Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 17.300

Phong Điền thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Lượt đọc: 7193Thời gian: 09:35 - 22/09/2021

VHH - Thời gian qua, các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn huyện Phong Điền đã thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công, gia đình chính sách; huy động các nguồn lực xã hội tham gia giúp đỡ, hỗ trợ cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trên địa bàn, giúp cho họ bớt đi những khó khăn trong cuộc sống.

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, cán bộ, viên chức và người lao động Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phong Điền đã tham gia thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Bằng những việc làm cụ thể đã góp phần cùng với các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Một trong các hoạt động được duy trì thường xuyên đó là công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Chăm lo phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Từ năm 2015, NHCSXH huyện Phong Điền được sự ủy quyền của NHCSXH và chi nhánh Thừa Thiên Huế đã thường xuyên chăm lo phụng dưỡng 02 Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), đó là mẹ Hoàng Thị Ẩm và mẹ Hoàng Thị Ký  ở xã Phong Hiền.

Mẹ VNAH Hoàng Thị Ký đã từ trần vào tháng 4/2021. Sinh thời, mẹ Ký có ước nguyện rằng: “Mẹ rất mong Đảng, Nhà nước và các con làm cho mẹ con đường bê tông, dù nhỏ cũng được để khi mưa gió, bão lụt các con, các cháu lui tới hương khói cho mẹ và các anh thuận tiện hơn, khỏi phải sình lầy, vất vả... ”. Thực hiện ý nguyện đó, qua Thư ngỏ của gia đình, vào ngày 23/8/2021, tập thể cán bộ, nhân viên và người lao động NHCSXH huyện Phong Điền đã quyên góp và ủng hộ số tiền 5 triệu đồng để hỗ trợ thêm kinh phí cùng với địa phương để làm con đường bê tông vào nhà mẹ VNAH Hoàng Thị Ký.

Chị Lê Thị Gái (con gái mẹ VNAH Hoàng Thị Ký) xúc động chia sẻ: “Một con đường bê tông như ước nguyện của mẹ đã thành hiện thực, nhưng chỉ tiếc một điều là mẹ tôi đã không còn để được ngắm nhìn và đi một lần trên con đường mới này...”.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Phong Điền cho biết: “Mỗi một cán bộ, viên chức và người lao động NHCSXH huyện Phong Điền luôn nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của công tác đền ơn đáp nghĩa. Hàng năm, NHCSXH huyện đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như tặng quà cho các đối tượng chính sách, phụng dưỡng Bà mẹ VNAH... thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”; đồng thời, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo cho những gia đình có công với đất nước, nhất là những gia đình Mẹ VNAH, gia đình thương binh, liệt sĩ. Qua đó, đã phần nào sẻ chia những hy sinh, mất mát đối với các thân nhân gia đình liệt sĩ, các thương, bệnh binh và người có công với cách mạng”.

 “NHCSXH là một Doanh nghiệp Nhà nước đặc thù hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được thành lập để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến thời điểm hiện tại, NHCSXH huyện Phong Điền đã triển khai 16 chương trình vay vốn trên địa bàn huyện với tổng dư nợ hơn 412 tỷ đồng, trong 8 tháng đầu năm 2021, đã có 2.663 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư, phát triển sản xuất, chủ động vươn lên, ổn định cuộc sống và làm giàu chính đáng. Bên cạnh hoạt động chuyên môn, các hoạt động thiện nguyện hướng về cộng đồng; hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19... đã trở thành một trong những nét đẹp được duy trì và phát huy mạnh mẽ tại NHCSXH nói chung và NHCSXH huyện Phong Điền nói riêng”, ông Lê Văn Tuấn, thông tin thêm.

Tri ân những người hy sinh vì nước đã trở thành một nét đẹp nhân văn của dân tộc ta. Những việc làm đó còn có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về một thời oanh liệt của đất nước, về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Dù kinh tế đất nước hiện gặp khó khăn, nhất là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa vẫn” vẫn diễn ra bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. 

Thấm nhuần sâu sắc đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực hiện lời dạy ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”. Người chỉ rõ: Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó đã ốm yếu. Vì vậy, “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ những người anh dũng ấy”. Đó là sự thể hiện nghĩa cử truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Hoàng Văn Thái, cho biết: “Xác định chăm lo cho người có công, gia đình chính sách không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là nghĩa cử cao đẹp của thế hệ hôm nay đối với những người đã hi sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường vì độc lập dân tộc. Những năm qua, các cấp chính quyền trên địa bàn huyện Phong Điền luôn quan tâm giải quyết kịp thời các chế độ đối với người có công; tuyên truyền, vận động các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và cán bộ công nhân viên chức tích cực quan tâm, chia sẻ, động viên bằng cả vật chất và tinh thần đối với người có công, gia đình chính sách trên địa bàn. Tăng cường công tác phối hợp rà soát đối tượng người có công, những người còn hồ sơ chưa hoàn chỉnh để đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận”.

Sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, đồng thời còn bắt nguồn khởi xướng từ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nên đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia với một trách nhiệm và tình cảm sâu sắc. Bằng những việc làm thiết thực, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa dân tộc. Phong trào đã và đang phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều hình thức phong phú như: áo lụa tặng bà; áo ấm tặng mẹ; phụng dưỡng Bà mẹ VNAH; xây dựng nhà tình nghĩa; xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa... đã làm rực sáng đạo lý, nghĩa cử cao đẹp của toàn dân tộc. Các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành những hoạt động xã hội sôi nổi thường xuyên, mang đậm giá trị nhân văn. Những việc làm đó thể hiện rõ nhất ý Đảng lòng dân, là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy, phát triển, phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát, giúp các gia đình liệt sĩ, thương binh vượt qua đau thương, nỗ lực phi thường, không ngừng vươn lên trong cuộc sống, công tác để tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước.

“Những hành động thiết thực, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng có ý nghĩa giáo dục truyền thống, mang tính nhân văn sâu sắc, đồng thời vừa là động lực tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để xây dựng huyện Phong Điền ngày càng phát triển”, ông Hoàng Văn Thái, khẳng định.    

Tiến Dũng - HU
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL