Bình đẳng giới trong gia đình: Chìa khóa của Hạnh phúc!
Lượt đọc: 831Thời gian: 10:33 - 23/11/2022
Ảnh minh hoạ

Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực ngày 01/7/2007. Luật bao gồm 44 điều được chia thành 6 chương với Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. 

 

Tại điều 5, Luật Bình đẳng giới đã định nghĩa: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.”  Bình đẳng trong gia đình nghĩa là các thành viên  có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Theo đó, Luật quy định tại điều 18 về bình đẳng giới trong gia đình như sau:

1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.

3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.

4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.

5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.

Việc đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình bị xử phạt theo điểm b khoản 1 và điểm a, điểm c khoản 5 tại điều 13 Nghị định 125/2021/NĐ-CP:  “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cản trở hoặc không cho thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì lý do giới tính; Đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.” Đồng thời, buộc xin lỗi công khai người bị đối xử bất bình đẳng, trừ trường hợp người bị xâm phạm có đơn không yêu cầu và khôi phục quyền lợi hợp pháp của người này.

Bình đẳng trong gia đình có ý nghĩa rất quan trọng trong thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Bình đẳng trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng. Bình đẳng giới trong gia đình là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình, thúc đẩy giải phóng phụ nữ, xây dựng thể chế gia đình bền vững. Phụ nữ bình đẳng với nam giới không chỉ góp sức cho xã hội giàu mạnh, văn minh mà trong gia đình là ngọn nguồn của hạnh phúc, sản sinh và nuôi dưỡng thế hệ trẻ tốt đẹp hơn. Bình đẳng trong gia đình là nền tảng của gia đình và hạnh phúc. Vai trò của phụ nữ được phát huy bình đẳng trong xã hội và trong gia đình có ý nghĩa to lớn đối với sự giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và truyền thống văn hoá của dân tộc.

Nghi Dung
Các tin khác
Xem tin theo ngày