Theo các tư liệu lịch sử, Lễ hội đèn Quảng Chiếu bắt đầu từ thời Lý, kéo dài cho tới thời Trần. Lễ hội Đèn Quảng Chiếu mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật và mang tính đại chúng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, triều đại nhà Lý, Trần rất sùng đạo Phật nên mục đích mở Hội đèn Quảng Chiếu của nhà vua là để “quảng chiếu” ánh sáng từ bi, bác ái của đạo Phật không chỉ cho nhà vua, triều đình mà còn cho muôn dân, kể cả các nước láng giềng, mong cho quốc thái dân an, thái bình thịnh trị (đem lại hòa bình, hạnh phúc cho mọi người).
Việc tổ chức Lễ hội Quảng Chiếu lần này là kết tinh tâm nguyện tha thiết của Tăng Ni, Phật tử Thừa Thiên Huế cầu mong đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp, thế giới thoát nạn binh đao, chúng sanh an lạc, hạnh phúc.
Lễ hội Quảng Chiếu sẽ được tổ chức vào tối ngày 01/5, tại công viên Thương Bạc, bao gồm nghi lễ cầu nguyện kết hợp trình diễn vũ khúc Lục cúng hoa đăng và phóng sanh đăng (18h00: Cử hành nghi lễ An vị đàn tràng, 20h00: Lễ hội chính thức). Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động: Triển lãm cổ vật với chuyên đề "Di sản văn hóa nghệ thuật cổ Phật giáo và Hindu giáo khu vực phía Nam" và ẩm thực chay với chủ đề "Môi trường hiền thiện - cuộc sống hạnh phúc" diễn ra từ ngày 29/4 - 04/5 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (15h30: Khai mạc triển lãm, 16h00: Khai mạc Ẩm thực chay).
Được biết, sẽ có 4 cây thiên đăng được cố định cách mặt đất 30m, 9 ngọn địa đăng, 710 thủy đăng tượng trưng cho 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế được thực hiện trong lễ hội này, cùng với các nội dung về nghi lễ đặc thù theo phong cách nghi lễ - tín ngưỡng Phật giáo.