Gắn kết hàng thủ công mỹ nghệ với thị trường du lịch
Lượt đọc: 57603Thời gian: 14:16 - 02/11/2015

(VHH) - Cùng với sự phát triển của các nghề và làng nghề truyền thống, việc kết nối hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) Huế với thị trường du lịch đang là nhu cầu cấp thiết đối với các cơ sở sản xuất và nghệ nhân trên địa bàn. Song, để thực hiện mục tiêu này cần sự vào cuộc và nỗ lực từ nhiều phía.

Chưa hấp dẫn khách

Trên địa bàn tỉnh có 88 làng nghề, trong đó có 69 làng nghề truyền thống, 8 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 11 làng nghề mới du nhập. Các làng nghề đang phát triển mạnh là đúc đồng, điêu khắc, kim hoàn, gốm, hoa giấy, tranh giấy, đan lát, thêu... Song, lâu nay đa số các sản phẩm làng nghề và hàng TCMN chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng, trưng bày chứ chưa thu hút khách du lịch và xuất khẩu.

Chợ Đông Ba, một trong những trung tâm mua sắm hàng TCMN và sản phẩm làng nghề lớn nhất trên địa bàn, nhưng hàng chục lô hàng nơi đây lại bày bán nhiều chủng loại hàng lưu niệm, quà tặng và TCMN truyền thống xuất xứ từ nhiều nơi, trong đó có cả sản phẩm “made in Trung Quốc”. Du khách rất khó để có thể nhận ra đâu là sản phẩm truyền thống Huế, đâu là hàng được nhập về từ các tỉnh, TP, bởi những sản phẩm mang tính đặc trưng và thương hiệu “made in Huế” còn hiếm hoi. Một số món hàng như Ngọ Môn làm bằng xương, tranh thêu, tượng đồng, đèn bát làm từ tre, đèn lồng vải... dường như đã quá quen thuộc và chưa thật sự hấp dẫn khách.

Chị Nguyễn Thị Lài, tiểu thương kinh doanh ngành hàng lưu niệm ở chợ Đông Ba cho biết: “Khách du lịch khi mua hàng thường hỏi về nguồn gốc, xuất xứ và giá cả. Song, do hàng TCMN và quà tặng Huế mẫu mã đơn điệu, cồng kềnh và công năng sử dụng thấp nên du khách ít lựa chọn hơn so với các sản phẩm TCMN nhập về từ Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt và thậm chí là hàng Trung Quốc.”

Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam Lê Bá Ngọc cho rằng: "Huế là cái nôi hội tụ nhiều làng nghề truyền thống và nghệ nhân có tay nghề cao, song hàng TCMN lâu nay vẫn chưa hấp dẫn khách và kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này chưa cao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do các cơ sở chưa có sự kết nối, mạnh ai nấy làm và chưa mạnh dạn trong công tác xúc tiến thương mại và cải tiến mẫu mã nên sản phẩm làm ra cứ theo kiểu lối mòn nhàm chán".

Một lý do nữa khiến hàng TCMN Huế lâu nay vẫn "đứng ngoài" thị trường du lịch đó là tâm lý "ăn xổi". Do thiếu đầu tư công nghệ sản xuất, thiết kế mẫu mã nên các làng nghề, cơ sở sản xuất vẫn chấp nhận làm hàng giá rẻ, lấy công làm lãi, thuần túy gia công, bán nguyên liệu và sức lao động chứ chưa tạo ra được các sản phẩm có giá trị tăng cao; bao bì đóng gói chưa mang tính đặc trưng của hàng tặng du lịch. "Tôi đến Huế rất nhiều lần, song rất ít mua quà tặng vì mẫu mã khá đơn điệu, qua nhiều năm những vẫn chưa phát triển thêm sản phẩm mới, lạ và có sự khác biệt với các vùng miền. Hơn nữa, đa số các sản phẩm TCMN Huế chỉ có chức năng trang trí chứ chưa có công năng sử dụng hay làm quà tặng", chị Nguyễn Phương Mai, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh nói.

Giải pháp

Trước thực trạng trên Sở Công thương đã có nhiều giải pháp nhằm tìm hướng đi đúng để phát triển sản phẩm TCMN trên thị trường Huế nói chung và phục vụ khách du lịch nói riêng.

Du lịch làng nghề luôn thu hút khách

Bà Nguyễn Thị Thanh Trà - Giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế cho rằng: “Để hàng TCMN và quà tặng Huế có chỗ đứng trên thị trường du lịch, trước tiên các cơ sở cần cải tiến mẫu mã sản phẩm, bắt đầu từ cải tiến bao bì, kết hợp chất liệu phù hợp, chuyển mục đích sử dụng, ứng dụng công nghệ mới và hiện đại để sản xuất. Mặt khác, phải đẩy mạnh tiếp thị hình ảnh đến với khách hàng, chuyên nghiệp hóa việc xây dựng hình ảnh sản phẩm nhằm tạo dựng một thương hiệu riêng để dù được bày bán ở bất cứ đâu, khách hàng vẫn có thể nhận ra đó là hàng TCMN made in Huế”.

Các cơ sở sản xuất lại mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các ban ngành liên quan đối với công tác xúc tiến thương mại, địa điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm và công tác quảng bá. "Trải qua hàng chục năm nỗ lực cải tiến mẫu mã, hiện hàng mây tre đan Bao La đã có chỗ đứng trên thị trường. Song, do cơ sở cách trung tâm thành phố khá xa nên khách hàng rất khó khăn để mua sản phẩm, trong khi đó tỉnh vẫn chưa có một địa điểm trưng bày dành riêng cho các làng nghề nên các tư thương lợi dụng nâng giá bán, ảnh hưởng đến uy tín và quyền lợi của khách. Chúng tôi mong muốn địa bàn thành phố sớm có một trung tâm giới thiệu sản phẩm để hàng TCMN và quà tặng Huế được quảng bá và phục vụ khách du lịch", Ông Võ Văn Dinh - Chủ nhiệm HTX Mây tre đan Bao La nói.

Tại hội thảo "Kết nối hàng TCMN với thị trường du lịch", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: "Lâu nay, các cơ sở chỉ sản xuất những sản phẩm mình có, chứ chưa thật sự chú trọng đến những mẫu mã khách cần nên việc kết nối với thị trường du lịch luôn gặp khó khăn. Với đội ngũ nghệ nhân có tay nghề cao, tâm huyết với nghề, các cơ sở nên dựa trên các danh lam thắng cảnh Huế để sáng tạo ra các sản phẩm TCMN mang đặc trưng riêng để thu hút khách, đồng thời khai thác các tác phẩm đạt giải qua các cuộc thi để ứng dụng sản xuất hàng loạt, số lượng lớn phục vụ thị trường du lịch và xuất khẩu. Mặt khác, phải chuyên nghiệp hóa bao bì, cải tiến mẫu mã, sử dụng công nghệ hiện đại để sản xuất những sản phẩm nhỏ, gọn, có thể gấp xếp để dễ dàng vận chuyển".

Theo Thanh Hương (TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày