Nghệ thuật khởi lên từ tâm thức của người nghệ sĩ, tâm thức một nghệ sĩ lớn bao trùm cả xã hội ở thời đại của họ, sẽ cho ra đời tác phẩm xứng tầm thời đại đó. Trong văn chương Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố,... trong tạo hình có Bửu Chỉ, Phố Phái, Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng, Lê Thành Nhơn, Đinh Cường,... trong âm nhạc có Phạm Duy, Trịnh Công Sơn... và cả những trường hợp vượt lên hơn nữa, để lan tỏa suốt dòng thời gian bất tận này là không nhiều, chỉ những thiên tài may ra mới đón nhận được điều đó.
Với nhà điêu khắc lừng danh Lê Thành Nhơn, có thể nói rằng qua những tác phẩm của ông, người xem như cảm nhận được tâm thức của tác giả khi sáng tạo đã đồng cảm với tâm thức xã hội qua các thời đoạn, như tác phẩm tượng bán thân nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu là cả một sự trầm tư, suy tưởng về vận nước. Cái tài của người nghệ sĩ là nhập vào dòng chảy của lịch sử để sáng tạo nhân vật. Tầm vóc của nhân vật lịch sử lớn thì sự biểu hiện tài năng của người nghệ sĩ càng thấu đạt. Chỉ với tác phẩm tượng bán thân cụ Phan Bội Châu cũng đủ để khẳng định một tầm vóc lớn của tác giả Lê Thành Nhơn. Lấy cảm hứng từ những nhân vật lịch sử, Lê Thành Nhơn đã cho ra đời các tác phẩm mô tả thần thái các nhà yêu nước: Phan Bội Châu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trung Trực, cùng nhiều danh nhân trong và ngoài nước. Đó là loạt tượng về danh nhân mà ông đã dày công thể nghiệm thông qua tư liệu lịch sử, để cảm nhận được cuộc đời và tâm thức của các nhân vật lịch sử, từ đó Lê Thành Nhơn đã truyền năng lực và cảm xúc của mình vào đất đá để tạo ra những giá trị văn hóa phô diễn được nội hàm của các nhân vật lịch sử đến với công chúng qua tác phẩm của mình.
Trở lại với tác phẩm nhà chí sĩ Phan Bội Châu, nếu quan sát kỹ sẽ thấy cái chau mày chỉ bằng hai nét gợn, tôn vinh đôi mắt đang khép lại để bật lên cái nhìn thấu suốt vào bên trong của con người kỳ vĩ đang đau cùng vận mệnh dân tộc, phần mảng khối ở miệng và cằm lại càng tạo nên uy lực của một vĩ nhân. Ngoài phần chính là khuôn mặt cụ Phan, thì các yếu tố phụ được tác giả diễn đạt rất sống động để tô vẻ và tăng thêm nội dung cho phần chính.
Ngoài điêu khắc, hội họa của Lê Thành Nhơn được diễn đạt bằng bút lực mạnh để đưa người xem đến với thế giới trừu tượng biểu hiện. Trong cách nhìn đó, chúng ta có thể thấy được những đóa hoa như đang nở trong sắc màu của nhà điêu khắc tài danh này.
Nhìn vào tác phẩm Sinh, Lão, Bịnh, Tử để thấy được sự tài năng của người nghệ sĩ. Cho thấy không chỉ có giới tu sĩ mới có thể diễn đạt Phật pháp qua lời nói, mà bất kỳ ai khi đã hòa vào thế giới Phật pháp, thì tất cả phương tiện thiện xảo đều trở thành công cụ để truyền pháp đến mọi đối tượng. Tác phẩm Sinh được diễn tả bằng sự phồn thực nhưng thanh khiết của nghệ thuật, gợi nhắc về một người nữ với đôi bầu vú căng đầy và khối tròn được đôi cánh ôm lấy như chứa đựng tất cả mọi vật. Tác phẩm "Lão" là sự diễn bày một con người khòm lưng được giữ thăng bằng bởi cây gậy đang vươn về phía tối. Tác phẩm "Bịnh" là những chiếc xương sườn bật lên trên một dáng người đang hướng cái nhìn về phía trời cao. Cuối cùng là "Tử" được mô tả một người thiếu phụ ngửa mặt, trong một tư thế cuộn tròn, chân chạm đầu như chuẩn bị cho một sự tiếp nối khác trong cuộc chuyển hóa của vòng luân hồi... Ngoài ra, Lê Thành Nhơn còn để lại nhiều tác phẩm đặc sắc như: Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật tọa thiền, Mẹ Maria, Mẹ Việt Nam... với phong cách tinh tế, hiện đại, nhưng vẫn đọng lại tinh thần Việt và truyền cảm xúc mạnh đến người xem.
Điều kỳ diệu và diễm phúc của TP. Huế là được sở hữu những tác phẩm lớn của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, là "Cô gái Việt Nam", "Quán Thế Âm" và "Phan Bội Châu" cùng đặt trên con đường Lê Lợi để tăng thêm sự sang trọng cho dòng Hương thơ mộng và như gợi nhắc đến công chúng về một Cố đô ẩn chứa nhiều lớp trầm tích văn hóa.