Từ xưa đến nay, mọi người đều biết, lễ hội như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa linh thiêng, tưng bừng, náo nức mà không kém phần trang trọng.
Lễ hội trở thành nơi các tầng lớp nhân dân trở về cội nguồn, cũng như lịch sử hào hùng của dân tộc, của tổ tiên, tưởng nhớ công ơn to lớn của các bậc tiền bối, cầu mong sức khỏe tràn đầy, hạnh phúc và những điều tốt đẹp. Đây cũng là nơi mọi người được vui chơi, giải trí, bù đắp về tinh thần, tâm linh.
Tuy nhiên thời gian qua, từ thực trạng của hoạt động của một số lễ hội, dường như ý nghĩa thiêng liêng đó bị suy giảm khá nhiều trước sự lấn lướt thái quá của yếu tố thương mại hóa với không ít hiện tượng tiêu cực.
Tổ chức động vật châu Á đã phải lên tiếng, khuyến cáo chấm dứt lễ hội chém lợn ở Ném Thượng. Nhiều người dân bức xúc trước cảnh bạo lực như giết trâu, chém lợn… và tình trạng chen lấn, xô đẩy, ẩu đả, đánh nhau, đốt vàng mã tràn lan, cờ bạc, trộm cắp, "chặt chém", xả rác bừa bãi… trong không ít lễ hội đầu xuân.
Tín ngưỡng, tôn giáo có những tiêu chí và nguyên lý riêng của nó. Dẫu có bị phủ màu thời gian, thì cái gốc bản chất của nó vẫn không thay đổi. Song, đáng tiếc, một số người, đi lễ lại không thấu hiểu ý nghĩa cao cả của lễ hội, phải ứng xử ra sao cho phù hợp, chuyển sang trạng thái có phần mê tín. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến quan niệm có chiều phiến diện, chẳng hạn như: Dự lễ hội thì bắt buộc phải quyên tiền công đức, bằng không sẽ mắc tội với thần linh.
Khi người dự lễ hội sẵn sàng rút tiền, thì kẻ trục lợi càng có thêm cơ hội kiếm trác. Ðiều này lý giải tại sao, gần đây, khi tới một số lễ hội lại xuất hiện nhiều điểm thờ tự mới, "hút" thêm tiền công đức…
Tại không ít chùa, bên cạnh cảnh trang nghiêm, thanh tịnh là la liệt hòm công đức. Thậm chí, người ta thả tiền xuống giếng, nhét tiền vào tay, chân, miệng, dán lên cả mình Phật…Cũng có người đặt vấn đề, tiền công đức khó quản, mạnh ai nấy làm, có nơi sau mỗi mùa lễ hội thu về vô số tiền bạc và số tiền bạc này đi đâu?
Theo thống kê, nước ta hiện có quá nhiều lễ hội (gần 9.000 lễ hội), tức là mỗi ngày, bình quân có tới hơn 24 lễ hội. Tuy nhiên, có người cho rằng, còn không ít những lễ hội tổ chức na ná nhau, thiếu đi bản sắc riêng.
Chính vì vậy, ngay tại cuộc họp báo sau Tết cổ truyền Ất Mùi (ngày 2/3/2025), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh: "Trên cơ sở tiến hành tham vấn ý kiến cộng đồng, tổ chức điều tra xã hội học, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp rà soát, hướng dẫn cách thức tổ chức lễ hội và thực hành nghi lễ phù hợp".
Vẫn biết những vấn đề liên quan đến văn hóa không thể giải quyết một sớm một chiều, nhất là ở nước ta, một đất nước đa dân tộc và đa dạng về văn hóa, nên thiết nghĩ, bên cạnh cơ chế xử lý tệ nạn trong lễ hội mang tính trực tiếp, tại chỗ, các cơ quan chức năng cần sớm có kế hoạch dài hạn gắn liền với những chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể mang tính đồng bộ.
Trước mắt, những hủ tục là những phong tục, tập quán đã lỗi thời, lạc hậu trong lễ hội cần được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nghiên cứu, loại bỏ khi không còn phù hợp với xã hội văn minh, hiện đại, thiếu đi tính nhân văn như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, bảo đảm việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thực hiện nếp sống văn minh tại các khu du lịch, các lễ hội; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch.