Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 19.388
Họp Hội đồng khoa học thẩm định hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.
Lượt đọc: 6923Thời gian: 11:09 - 12/07/2019

(VHH)- Chiều ngày 11/7, tại 08, Lý Thường Kiệt, thành phố Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức họp Hội đồng khoa học thẩm định hiện vật và Hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Bảo tàng Lịch sử tỉnh đề xuất đối với hai hiện vật là Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” và Chóp tháp và bệ tháp Champa Linh Thái.

Hội đồng thẩm định được thành lập theo Quyết định số 131/QĐ-SVHTT ngày 08 tháng 7 năm 2019 của Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế gồm 7 thành viên, do ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao làm Chủ tịch Hội đồng.

Hiện vật được thẩm định đầu tiên là Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” do Bảo Cổ vật Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế), phối hợp với Ban trụ trì chùa Thiên Mụ đề xuất. Theo đó, hiện vật Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu tại chùa Thiên Mụ gồm 2 phần: Bia và đế bia được làm bằng đá. Bia được ghép từ hai tấm đá lớn thuộc hai loại đá khác nhau (đá cẩm thạch trắng và đá sa thạch màu xám), phần trán bia được chạm, khắc nổi các chữ Hán. Phần thâm bia được khắc chạm trổ tinh tế, tỉ mỉ hình rồng uốn lượn ẩn hiện trong mây, các hình dây lá cách điệu, hình hoa văn đắp nổi, họa tiết đệm...

Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” là một trong những hiện vật của chúa nguyễn Phúc Chu có giá trị về tư tưởng, lịch sử và văn hóa thời các chúa Nguyễn, đánh dấu một giai đoạn lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển Đàng Trong liên quan trực tiếp đến chúa Nguyễn Phúc Chu - vị chúa Nguyễn có nhiều công lao trong sự nghiệp mở mang phát triển đất nước vào thế kỷ XVIII. Bia này được tạo lập trong dịp đại trùng kiến chùa Thiên Mụ công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời và vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân. Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” hiện đang được gìn giữ và phát huy giá trị tại Chùa Thiên Mụ.

Hiện vật thứ hai là Chóp tháp và bệ tháp Champa Linh Thái, tại xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đề xuất. Hiện vật là một trong những công trình, phế tích của người Champa còn lưu lại, qua lần chuyển dời, xây dựng chùa Vinh Hòa dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, sau đó được tùng tu, sửa chữa và đổi tên thành chùa Trấn Hải dưới thời vua Minh Mạng.

Theo hồ sơ khoa học, Chóp tháp Champa Linh Thái được làm bằng đá sa thạch, màu xám nhạt, hình nón, có kích thước cao 120cm, phần cạnh đáy hình vuông, mỗi cạnh dài 74cm. Chóp tháp được chế tác bằng đá nguyên khối, lỗ mộng trên chóp tháp được chế tác các vật liệu kim loại, đá quý làm tăng tính thẩm mỹ và cũng tạo điểm sáng (như ngọn hải đăng), báo hiệu cho những thủy thủ, những con tàu xác định vị trí, tìm đường vào cửa biển. Bệ chóp tháp được làm bằng đá sa thạch, màu xám nhạt, có hình vuông, kích thước 95cm, cao 36cm. Bốn mặt Bệ được thiết kế cách điệu 8 cánh sen đang nở, đây là kiến trúc hiếm thấy, và cũng là công trình văn hóa độc đáo thuộc dạng lớn nhất trong kiến trúc đền tháp Champa, là hiện vật có giá trị lịch sử về sự tồn tại dân tộc Chăm, phát triển các kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu văn hóa Champa trên mảnh đất Thừa Thiên Huế.

Qua ý kiến góp ý của các đại biểu, đồng chí Phan Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng thẩm định kết luận: Đánh giá cao về những nghiên cứu, xây dựng hồ sơ 02 hiện vật nêu trên, để hoàn thiện hồ sơ đồng chí đề nghị 02 đơn vị cần tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền công nhận; đồng thời cần mở rộng tìm hiểu các tài liệu liên quan đến các hiện vật để cung cấp nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử của 02 hiện vật; đưa ra các giải pháp cụ thể để góp phần gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị của hiện vật trong thời gian đến.

Tại buổi họp, các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua 02 Hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền công nhận.

svhtt.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL