Nhà vườn Kim Long - Kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị
Lượt đọc: 124418Thời gian: 08:25 - 13/08/2014

(VHH) - Những di sản mà Huế còn lưu giữ cho đến ngày nay không chỉ có đền đài, lăng tẩm; Huế còn được mệnh danh là xứ sở thơ mộng với những ngôi nhà vườn xinh đẹp, trong đó phải kể đến vùng đất Kim Long với rất nhiều ngôi nhà vườn cổ kính của các ông hoàng bà chúa, các vị đại thần khoa bảng thời xưa.

Kim Long nằm ở bờ Bắc sông Hương, là vùng đất có cảnh quan đẹp, khung cảnh hữu tình với hệ thống cây xanh phong phú và đa dạng. Hằng năm, Kim Long được phù sa sông Hương bồi đắp qua những trận lũ thường niên. Do vậy, vùng đất này rất thích hợp để trồng các loài hoa, rau xanh, cây thuốc, cây ăn quả...

Năm 1636, một năm sau khi lên ngôi, vị chúa thứ ba xứ Đàng Trong Nguyễn Phúc Lan đã dời phủ về làng Kim Long. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An, cố đạo Alexandre de Rhodes đã mô tả Kim Long như một thành phố lớn. Ông nói rằng phủ chúa lúc ấy rất khang trang, nhà cửa xinh xắn, phần lớn làm bằng gỗ với cột kèo chạm trổ tinh vi, nhà nào chung quanh cũng có vườn. Vườn Kim Long đẹp, thơ mộng và mang đậm hồn Huế mà nhiều nhà văn hóa nhận xét đó là: "nơi trú ngụ của những tâm hồn xứ Huế, kín đáo, thanh tao và hồn hậu" hay là "kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị"...

Thiết kế không gian nhà vườn Kim Long thường kín đáo và ý nhị. Xung quanh ngôi nhà vườn bao giờ cũng là mảnh đất rộng để trồng các loại cây ăn trái (măng cụt, nhãn, đu đủ, xoài), các loại rau, hoa. Vườn ở Kim Long ngoài những cây có giá trị về kinh tế còn có những cây phục vụ cho phong tục, lễ nghi hay những cây thuốc chữa bệnh, cây cảnh, cây hương liệu... Tất cả có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt khác nhau của con người ở đây. Nằm ở phía trung tâm là ngôi nhà - một công trình kiến trúc truyền thống; ngôi nhà này có thể là nhà rường, nhà rội, nhà tranh đặc trưng nhưng thường chỉ là tầng trệt. Trước ngôi nhà là khoảng sân rộng, người ta cho xây một bể cạn hay hồ nước nhỏ hình chữ nhật với những bông súng, bông sen nở rực rỡ nổi trên mặt nước. Trước bể cạn là bức bình phong; chủ nhân xây nên tấm bình phong và làm lối đi khúc khuỷu để trấn tránh những điều không tốt và cũng giữ vẻ tôn kính cho ngôi nhà. Có thể kể đến một số nhà vườn tiêu biểu ở Kim Long như: Nhà vườn An Hiên xây dựng từ năm 1895, Thường Lạc Viên, Xuân Viên Tiểu Cung, Phú Mộng Viên, An Lạc Viên, nhà vườn của ông Nguyễn Ngọc Trinh, Tịnh Dật Cư...

Nhà vườn Kim Long là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ vừa có hiệu quả kinh tế trong sự hài hòa giữa thiên nhiên và cuộc sống. Thú tiêu khiển của người Huế trong ngôi nhà vườn cũng là một nét văn hóa độc đáo. Phổ biến nhất là hòn non bộ với cảnh núi non thu nhỏ, có hang động, có chùa tháp, có suối, có thác, có người và thú vật, tượng trưng cho cảnh sinh hoạt hay sự tích lịch sử, huyền thoại, cổ tích nào đó. Ở những ngôi nhà khá giả, trong nhà thường có bộ trường kỷ, hai bên là tủ chè, sập gụ, có chưng những món đồ cổ quý giá, thậm chí cả những súc trầm chạm chim muông, hoa trái...

Không gian nhà vườn Kim Long là nơi nuôi dưỡng tinh thần, thể hiện sức sáng tạo và phản ánh những ước vọng, hoài bão, sở thích của chủ nhân ngôi nhà. Con người trong vườn Huế thường xem cây là bạn, xem ao hồ, bể cạn, non bộ là kẻ tri âm, xem chim muông là khách ân tình lưu luyến... Tất cả đã giúp cho khu vườn Huế vừa tràn trề sức sống nhưng cũng có gì đó e ấp trầm tư như chính tính cách hướng nội của con người nơi đây. Tuy vậy, không gian vườn Kim Long vẫn không kém phần thân thiện, mực thước... Theo nhà văn, nhà nghiên cứu Bửu Ý, không gian nhà vườn Huế nếu biết kết hợp với những món ngon của Huế, bày biện và thưởng thức trong không gian ấy thì rất thú vị.

Ngày nay, những ngôi nhà vườn cổ kính còn lại trên đất Kim Long không nhiều. Tuy vậy, đã có rất nhiều nhà vườn được tôn tạo, sửa chữa để phục vụ cho đời sống người dân cũng như hoạt động du lịch. Du khách đến nghỉ tại các nhà vườn tại Kim Long sẽ tiếp cận được khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng, không khí trong lành, tận hưởng nhiều thú vui nơi không gian trầm lặng xứ Huế. Trong tương lai không xa, hy vọng nhà vườn Kim Long sẽ được nhiều du khách biết đến và trải nghiệm, mở ra một hướng phát triển mới của du lịch xứ Huế.

Ngự Giao
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày