Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 39.025

Quảng bá áo dài truyền thống tại Liên hoan phim Việt Nam
Lượt đọc: 29479Thời gian: 19:09 - 08/11/2021

VHO- Các chương trình do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII (diễn ra từ ngày 18 đến 20.11 tới) sẽ góp phần quảng bá văn hóa, con người và vùng đất xứ thần kinh. Trong đó, hướng đến lan tỏa sâu rộng đề án “Huế- Kinh đô Áo dài Việt Nam” mà tỉnh đang xây dựng.

Người Huế mặc áo dài ngũ thân. Ảnh: Khánh Nikon

Trải nghiệm áo dài ngũ thân, check-in bối cảnh phim trường

Mới đây, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng các chương trình trải nghiệm, khám phá du lịch Huế xanh- an toàn, giành cho các đại biểu đến Huế dự Liên hoan phim (LHP). Trong đó, có chương trình khám phá bối cảnh phim trường ở Huế cùng áo dài ngũ thân, và di chuyển bằng xe điện thân thiện với môi trường. Dự kiến, chương trình này sẽ phục vụ tối đa 100 đại biểu. Theo đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, đơn vị này đã họp bàn và liên hệ với cơ sở áo dài Quang Hòa (đường Huỳnh Thúc Kháng, TP.Huế) để có sự chuẩn bị chu đáo về phục trang cho 100 vị du khách nói trên.

Dịch vụ trải nghiệm áo dài ngũ thân và check-in các danh lam, thắng cảnh của Huế đã được nhiều bạn trẻ hưởng ứng tích cực. Ảnh: Khánh Nikon

Trong 2 năm trở lại đây, khi tỉnh Thừa Thiên Huế khởi động cho việc xây dựng đề án “Huế- Kinh đô Áo dài Việt Nam”, nhiều cơ sở thiết kế, may đo áo dài đã cùng hưởng ứng tích cực. Đặc biệt, một số cơ sở đã tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi các nghệ nhân xưa để từng bước phục hồi lại áo dài ngũ thân của ông cha. Có thể nói, nhà thiết kế Quang Hòa là một trong những người cùng đồng hành với ngành văn hóa, ngành du lịch Thừa Thiên Huế, tham gia khôi phục và quảng bá hình ảnh áo dài ngũ thân truyền thống đến cộng đồng.

Trao đổi với phóng viên, nhà thiết kế Quang Hòa thông tin, rất sẵn sàng và vinh dự khi được Sở Du lịch kết nối để được “phục vụ” những nghệ sĩ, diễn viên và đại biểu dự LHP với phục trang áo dài ngũ thân. Với 100 đại biểu, cơ sở của chúng tôi đủ các mẫu đã thiết kế có sẵn; tuy nhiên, tùy vào kích cỡ của các đại biểu tham gia, nếu không đủ size thì chúng tôi có thể phối hợp, kết nối thêm với các đơn vị khác chuyên áo dài ngũ thân tại Huế, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tốt nhất. Trong các đợt kích cầu du lịch của tỉnh vừa qua, chúng tôi cũng đã phục vụ nhiều đoàn khách về áo dài ngũ thân để tham quan Huế. Và các đại biểu, du khách đã có những phản hồi rất tốt.

Nhiều mẫu áo dài ngũ thân sẽ phục vụ cho các đại biểu dự LHP trải nghiệm tham quan bối cảnh trường quay ở Huế. Ảnh: S.Thùy

Trước khi bước vào con đường thiết kế và may đo áo dài ngũ thân trong 2 năm qua, thì nhà thiết kế Quang Hòa cũng là một trong những nhà thiết kế áo dài có tiếng tại Huế. Anh từng có bộ sưu tập được trình diễn tại Festival Huế vào năm 2002.

Hiện nay, cơ sở của anh có 5 thợ may đo chuyên nghiệp, chủ yếu tập trung may đo áo dài ngũ thân. Không chỉ là những đơn đặt hàng của khách trong tỉnh, trong nước, mà cơ sở Áo dài Quang Hòa còn nhận đơn từ những vị khách xa xôi ở Mỹ, ở Úc… “Có gia đình “tam đại đồng đường” gốc Việt ở Mỹ vẫn liên lạc về để đặt may đến hơn chục bộ áo dài ngũ thân. Qua đó, để thấy rằng rất nhiều người Việt Nam rất mong muốn bảo tồn và lan tỏa áo dài truyền thống của đất nước mình”- nhà thiết kế Quang Hòa kể.

Nhà thiết kế Quang Hòa kiểm tra các họa tiết được thêu trên áo dài ngũ thân. Ảnh: S.Thùy

Tại cơ sở may đo của Áo dài Quang Hòa, mỗi bộ áo dài ngũ thân (cả nam và nữ) có giá trung bình từ 1,8 triệu đến 3 triệu đồng; nếu chọn chất liệu vải cao cấp thì mức giá sẽ cao hơn. Đây là mức giá không quá cao đối với khách du lịch, bởi phần lớn các công đoạn để hoàn chỉnh một bộ áo dài ngũ thân là làm bằng thủ công. 

Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo sẽ mặc áo dài tham gia các sự kiện tại LHP

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, thành viên Ban Chỉ đạo LHP cho biết, một trong 5 điểm mới của LHP Việt Nam lần thứ XXII được tổ chức tại Huế là xác định lại các giá trị truyền thống và tôn vinh áo dài. Vì vậy, Ban Tổ chức đã rất quan tâm đến việc làm nổi bật “điểm mới” này, bởi đây cũng là cơ hội rất tốt để địa phương quảng bá thương hiệu “Huế- Kinh đô Áo dài Việt Nam” mà chúng tôi đang nỗ lực triển khai.

Một đoàn du khách trải nghiệm áo dài ngũ thân và tham quan Huế bằng xe xích lô (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: S.Thùy

Theo ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế, sẽ có nhiều chương trình, hoạt động về quảng bá và tôn vinh áo dài vào trước và trong thời gian diễn ra LHP. Cụ thể, Sở VHTT sẽ phát động tuần lễ “Người Huế mặc áo dài” từ ngày diễn ra LHP đến ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (dự kiến từ ngày 17 đến 23.11), khuyến khích người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở Thành phố Huế mặc áo dài để tham gia các sự kiện và đi làm, như cán bộ công sở, tiểu thương các chợ, giáo viên và cán bộ ngành giáo dục, ngành văn hóa thể thao, du lịch…

Thực hiện đính hạt cườm trên những mẫu áo dài ngũ thân. Ảnh: S.Thùy

Trong khuôn khổ của LHP, sẽ có đêm nghệ thuật “Áo dài và điện ảnh”, được tổ chức vào tối ngày 18.11 tại Học viện Âm nhạc Huế và sẽ mời các đại biểu dự LHP tham dự. Ngoài ra, chương trình “Áo dài cộng động” cũng sẽ được ngành văn hóa cùng nhiều cơ quan, đơn vị phối hợp tổ chức tại các công viên, điểm công cộng dọc hai bờ sông Hương, như: Bia Quốc Học, cầu đi bộ gỗ lim bờ Nam sông Hương, cầu bán nguyệt ở bờ Bắc sông Hương…

“Để tăng hiệu ứng quảng bá về áo dài Huế, các thành viên của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và Ban Giám khảo của LHP cũng sẽ mặc áo dài khi tham gia các sự kiện, đặc biệt là sự kiện: họp báo công bố khai mạc LHP vào sáng 18.11 tại khách sạn Silk Path; chương trình bế mạc và trao giải tối 20.11 tại Nhà hát sông Hương”- ông Phan Thanh Hải thông tin.

 

 

 

 

 

SƠN THÙY (Theo VHO)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL