Từ miền Tây ra Huế để tìm về làng nghề đan bàng
Lượt đọc: 110599Thời gian: 09:37 - 20/12/2016

(VHH) - Từ lâu, các sản phẩm từ bàng sợi đã lưu hành phổ biến trong cuộc sống người dân miền Trung và miền Tây Nam Bộ.

Những sản phẩm tiêu biểu mà bạn có thể bắt gặp trên đường là những chiếc túi đựng đồ từ miền quê gửi lên, những chiếc nón đi biển mà bạn hay đội, hay những chiếc đệm bàng êm êm trong nhà,.. Chính bởi vì sự thuận tiện và giá cả hợp lý, những sản phẩm từ bàng sợi rất được người dân ưa chuộng, có nơi đã hình thành làng nghề. Hãy cùng chúng tôi từ miền Tây đi ngược ra Huế để tìm hiểu về hai làng nghề đan bàng nổi danh từ lâu.

Làng nghề Phú Mỹ - Hướng tới khai thác bền vững đồng cỏ bàng

Nghề đan bàng xuất hiện ở huyện Tân Phước - Kiên Giang từ rất lâu. Dưới bàn tay khéo léo của những người thợ, từ nguyên liệu là cây cỏ bàng, rất nhiều sản phẩm đẹp, có giá trị như đệm, túi xách, nón... đã được tạo nên. Đồng cỏ bàng Phú Mỹ rộng hàng ngàn hecta là nguồn nguyên liệu khá dồi dào để địa phương phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ.

Như nhiều khu vực khác của vùng đất mới Nam Bộ, trước đây cây cỏ bàng mọc hoang dại rất nhiều ở Tân Phước. Khi khô đi, thân cỏ bàng rất chắc, bền, nên người địa phương đã dùng thân cỏ bàng khô đan thành các vật dụng như: Giỏ xách, đệm ngủ, nón đội đầu... Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Đến năm 2004, Nghề đan bàng của Kiên Giang khởi sắc hơn khi dự án “Khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công địa phương” được triển khai, không những góp phần giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng ngàn lao động nghèo, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer. Mà còn duy trì nguồn thức ăn dồi dào và môi trường sống thân thiện, lý tưởng cho Sếu đầu đỏ di trú về.

Công việc đan lát các sản phẩm từ bàng khá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, rất thích hợp cho cả phụ nữ và trẻ em tham gia. Sự khéo léo và tinh tế thể hiện ở chỗ những tấm đệm dù chỉ một màu và đan bằng một nguyên liệu là cọng cỏ bàng, nhưng nếu nhìn kĩ, bạn sẽ thấy những hoa văn hiện lên nhờ cách sắp xếp cọng, hướng đan của người làm nghề.

Ngày nay, loại cỏ này đã được trồng như một loại cây chuyên canh, đến một năm tuổi thì thu hoạch. Sau mang về, cỏ sẽ được phân loại ra thành từng bó, tùy vào độ dài ngắn khác nhau. Những bó như vậy được gọi là "neo". Khi phơi đủ 2 nắng, cọng cỏ bàng còn phải ép qua máy để cọng mỏng đều và khô tuyệt đối. Công việc đan lát không khó khăn nhưng đòi hỏi những người thợ sự khéo léo mới có những thành phẩm vừa chắc vừa đẹp.

Làng nghề đan bàng Phú Mỹ Kiên Giang hàng năm cung cấp một số lượng lớn sản phẩm đan lát từ bàng cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, làng nghề không chỉ làm sản phẩm theo mẫu mã sẵn có mà còn sáng tạo với nhiều mẫu mã đẹp, làm cho sản phẩm đan lát của mình có chỗ đứng ổn định. Ai có dịp đi qua vùng biên giới Tây Nam sẽ tận mắt chứng kiến khung cảnh làm nghề nhộn nhịp của làng nghề đan bàng Phú Mỹ - Vĩnh Điều huyện Kiên Lương. Nghề đan bàng đang có nhiều khởi sắc hơn vì thị trường xuất khẩu đang mở rộng. Hiện nay đời sống của nhân dân vùng đồng cỏ bàng ngày càng được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn đang từng ngày khởi sắc.

Ngược ra Huế thăm Phò Trạch Đệm

Cách Trung tâm thành phố Huế khoảng 50 km về hướng Bắc, làng Phò Trạch với nghề đan đệm bàng có bề dày hàng trăm năm. Phò Trạch Đệm, một làng nghề truyền thống thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền, là một làng quê nổi tiếng về nghề đan đát nhiều vật dụng từ một loài cây mọc dại.

Vốn là vùng đất có nhiều diện tích cát bạc màu trắng xóa, chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn, lại có khá nhiều kiểu địa hình bất thuận cho hoạt động sản xuất. Ngoài những đồi cát hoang hóa, còn có những ruộng trũng chua phèn, trằm và bàu nước thiếu kiểm soát. Hằng trăm năm nay, hệ canh tác nông nghiệp ở đây đơn điệu, chủ yếu là sản xuất lúa trên các chân đất lúa nước bạc màu, năng suất thấp.

Câu nói của tiền nhân "Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy" đã an ủi phần nào, đồng thời cũng là một thông điệp có tác dụng giữ chân người dân của vùng khốn khó, trong đó có Phò Trạch Đệm. Mà đã ăn cỏ đồng mình thì dù dở, dù ngon cũng đành chấp nhận, và rồi dần dần “cái khó cũng ló cái khôn”. Trong bối cảnh môi trường sống khắc nghiệt, con người Phò Trạch Đệm như ngầm tuân theo qui luật đấu tranh sinh tồn tự nhiên, họ chẳng chịu bó tay trước muôn vàn thử thách, đã tìm tòi mọi cách để chinh phục và vươn lên. Từ đó đã phát hiện những tiềm năng vốn có, những món quà thiên nhiên ban tặng. Một trong những món quà đó lại là một loài cỏ dại ngập nước - cây Bàng sợi.

Từ năm 2005, sau khi Dự án bảo tồn khai thác bền vững đồng cỏ bàng sợi 2.800 ha ở xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang được được khởi động, nhiều bài báo tập trung đưa tin khiến cả nước bắt đầu biết đến cây bàng sợi và nghề đan bàng sợi ở đó. Trong lúc đó, nghề đan bàng sợi ở làng Phò Trạch Đệm là một nghề truyền thống có cả trăm năm nay, mà sản phẩm truyền thống khó quên với người dân miền Trung, chí ít cũng là Thừa Thiên Huế, là những chiếc đệm trải giường tre cho người lớn nằm và những chiếc chẹ trải nôi cho trẻ con. Đệm tuy không đẹp mã như chiếu lác, nhưng với lối sống dân giả thì nó lại khá phù hợp. Do mặt đệm phẳng hơn nên vào mùa nắng nóng, trải nó trên vạc giường tre, người nằm có cảm giác mát lưng hơn nằm chiếu lác. Cũng vì mỏng hơn và phẳng hơn chiếu lác nên khi giặt cũng dễ sạch và chóng khô hơn...

Chính mặt hàng "đệm truyền thống" đã khiến tên làng mang thêm chữ "Đệm". Trong vài chục năm trở lại đây, không dừng lại ở hai loại sản phẩm truyền thồng đó, người dân Phò Trạch Đệm còn phát triển nhiều mặt hàng như, túi xách, mũ rộng vành du lịch, thảm trang trí, tấm trải ghế bành, tấm lót cửa ra vào, nệm ngồi, khay trưng bày hàng mỹ nghệ... Năm 2006, trong lễ hội ngành nghề truyền thống, Phò Trạch Đệm đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao huy chương đồng về mặt hàng túi xách đan bằng bàng sợi.

Với đặc tính chống ẩm về mùa Đông và thoáng mát về mùa Hè, lối đan truyền thống kết hợp với hoa văn dân gian, những sản phẩm của làng nghề đan bàng sợi đang gây hiệu ứng tốt với người tiêu dùng. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống là những sản phẩm mỹ nghệ sinh hoạt và trang trí như: Chiếu du lịch tắm biển, nệm ngồi, túi xách thời trang, khay đựng, giỏ rác, đèn trang trí... một số sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn mới của châu Âu, trong đó chú trọng đến tính tiện lợi, tính dân gian và tính thân thiện với môi trường.

Hy vọng trong tương lai, làng nghề đan bàng cũng như các sản phẩm từ bàng sợi sẽ càng phát triển, trở thành điểm sáng của một trong những sản phẩm thủ công làng nghề Việt.

Theo Bảo Phương/KD&PL
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày