Thoáng màu sen
Lượt đọc: 103814Thời gian: 17:05 - 18/07/2016

(VHH) - Những ngày tháng bảy này, trong muôn vàn sắc xanh của Huế, lại tươi mươi một màu xanh mới của dáng hình cũ, như là một màu xanh đã thuộc về tiềm thức, từng khắc vào tâm khảm Huế, từng khắc vào bao ước mơ và hoài vọng, khắc vào bao kỷ niệm xưa, khắc vào những màu chiều xa thẳm nỗi ngày: Lá sen xanh.

Vài năm trước, sen trong Hộ Thành hào Thành Nội lụi tàn bất như ý, nó khiến bao trái tim thổn thức bởi không ai có thể hình dung rằng, các hồ nước Thành Nội Huế lại không có dáng sen. Những ngày tháng đó, mặt nước buồn se sắt, lan cả vào ánh mắt hoài trông của du khách, vì không có sen.

Mùa hạ này, lá sen xanh dậy lên những mặt nước Hộ Thành hào, những lá sen như những chiếc nôi mềm lay động trong gió, nâng niu những đóa sen tinh khôi e ấp. Mà sen ấy lại là sen trắng, loài sen tinh khiết nhất, như màu trắng học trò hồn nhiên một thưở, như những tia mắt nắng ban mai, như màu áo câu thơ của thi sĩ Nguyệt Đình: “Áo nàng như nước sông Hương/Thơm sen hồ Tịnh mát đường Kim Long”. Trong cõi đất trời siêu thực Huế, không có màu nào hợp với không gian ấy như màu sen trắng.

Hiểu được lẽ tri ngộ ấy, giống sen hồng có sức sống rất mạnh mẽ song không phù hợp lắm với Huế đã được thay thế bằng sen trắng. Và kết quả là, giữa mùa hè nóng bức này, những bông sen trắng trồi lên trên mặt nước bùn lầy, tỏa sắc dịu dàng tinh tế, tỏa hương thơm nhẹ nhè trong mỗi ban mai, như nhắc lại câu ca dao xưa: “Nhụy vàng bông trắng lá xanh, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”...

Chao ôi, cái chữ “bùn”. Cũng từ bùn lầy xứ Huế, xưa đất này có giống lúa địa phương rất quý, nay đã không còn, tên gọi là lúa Câu, cho một màu cơm trắng ấm lòng. Đây là giống lúa có chu kỳ sinh trưởng cực ngắn, chỉ 40 ngày, giúp người dân qua được bao mùa hạn hán, lụt lội, qua cả đoạn trường “lúa vang vang đói vàng con mắt”...

Trong làn sương trắng, trong nắng hạ vàng, trên sông Hương tím, trong nền phượng đỏ rợp trời Huế, thì không màu nào điệp vào không gian Huế đẹp và hay như màu sen trắng. Nó như là sự nhắc lại về văn hóa Huế một thời với cầu Trường Tiền trắng bạc vắt ngang sông Hương như dải lụa mềm. Nó như là sự nhắc lại nỗi tự hào về vẻ đẹp lộng lẫy của những tà áo trắng bay dưới vòm long não xanh một thưở tan trường… Nhưng nó không chỉ nhắc lại, nó cũng như đang là sự hiện diện về tiếp biến văn hóa Huế. Những mùa Festival Huế vừa qua, du khách bắt gặp rất nhiều hoa sen trong các chương trình lễ hội. Hoa sen được trồng một cách có ý thức hơn để tôn giữ di tích, thỏa lòng nỗi nhớ người Huế xa quê, và thỏa mãn cái nhìn của du khách...

Đọc cuốn “Ngày mai nhớ Huế về thăm Huế” của chị Hoàng Thị Thọ, có đoạn kết viết về sen: “Họ cực nhọc vì sen nhưng lòng rộng mở, hồn hậu. Tất cả vì sự sống của chính họ và vì một Huế đẹp, một thành phố của hoa sen. Một ngày hè oi ả, tôi chạy xe lên lăng Tự Đức và đứng lặng người bên hồ Lưu Khiêm, trước những đóa sen trắng muốt... Cạnh tôi là những du khách, họ đứng đó, lâu rồi”... Hiếm có một cái kết lay động như thế trong một bài báo. “Họ đứng đó, lâu rồi” là một hình ảnh tĩnh, nhưng sự xáo động tâm can thì chuyển lay như gió. Trước sen, người ta thường bịn rịn. Trước sen, người ta khó lòng rời đi.

Có một thứ sen ở Huế, đó là sen thề, sen hẹn, sen trông, mà rất nhiều người thầm ghi, như câu thơ tuyệt hay của anh Đặng Tiến:

“Ngày mai nhớ Huế về thăm Huế/ Ta sẽ hong tình lên lá sen”

Lá sen ấy không chỉ là lá sen, nó còn là lá tình, lá nghĩa, lá nhớ mong, lá hoài niệm, lá tri âm...

Sen Huế như tình Huế, nhận cho người và trao cho người. Những lá sen bây giờ vẫn xanh những ngày tháng bảy. Những đóa sen bây giờ vẫn trắng muốt trời tháng bảy. Làm sao để gọi tên cho hết cái sắc trắng nồng nàn đang tinh khiết nhường nhịn đến thế kia...

Theo Hạ Nguyên (Báo TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày