Cần có điểm nhấn & tính thẩm mỹ
Lượt đọc: 76354Thời gian: 13:23 - 25/11/2016

(VHH) - Hệ thống chiếu sáng nghệ thuật hiện nay trên địa bàn TP. Huế chưa đáp ứng các yếu tố về thẩm mỹ, số lượng khu vực chiếu sáng, thời lượng chiếu sáng còn ít... Nhà nghiên cứu Huế, kiến trúc sư, nhà quản lý về lĩnh vực này đã chia sẻ quan điểm với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa:

Nên có quy hoạch định hướng chiếu sáng đô thị

So với những thập kỷ trước, hiện nhiều thành phố của Việt Nam trong đó có Huế đã bắt đầu tiếp thu những kỹ thuật về nghệ thuật chiếu sáng. Và có thể nói, Huế là một trong những nơi đã đi đầu trong việc áp dụng chiếu sáng nghệ thuật khá tốt. Tiêu biểu nhất là chiếu sáng cầu Trường Tiền, Ngọ Môn và một số công trình di tích khác. Tuy nhiên, sau này, khi chiếu sáng Ngọ Môn (bằng tài trợ của nước ngoài) thì thiết kế không được chú ý. Ở đây, họ kết hợp hai màu trắng, vàng, nhưng chúng ta lại tiết kiệm bằng cách có đêm chỉ bật đèn một màu. Do đó, tính chất nghệ thuật của nó không đạt.

Chúng tôi đã đề xuất với UBND TP. Huế, UBND tỉnh vào những dịp festival thì chiếu sáng những công trình dọc trục đường Lê Lợi. Dù chúng chưa phải là công trình nghệ thuật tiêu biểu nhưng bằng cách sử dụng ánh sáng nghệ thuật sẽ tạo những hiệu ứng thẩm mỹ, làm Huế đẹp hơn. Ngoài tuyến đường này, Huế còn có thể làm được nhiều nơi khác, như: Phu Văn Lâu, Thương Bạc, Nghinh Lương Đình...

Vấn đề đặt ra là nên có một quy hoạch, định hướng về chiếu sáng đô thị Huế, bao gồm cả hình thức chiếu sáng về giao thông, nghệ thuật và quảng cáo. Với mỗi loại hình, cần phải có một chuyên gia tư vấn chứ không thể tùy tiện thực hiện. Riêng với quảng cáo, cần có định hướng cụ thể. Bởi trong tương lai, sẽ có nhiều doanh nghiệp khác cùng tham gia vào lĩnh vực này. Việc triển khai chiếu sáng nghệ thuật nên thực hiện ở nhiều khu vực khác nhau chứ không nên tập trung một nơi.

KTS Võ Sỹ Châu, giảng viên Khoa Kiến trúc Trường đại học Khoa học Huế

Có quá ít hệ thống chiếu sáng nghệ thuật ở Huế

Huế là thành phố festival, thành phố văn hóa - du lịch, thế nhưng, hiện tại, hệ thống chiếu sáng nghệ thuật ở Huế hiện có quá ít chứ chưa nói phù hợp hay không.

Do đó, nếu muốn quảng bá Huế thì mình phải “tô điểm” thêm. Ở đây là đầu tư cho chiếu sáng nghệ thuật. Và sự đầu tư này, phải tính làm thế nào vừa tăng giá trị di sản, cảnh quan; vừa thu hút, tạo điểm nhấn cho Huế. Kinh phí đầu tư cho hệ thống đèn nghệ thuật không lớn. Thậm chí, rất rẻ so với điện chiếu sáng. Nhưng hiệu quả, lợi ích kinh tế mang lại cực kỳ nhiều.

Để phù hợp với văn hóa Huế, đèn không cần lộng lẫy nhưng nên huyền ảo, nhẹ nhàng, có chiều sâu. Thứ nữa là nên đầu tư những điểm nhấn chứ không cần dàn trải. Như các điểm di sản, các nút giao thông quan trọng, các công viên lớn... Muốn vậy, tỉnh cần có quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết mới đánh giá được. Nên quan tâm thêm các công trình thuộc về tín ngưỡng và tôn giáo thuộc quỹ di sản của Huế, cũng là những công trình tạo điểm nhấn cho thành phố.

Hệ thống đèn đường cũng thế, nếu biết kết hợp giữa đèn chiếu sáng và nghệ thuật sẽ làm tăng ánh sáng nghệ thuật, tiện ích cho đô thị nhưng không tốn kém nhiều. Cách làm có thể là kết hợp đèn nghệ thuật với gương cầu lồi trong các công viên hoặc nếu muốn có ánh sáng mạnh thì dùng lăng kính tụ, thấu kính để tiết kiệm năng lượng... Hay tạo ánh sáng nghệ thuật trên sông Hương dựa vào hệ thống phao phân luồng; dùng đèn laze chiếu sáng các điểm giao giữa núi Ngự Bình, bia Quốc Học, sông Hương đến Tử cấm thành...

Ông Hùng Hữu Danh, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế:

Xã hội hóa đầu tư chiếu sáng nghệ thuật

Chúng tôi được giao nhiệm vụ chiếu sáng nghệ thuật ở những trục đường chính và hai cầu Trường Tiền, Dã Viên. So với trước, việc chiếu sáng nghệ thuật hiện nay được cải thiện nhiều, nhất là về thời lượng, thời gian chiếu sáng. Thay vì chỉ chiếu sáng một giờ mỗi đêm hoặc xen kẽ hàng đêm, hiện đêm nào, các điểm chiếu sáng nghệ thuật cũng “đỏ đèn” từ 18h30 đến 22h30; những ngày lễ, tết chiếu sáng suốt đêm. Tuy thế, vẫn còn khá nhiều những tuyến đường ở trung tâm TP. Huế như Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt... chưa được đầu tư lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật. Hàng năm, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch để đầu tư chiếu sáng cho một số tuyến đường, song do hạn mức được phê duyệt không nhiều (khoảng 1 tỷ đồng) nên không thể đầu tư cùng lúc nhiều tuyến đường mà chỉ ưu tiên tập trung cho một số tuyến theo yêu cầu, chỉ đạo của tỉnh hoặc phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, festival...

Nếu tổ chức kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trên địa bàn hoặc trong và ngoài nước, chắc chắn sẽ cải thiện được tình trạng thiếu hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật như hiện nay. Việc kêu gọi nên tổ chức có hệ thống, bài bản thông qua các cuộc thi để tìm kiếm ý tưởng hay, độc đáo, phù hợp với Huế. Ở mỗi tuyến đường nên đầu tư theo từng chủ đề cụ thể nhằm tạo sự đồng bộ. Điều này TP. Hồ Chí Minh đã làm và khá thành công. Nếu Huế mạnh dạn áp dụng, tôi nghĩ cơ hội khá nhiều. Ngoài Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để chiếu sáng ở đường Lê Lợi, theo tôi biết, có khá nhiều doanh nghiệp khác ở Huế, như Công ty Quảng cáo Thành Công, Lê Nguyễn... cũng có nhu cầu quảng cáo, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm của mình thông qua đầu tư chiếu sáng nghệ thuật. Nếu tỉnh, TP. Huế mời gọi chắc chắn sẽ có doanh nghiệp đầu tư.

Đầu tư chiếu sáng nghệ thuật không nên chỉ trông chờ vào ngân sách, trong khi còn nhiều mục tiêu an sinh xã hội khác cần được ưu tiên hơn, nên chúng tôi nghĩ xã hội hóa lĩnh vực này là giải pháp phù hợp nhất.

Theo Liên Minh - Tâm Huệ (TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày