Sản xuất thủ công
Thành lập từ năm 2015, Công ty TNHH Canstudio (TP. Huế) chuyên thiết kế và sản xuất hàng TCMN, lưu niệm phục vụ du khách. Kế thừa và phát huy những kiến thức về đồ họa ứng dụng và thiết kế mỹ thuật hiện đại của hai người con hiện là giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, Nguyễn Thị Thanh Trà và Nguyễn Văn Đủ, sản phẩm đầu tay của công ty là những chiếc đèn xếp Huế được người tiêu dùng đón nhận. Từ những chiếc đèn xếp làm thủ công với nguyên vật liệu là giấy và gỗ, đến nay DN đã đầu tư máy móc hiện đại da dụng sản phẩm phục vụ thị trường và làm phong phú thêm sản phẩm TCMN Huế; đó là các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường từ lốp cao su như túi xách, ví, móc khóa và sản phẩm tranh phun sơn dầu.
Để tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa Huế, thân thiện với môi trường và giá thành hợp lý, DN đã đầu tư trên 300 triệu đồng trang bị các thiết bị hiện đại như máy in phun khổ lớn, máy in laser màu và một số thiết bị chuyên dùng. Tuy nhiên, những thiết bị này chỉ phục vụ việc sản xuất các mẫu hàng lưu niệm, TCMN đơn giản và mang tính thủ công, chưa tạo ra được những sản phẩm hiện đại có độ chính xác cao. “Có nhiều mẫu hàng được thiết kế bài bản, sắc nét song do không có máy in hiện đại, DN phải gửi vào TP. Hồ Chí Minh để in, vừa tốn chi phí vận chuyển vừa phải mất công chờ đợi, có khi cả tháng trời mới đưa được sản phẩm về Huế nên giá thành sản phẩm khá cao”, Giám đốc Công ty TNHH Canstudio Hoàng Thảo Nguyên chia sẻ.
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh cho biết: “Năm 2016, sở tập trung đẩy mạnh phát triển sản phẩm hàng TCMN, lưu niệm mang thương hiệu Huế nhằm bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống, đồng thời cạnh tranh với các sản phẩm do các tỉnh, TP khác nhập về. Trong đó, sẽ phát triển hàng TCMN theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, cải tiến mẫu mã mới và thiết kế sản xuất dựa trên các công trình kiến trúc văn hóa Huế. Vì vậy, nguồn vốn khuyến công sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ, những cơ sở mạnh dạn đầu tư sản xuất sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa hàng TCMN phục vụ du khách”.
Khuyến công tiếp sức
Trước thực trạng đó, công ty lập đề án khuyến công xin hỗ trợ vốn đầu tư thiết bị máy móc tiên tiến sản xuất mẫu hàng lưu niệm. Qua khảo sát và thẩm định, tháng 3/2016, Sở Công thương phê duyệt đề án và đồng ý giao Công ty TNHH Canstudio đầu tư máy in công nghệ 3D phục vụ sản xuất hàng TCMN. Máy in có tổng kinh phí đầu tư 200 triệu đồng, trong đó vốn khuyến công hỗ trợ 100 triệu đồng. Thiết bị đã đưa vào vận hành từ cuối tháng 4/2016 kịp sản xuất các mẫu sản phẩm phục vụ Festival Huế 2016.
Giám đốc Công ty TNHH Canstudio Hoàng Thảo Nguyên cho biết: “Trước đây, do không có máy in 3D nên để tạo ra một mẫu sản phẩm mới phải mất khá nhiều thời gian, tốn kinh phí để sản xuất thử trong khi khó đạt được độ chính xác theo tỷ lệ cân đối. Máy in 3D đưa vào vận hành đã giúp DN rất nhiều trong việc tạo ra nhiều mẫu TCMN sắc nét, có độ chính xác cao và sản xuất hàng loạt, đồng thời chủ động về mặt kích thước và làm chủ về giá thành. Thiết bị này có chức năng sản xuất mẫu, cái mà Huế đang thiếu và khách du lịch rất cần tạo nhằm tạo ra những sản phẩm quà tặng, hàng lưu niệm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, mang bản sắc văn hóa Huế nhưng giá thành không quá cao so với các sản phẩm làm thủ công”.
Theo Công ty TNHH Canstudio, từ khi đưa máy in công nghệ 3D vào vận hành, DN đã sản xuất trên 500 sản phẩm lưu niệm giá trị dựa theo các công trình kiến trúc Huế như nghê Đại Nội, lầu Ngũ Phụng, cầu Trường Tiền, chùa Linh Mụ, tượng cụ Phan Bội Châu, cửu đỉnh và kỳ đài Huế để trưng bày và phục vụ khách tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và các điểm bán hàng phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh.