27 Bộ, ngành và 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Mang tinh thần “màu cờ sắc áo”, các Bộ, ngành, địa phương đã đưa tới cuộc trình diễn này hàng trăm hình ảnh, tư liệu, hiện vật độc đáo; đặc biệt là các trưng bày, trình diễn mang tính đặc thù của các Bộ, ngành cũng như khắc họa diện mạo, bản sắc văn hóa  của các địa phương. Nhiều hiện vật lần đầu tiên được trưng bày phục vụ đông đảo người xem như dàn xe đặc chủng của Bộ Quốc phòng; các hình ảnh, tư liệu về hoạt động đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; các không gian văn hóa vùng miền như dân ca Quan họ Bắc Ninh, xẩm Hà thành, ca Huế, đờn ca Tài tử Nam Bộ…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Lễ khai mạc. Trong thời gian diễn ra triển lãm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và hàng vạn du khách trong nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng.

3. Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) lần thứ hai được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới và là di sản Thiên nhiên Thế giới duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm này đạt 3 tiêu chí  về đa dạng sinh học. 

Ngày 3/7/2015, tại TP Bonn, CHLB Đức, Kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức ghi danh lần thứ hai Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào Danh mục Di sản Thế giới với tiêu chí bổ sung về đa dạng sinh học. Trong số 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam, đây là di sản đầu tiên được UNESCO công nhận tiêu chí về đa dạng sinh học có giá trị nổi bật toàn cầu (tiêu chí IX và X). Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới lần thứ nhất vào năm 2003 với tiêu chí VIII về địa chất - địa mạo. 

4. UNESCO ghi danh Di sản đa quốc gia Nghi lễ và trò chơi Kéo co (Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines và Campuchia) tại Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia xây dựng thành công hồ sơ di sản đa quốc gia.

Ngày 02/12/2015, tại Phiên họp Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO diễn ra tại TP Windhoek, nước Cộng hòa Namibia, Di sản Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây là hồ sơ di sản đa quốc gia đầu tiên Việt Nam tham gia đệ trình và được UNESCO ghi danh. Việc ghi danh này thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của UNESCO đối với cách tiếp cận mới của các quốc gia trước các di sản có chung đặc trưng cũng như sự chung tay bảo vệ di sản của các quốc gia thành viên.

5. Lần đầu tiên Nhà nước công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, vinh danh các báu vật nhân văn sống trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Sau nhiều năm nghiên cứu, thống nhất tiêu chí xét tặng danh hiệu cho các nghệ nhân, năm 2015 đánh dấu việc lần đầu tiên Chủ tịch nước đã ký các quyết định công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây là sự vinh danh cần thiết đối với các báu vật nhân văn sống-những con người đã bền bỉ, gìn giữ, truyền lửa từ những di sản văn hóa quý báu của dân tộc qua nhiều thế hệ. Sự vinh danh này đồng thời cũng là sự công nhận của Nhà nước và toàn xã hội  đối với những đóng góp của các nghệ nhân, là động lực để các nghệ nhân có thêm sức mạnh gắn bó hơn nữa với các hoạt động gìn giữ, trao truyền  di sản văn hóa dân tộc. 

6.  Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh  trở thành bộ phim đầu tiên của mô hình Nhà nước đầu tư, tư nhân sản xuất tạo được tiếng vang về chất lượng nghệ thuật, hiệu ứng xã hội và hiệu quả kinh tế.

Với thành công vang dội về doanh thu cùng 4 giải thưởng quan trọng dành cho phim truyện điện ảnh tại LHP VN lần thứ 19:  Phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc, Quay phim xuất sắc và Phim dự thi hay nhất do khán giả bình chọn, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là hiện tượng hiếm thấy của điện ảnh VN có được sự thừa nhận của giới chuyên môn cũng như sự hưởng ứng của công chúng. Thành công của bộ phim đã góp phần đáng kể làm thay đổi nhận thức của xã hội về dòng phim do Nhà nước đặt hàng, tài trợ và là minh chứng cho thấy sự  đúng  đắn và hiệu quả của chủ trương hợp tác trong lĩnh vực điện ảnh giữa Nhà nước và các hãng phim tư nhân.

7. Chính phủ ban hành các Nghị quyết miễn thị thực có thời hạn cho công dân 6 nước châu Âu vào Việt Nam, tạo bước đột phá cho ngành du lịch trong việc phát triển thị trường trọng điểm khách có mức chi tiêu cao.

Trước bối cảnh cực kỳ khó khăn của ngành Du lịch  từ giữa năm 2014 đến gần hết năm 2015, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết miễn thị thực đơn phương cho công dân 6 nước Châu Âu (Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha và Belarus) tới du lịch Việt Nam từ 01/7/2015. Những nước được miễn thị thực lần này chủ yếu là những thị trường khách quốc tế trọng điểm của Việt Nam. Đây là kết quả của việc Bộ VHTTDL phối hợp với các Bộ, ngành kiên trì kiến nghị Chính phủ quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng du lịch trở lại sau nhiều tháng lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm. Một trong những giải pháp hàng đầu được đề xuất là miễn thị thực đơn phương cho các thị trường du lịch truyền thống, trọng điểm và đơn giản hóa các thủ tục thị thực, cấp thị thực điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu, không tăng phí visa... Quyết tâm này đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, tăng cường khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực. 

8. ABC News - Kênh truyền hình Mỹ có độ phủ sóng toàn cầu thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp Good morning America từ hang Sơn Đoòng và hang Én (Quảng Bình) với thời lượng 90 phút, ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế.

Hơn 6 triệu thuê bao của Đài ABC có thể xem trực tiếp và hàng triệu người khác có thể xem trên các nguồn khác (trang website abc.go.com; youtube.com) chương trình này. Việc được một đài truyền hình lớn của Mỹ có sức phủ sóng toàn cầu lựa chọn để làm chương trình quảng bá dự báo sẽ tạo ra làn sóng mới khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam chiêm ngưỡng hang động kỳ vĩ nhất thế giới. Chỉ một tuần sau chương trình này, những hình ảnh của hang Sơn Đoòng đã xuất hiện trong clip quảng cáo phim bom tấn Peter Pan của hãng Wanner Bross, thu hút hơn chục triệu lượt truy cập. Các nhà làm phim King Kong 2 của Hollywood cũng đưa hang động này vào “tầm ngắm” làm bối cảnh cho phim.

9. SEA Games 28 là kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử Thể thao Việt Nam khi  lần đầu tiên các môn Olympic đóng góp tới 87% tỉ lệ các môn đoạt Huy chương Vàng.

Tại SEA Games 28 năm 2015 (Singapore), Thể thao Việt Nam đoạt tổng cộng 186 huy chương các loại. Đặc biệt có tới 64 Huy chương Vàng đến từ các môn Olympic trong tổng số 73 Huy chương Vàng, chiếm tỉ lệ 87%. Đây là kỳ SEA Games thành tích đạt được từ các môn Olympic tăng đột biến, tới 23% so với SEA Games 27, tăng 25% so với SEA Games 26 và tăng 32% so với SEA Games 25.

Thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam đã tạo được  hiệu ứng xã hội, được dư luận đánh giá cao. Với kết quả đó Đoàn đã được Chủ tịch nước gặp mặt, biểu dương; nhiều doanh nghiệp quan tâm tài trợ.

10. Ánh Viên vào top 5 nữ kình ngư xuất sắc nhất châu Á, được báo chí quốc tế mệnh danh "Cô gái thép".

Với thành tích 8 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng và 8 lần phá kỷ lục SEA Games 28 tại Singapore, Ánh Viên đã được báo chí quốc tế mệnh danh là "Cô gái thép". Ánh Viên cũng là vận động viên đầu tiên của thể thao Việt Nam được truyền thông quốc tế và khu vực Đông Nam Á săn đón và nhận được sự yêu mến của cổ động viên.

Năm 2015 cũng tiếp tục ghi nhận sự thành công của Ánh Viên trên đấu trường quốc tế. Với 15 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng, Ánh Viên đã giành quyền tham dự Olympic 2016 tại Brazil với 3 chuẩn A, trong đó giành 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng giải Bơi Cúp thế giới tại Nga và Pháp; giành 7 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc tại giải vô địch các nhóm tuổi Châu Á tại Thái Lan...

Đặc biệt Ánh Viên đã có mặt trong top 5 nữ kình ngư xuất sắc nhất của Châu Á do Tạp chí Bơi lội nổi tiếng của Mỹ Swimswan  bầu chọn.

BM
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL