Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 46.305

Hỗ trợ các thủ tục để ghi danh áo dài vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia
Lượt đọc: 6013Thời gian: 14:59 - 18/10/2022

(VTH) - Ngày 15/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội". Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hoá phi vật thể quốc gia.

Tại Hội nghị có hơn 300 đại biểu tham dự tại điểm cầu trung tâm tại Hà Nội và trên 5.000 cán bộ, hội viên phụ nữ, các nữ doanh nhân, nữ trí thức, phụ nữ lực lượng vũ trang, phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực tham gia tại các điểm cầu.

Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã giải đáp các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu về 3 nhóm chủ đề: Phụ nữ với phát triển kinh tế; Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; Phụ nữ và thế hệ tương lai.

Mỗi người phụ nữ Việt Nam là một bông hoa đẹp

Phát biểu kết luận cuộc đối thoại, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi tới các mẹ Việt Nam anh hùng, các bà, các chị và tất cả phụ nữ Việt Nam lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp Ngày phụ nữ Việt Nam (20/10).

Thủ tướng: Hỗ trợ các thủ tục để ghi danh áo dài vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam ngày 15/10 - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi người phụ nữ Việt Nam là một bông hoa đẹp, lan tỏa tình yêu thương, nhân ái, sự ấm áp và khát vọng cống hiến trong gia đình và xã hội. Trong đó, hình ảnh người mẹ có lẽ là biểu tượng cao đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam, là người nuôi dưỡng, dẫn dắt cảm xúc, hành động và là tượng đài của mỗi chúng ta.

Đó là biểu tượng của đức hy sinh, sự hiền hậu, đảm đang như câu nói đầy ý nghĩa: "Vì con sống, mẹ suốt đời lam lũ - Vì con vui, mẹ gánh hết đau buồn". Truyền thống tốt đẹp đó luôn được gìn giữ, phát huy qua các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đã dành 8 chữ vàng tặng phụ nữ Việt Nam: "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang".

Cơ bản thống nhất với các ý kiến phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung, trước hết là về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế. "Khi nói đến phụ nữ người ta hay gọi là "phái yếu" bởi sự tinh tế, dịu dàng, nhẹ nhàng và hiền hậu… Nhưng ẩn sâu trong sự yếu đuối đó, tôi muốn nhấn mạnh "sức mạnh mềm, sức mạnh của sự kiên cường, bền bỉ, dẻo dai, khả năng chống chịu và vượt qua khó khăn của phụ nữ", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, an sinh xã hội và bình đẳng giới là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đã ban hành nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ.

Thủ tướng: Hỗ trợ các thủ tục để ghi danh áo dài vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự tại đầu cầu Hà Nội - Ảnh: Nhật Bắc

Vấn đề liên quan đến môi trường sống và an toàn cho trẻ em là nội dung được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam rất quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cũng còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Định kiến giới và những rào cản về văn hóa, chính sách vẫn đang ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ.

Nhận thức và thực hiện về bình đẳng giới ở một số nơi còn hạn chế. Cơ chế phối hợp giữa tổ chức Hội và chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn chưa phát huy hiệu quả, nguồn lực thực hiện các chương trình để phát triển phụ nữ còn bất cập…

Hỗ trợ các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần tiếp tục nhận thức đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới; tiếp tục quán triệt một số quan điểm về công tác phụ nữ theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo đó, phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Xác định công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình; của bản thân chị em phụ nữ.

Cần chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người vợ, người bà, người thầy đầu tiên của con người. Đồng thời, xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ.

Thủ tướng: Hỗ trợ các thủ tục để ghi danh áo dài vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ ngành đối thoại với phụ nữ Việt Nam - Ảnh: Nhật Bắc

Với các nội dung đối thoại, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Phạm vi chính sách nào thuộc thẩm quyền, Chính phủ sẽ giải quyết; nếu vượt thẩm quyền, Chính phủ sẽ đề xuất với các cơ quan chức năng liên quan.

Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó, có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học…

Trong đó, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường các giải pháp để đảm bảo các chỉ tiêu, mục tiêu về công tác cán bộ nữ; cơ chế đặc thù cho cán bộ ở các thành phố lớn, nhất là những nơi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đảm bảo cho các cấp Hội phụ nữ tham gia quản lý Nhà nước; tạo điều kiện để Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh, toàn diện, hướng về cơ sở; có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội trong triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

TN (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ VHTTDL)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL