Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 4.843

Khai mạc Ngày hội áo dài và Lễ hội ẩm thực Huế năm 2020
Lượt đọc: 14360Thời gian: 07:50 - 19/12/2020

(VTH) - Tối ngày 18/12, tại Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Ngày hội áo dài và Lễ hội ẩm thực Huế năm 2020 (Ngày hội) đã chính thức khai mạc.

Tham dự buổi lễ có Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên, cùng dự có các đồng chí lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Nguyễn Nam Tiến, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng ban Tổ chức Ngày hội; ông Phan Thiên Định - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế; ông Phan Thanh Hải - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó BTC Ngày hội; ông Đinh Mạnh Thắng Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Phó BTC Ngày hội; cùng dự còn có lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, thành phố Huế, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, các nghệ nhân, nghệ sĩ…

Phát biểu khai mạc ngày hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức Ngày hội Nguyễn Thanh Bình cho biết: Huế - Thuận Hóa - Phú Xuân từng là Thủ phủ của xứ Đàng Trong vào thời các Chúa Nguyễn, là Kinh đô triều đại Tây Sơn và Nhà Nguyễn, là nơi hội tụ các giá trị văn hóa tinh túy, đặc sắc nhất của cả nước từ khoa học kỹ thuật đến hội họa, âm nhạc, kiến trúc, văn học, nghệ thuật... Trong đó, Áo dài và Ẩm thực là những giá trị văn hóa, di sản tiêu biểu, đặc sắc của vùng đất Cố đô Huế và của dân tộc Việt Nam.

Ngược dòng thời gian, theo sử liệu, xứ Đàng Trong (1558 - 1777), năm 1744, sau khi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, cải cách bộ máy, định chế triều phục, chiếc Áo dài trên đất Huế được chú trọng, trân quý và trở trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong. Từ năm 1826 đến năm 1837, vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước; từ đó, chiếc Áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc và trở thành quốc phục của nước Đại Nam. Để Áo dài Huế có thể tồn tại và phát triển như hôm nay, không thể không nhắc đến sự đóng góp của các thế hệ nghệ nhân, cùng đội ngũ thợ may chuyên nghiệp, tài hoa qua các thời kỳ, họ đã tạo ra những sản phẩm Áo dài tinh tế, sắc sảo, góp thêm những món quà lưu niệm trang trọng, chứa đựng những giá trị văn hóa độc đáo không thể thiếu cho những ai mỗi khi đến thăm Cố đô Huế.

Bên cạnh đó, Huế còn là một vùng đất có khoảng hơn 1.000 món ẩm thực Việt Nam, bao gồm: Ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình và ẩm thực chay. Mỗi thực đơn ngự thiện của các vua triều Nguyễn có trên vài chục món thuộc loại cao lương mỹ vị, được chuẩn bị và tổ chức rất công phu, tỉ mỉ, cầu kỳ. Các món ăn dân dã thì rất phổ biến trong quần chúng với thực đơn phong phú hàng trăm món được các nghệ nhân, nhà nội trợ Huế chế biến khéo léo, thông minh với kỹ thuật nấu nướng tài ba, hương vị quyến rũ, màu sắc hấp dẫn và nghệ thuật bày biện rất đẹp mắt, tinh tế đã bao lần níu giữ bao nhiêu thực khách khi đến Huế.

Nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy vị trí, vai trò Áo dài truyền thống Huế, Ẩm thực Huế trong đời sống văn hóa Huế từ xưa đến nay, tôn vinh những nghệ nhân may, nghệ nhân ẩm thực là những người ngày đêm gìn giữ và phát huy các giá trị di sản; tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ định kỳ tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh truyền thống Áo dài Huế, Áo dài Việt Nam, ẩm thực Huế... Ngày hội lần này là bước khởi đầu và động thái cụ thể trong tiến trình xây dựng hồ sơ công nhận Áo dài Huế và Ẩm thực Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới. Thông qua Ngày hội để khẳng định Huế là cái nôi, nơi khởi nguồn của Áo dài Việt Nam, nơi còn lưu giữ những giá trị tinh túy của ẩm thực cung đình và dân gian, góp phần xây dựng thành công thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài, Kinh đô Ẩm thực Việt Nam; đây là một trong những nội dung góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị với nội dung trọng tâm xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Phát biểu tại chương trình, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định áo dài không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà còn mang tới cho bạn bè quốc tế sự ngưỡng mộ. Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế diễn ra sau trong bối cảnh ngành du lịch đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình, sự kiện để phục hồi hoạt động, vượt qua khó khăn do COVID-19. Ngày hội là dịp tái khẳng định Huế là kinh đô ẩm thực và áo dài của Việt Nam, là nơi còn lưu giữ các giá trị đặc trưng của áo dài và ẩm thực Việt Nam và là nguồn cảm hứng trong việc sáng tạo, nâng cao giá trị của áo dài và ẩm thực. Đây là hoạt động để Thừa Thiên Huế từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam và Kinh đô ẩm thực Việt Nam; đồng thời thúc đẩy phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ gắn với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Tại đêm Khai mạc, đồng chí Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, mặc dù trong thời tiết không được thuận lợi, nhưng với tình yêu quê hương, đất nước; mong muốn được tôn vinh, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản về áo dài cũng như ẩm thực Huế, chương trình đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách nước ngoài. Đồng chí cũng cho biết, Ngày hội được diễn ra từ 18-20/12 là chuỗi các hoạt động hấp dẫn như nghi thức quảng diễn Ngày hội Áo dài Huế 2020 và biểu diễn nghệ thuật truyền thống trên các tuyến phố; chương trình nghệ thuật trình diễn Áo dài truyền thống Huế với các bộ sưu tập của nghệ nhân, nhà thiết kế, nhà may Áo dài xứ Huế; không gian trưng bày Áo dài truyền thống, giới thiệu các bộ sưu tập Áo dài truyền thống; không gian trưng bày các gian hàng, thao diễn nghề may thêu, trang trí áo dài của những nghệ nhân, nhà thiết kế… Ngoài ra, trong chương trình Ngày hội sẽ tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Áo dài truyền thống trong đời sống đương đại” tại Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế với nội dung về Kinh nghiệm lan tỏa Áo dài ngũ thân trong cộng đồng, xu hướng phát triển để phù hợp với đối tượng và thời đại và việc tôn vinh và xây dựng hồ sơ di sản văn hóa.

Riêng chương trình Lễ hội Ẩm thực Huế 2020 sẽ được kéo dài đến 23/12 với 50 - 60 gian hàng ẩm thực của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tham gia giới thiệu tinh hoa ẩm thực dân gian, truyền thống, cung đình, ẩm thực chay... Tại đây sẽ có hoạt động trình diễn chế biến món ăn, quảng bá nét độc đáo của văn hóa ẩm thực Huế.

Trong chương trình khai mạc ngày hội với các màn trình diễn áo dài đặc sắc của các nhà thiết kế nổi tiếng như Quang Hòa, Hạnh Mai, Trần Thiện Khánh, Việt Hùng, Nguyễn Lan Vy, Viết Bảo, nghệ nhân Năm Tuyền… cùng chương trình nhảy flashmod của hàng trăm người đem đến không khí vui tươi phấn khởi cho các đại biêu tham dự, người dân, du khách.

svhtt.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL