Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 18.344
Thúc đẩy phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam
Lượt đọc: 102304Thời gian: 16:25 - 13/04/2011

         Trong Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009) một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của ngành văn hóa là "phải Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai".

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, văn hóa đọc có thể giúp cho mỗi cá nhân có một cuộc sống trí tuệ hơn, đẹp đẽ, ý nghĩa, hạnh phúc và hài hòa hơn. Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực - nhân tố quyết định mọi thành công. Xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước góp phần đem lại cho dân tộc Việt Nam sức mạnh của trí tuệ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tính đến nay hệ thống thư viện công cộng đã phát triển từ tỉnh tới huyện và đang vươn tới nhiều xã trên toàn quốc, khắp từ Bắc tới Nam, bao gồm 64 thư viện tỉnh, 587 thư viện huyện và khoảng 10.000 thư viện và tủ sách cơ sở ở xã. Trong loại thư viện phục vụ công chúng rộng rãi còn phải kể tới 10.000 tủ sách pháp luật xã và cũng khoảng trên 10.000 điểm bưu điện văn hoá xã. Tại các vùng nông thôn Việt Nam đã có khoảng 3 vạn điểm đọc sách báo cho người dân. Qui mô của các thư viện tỉnh và huyện ngày càng được mở rộng về số lượng bản sách, nhân viên phục vụ, trụ sở thư viện và kinh phí hoạt động...
Tuy nhiên, trên thực tế thói quen đọc của người Việt Nam chưa được hình thành một cách vững chắc. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8 - 10 % dân số.
Theo thống kê, Thư viện Quốc gia Việt Nam chỉ có khoảng 30 nghìn bạn đọc thường xuyên; trong khi đó thư viện cấp tỉnh chỉ có khoảng 1 - 2 nghìn bạn đọc, cấp huyện 500 - 600 bạn đọc; thư viện/phòng đọc cấp xã khoảng 100 - 200 bạn đọc.
Số liệu đánh giá của Cục Xuất bản cho thấy, bình quân mỗi năm, một người Việt Nam đọc được 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo. Trong khi đó, theo một cuộc thăm dò do Báo Lao động tiến hành, loại sách được đọc nhiều nhất là... truyện tranh (60%), kế đến là truyện ngắn (50%), truyện dịch (35%), tiểu thuyết trong nước (30%) và thơ (20%).
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), xu hướng đọc hiện nay ít nhiều có biểu hiện lệch lạc. Giới trẻ (thanh,thiếu niên) - đối tượng chúng ta đang hướng tới xây dựng thế hệ đọc tương lai - có xu hướng đọc những chuyện tranh với những nội dung đơn giản, vô bổ, thậm chí thiếu lành mạnh, ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận, đặc biệt các sách dày, nhiều tập.
"Môi trường đọc chưa thật sự đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng, luôn thay đổi của cộng đồng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo - nơi mà trình độ dân trí còn thấp, đời sống vật chất, văn hóa nghèo nàn - rất cần đến ánh sáng tri thức, thông tin để nâng cao dân trí, để cải thiện cuộc sống của mình. Mạng lưới thư viện, tủ sách công cộng đã phát triển nhưng chất lượng tổ chức và hoạt động chưa đáp ứng được các nhu cầu đọc của người dân, đặc biệt mạng lưới thư viện cơ sở" - bà Mai cho biết thêm.
Để góp phần phát triển văn hóa đọc trong giai đoạn mới 2011 – 2020, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể như: Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển Văn hóa Đọc, trọng tâm là chính sách đầu tư phát triển thư viện, đầu tư nâng cao chất lượng công tác xuất bản, đầu tư cho giáo dục - đào tạo; Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để nâng cao nhận thức cũng như xây dựng định hướng đọc lành mạnh cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ; Đổi mới phương pháp giảng dạy - học tập trong nhà trường, gắn với yêu cầu đọc đối với học sinh, sinh viên trong việc nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, từ đó xây dựng và hình thành thói quen đọc cho học sinh ngay từ khi bắt đầu đi học;Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thư viện công, tạo môi trường Đọc thuận lợi để khuyến khích Đọc; Nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm, góp phần xây dựng thị hiếu đọc lành mạnh cho cộng đồng; và đẩy mạnh xã hội hóa huy động mọi nguồn lực của xã hội nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng và phát triển văn hóa đọc…
Nhằm tôn vinh sách và quảng bá cho văn hóa đọc cũng như bảo vệ quyền lợi của những người làm sách chân chính, vào ngày Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4/2011 tới đây, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Ngày hội Đọc sách.
Tại ngày này, tất cả bạn đọc và những người yêu sách đều có thể tham gia Ngày hội Đọc sách Việt Nam 2011. Sẽ có nhiều cuộc thi được tổ chức trong Ngày hội Đọc sách 2011 như: Thi nghệ thuật xếp sách; Thi vẽ tranh theo sách; Thi tìm hiểu kiến thức qua sách báo; Thi đọc và viết thu hoạch về cuốn sách em yêu thích; Thi hùng biện về cuốn sách yêu thích… Các Cuộc thi sẽ có Ban Giám khảo chấm điểm và chính thức trao giải thưởng.
Bên cạnh đó, tại Ngày hội còn diễn ra các hoạt động: Thuyết trình về Văn hóa đọc và kỹ năng đọc sách siêu tốc; Triển lãm sách, giới thiệu hoạt động của thư viện; Tặng sách Giờ Vàng cho các thư viện khó khăn và bạn đọc…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện, "Ngày hội Đọc sách Việt Nam 2011" với chủ đề "Đọc sách cho ngày mai" sẽ là điểm nhấn và cũng là bước khởi đầu cho các hoạt động nâng cao và tôn vinh văn hóa đọc ở Việt Nam trong giai đoạn 2011- 2015 và 2011 - 2020.
Theo cinet.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL